Lợi nhuận nhóm chứng khoán có thể giảm sâu trong quý II/2022, nhiều "cây ATM" khó rút tiền

08-07-2022 05:43|Ba Lỗ

Việc thị trường chứng khoán chỉnh mạnh đã ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh quý II/2022 của các công ty chứng khoán. Thậm chí, những công ty quy mô nhỏ có thể đối mặt với nguy cơ lỗ ròng sau khi các BCTC được công bố.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã liên tục biến động theo chiều hướng tiêu cực kể từ đầu tháng 4/2022 trước hàng loạt các thông tin bên ngoài tác động như chiến tranh Nga - Ukraine, Fed tăng lãi suất, lạm phát tại Mỹ và các nước châu Âu tăng cao, các biện pháp cứng rắn nhằm tăng sự minh bạch trên thị trường...

Thị trường chứng khoán trong nước khép lại quý II/2022 với không khí ảm đạm bao trùm gần như tất cả các mã cổ phiếu xuất hiện giao dịch.

Kết phiên giao dịch 30/6/2022, chỉ số VN-Index đứng mức 1.197,60 điểm - giảm 7,36% so với tháng 5 song đã giảm 20,07% so với cuối năm 2021; HNX-Index giảm đến 41,42% xuống 277,68 điểm. Trên cả 3 sàn có đến hơn 520 mã cổ phiếu nằm dưới mệnh giá.

Không chỉ giảm về mặt điểm số, thanh khoản thị trường cũng có sự đi xuống rõ rệt. Tổng giá trị giao dịch bình quân trong nửa đầu năm 2022 đạt 25.673 tỷ đồng/phiên - giảm 14,8% so với nửa cuối năm ngoái trong đó giá trị khớp lệnh bình quân giảm 15,2% xuống 23.677 tỷ đồng. Nếu chỉ tính riêng quý II, giá trị giao dịch bình quân giảm đến 34,2% xuống 20.525 tỷ đồng/phiên trong đó giá trị khớp lệnh bình quân đạt chỉ 18.654 tỷ đồng/phiên - giảm 35,8%.

thua.jpg

"Giữ được lãi quý đã là cả một nỗ lực"

Có thể thấy việc thị trường chứng khoán biến động đang ảnh hưởng tiêu cực và trực tiếp đến kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán trong quý II/2022.

Ông Phan Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho biết, diễn biến giảm mạnh của thị trường chứng khoán đã ảnh hưởng chung đến các doanh nghiệp trong ngành và “việc Agriseco giữ được lợi nhuận đã là một nỗ lực rất lớn”.

Theo ông Tuấn, lợi nhuận trước thuế quý II của Agriseco ước đạt khoảng 60 tỷ đồng. Các khoản cho vay và phải thu đóng góp lớn nhất trong cơ cấu lợi nhuận trong khi mảng tự doanh trái phiếu không được như kế hoạch.

Tính chung 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của công ty đạt trên 120 tỷ đồng - giảm gần 25% so với cùng kỳ năm 2021.

Với những công ty chứng khoán lớn như HSC, VNDirect, dù lợi nhuận quý II ước tính vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái song nếu so sánh với quý I/2022 thì vẫn là bước thụt lùi.

Cụ thể, VNDirect vừa công bố con số ước tính lợi nhuận trước thuế 6 tháng với 1.620 tỷ đồng - tăng 43% so với cùng kỳ năm 2021, hoàn thành xấp xỉ 45% kế hoạch kinh doanh cả năm.

Như vậy, nếu trừ đi khoản lãi trước thuế 956 tỷ đồng trong quý I/2022, có thể thấy lợi nhuận quý vừa II/2022 của VNDirect vào khoảng 660 tỷ đồng - giảm hơn 30% so với quý trước.

Tương tự, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho biết, lợi nhuận quý II của công ty có thể vẫn duy trì được đà tăng trưởng so với cùng kỳ 2021 song sẽ khó đạt được như quý I/2022. Theo đó, kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2.025,6 tỷ đồng - tăng 15,6% so với mức thực hiện của năm 2021 sẽ là một thách thức rất lớn.

Với nhóm công ty chứng khoán nhỏ hơn, ông Hoàng Anh, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam cho biết, lợi nhuận sau thuế quý II/2022 của công ty ước đạt 8 tỷ đồng - giảm nhẹ so với mức 9 tỷ đồng đạt được trong quý trước đó.

Lý giải sự "bốc hơi" lợi nhuận

Có nhiều "mũi nhọn" giúp các công ty chứng khoán (nhất là nhóm đầu) làm đầy hầu bao lợi nhuận; việc thị trường chứng khoán diễn biến tiêu cực trong quý II/2022 kéo theo sự đi xuống mạnh về điểm số và thanh khoản đã khiến lợi nhuận gộp từ mảng môi giới giảm sút nghiêm trọng. Đây được coi là một trong những "cây ATM" giúp nhóm này hái lợi nhuận khủng thời gian qua.

Biến động thị phần môi giới cổ phiếu sàn HOSE các quý II
giai đoạn 2018 - 2022 (quý I/2019 là thời điểm VPS xuất hiện)

Thị trường rung lắc mạnh cũng khiến lợi nhuận từ mảng tự doanh của nhiều công ty chứng khoán bị ảnh hưởng đáng kể. 

Lãnh đạo Agriseco cho biết, trong quý II, các khoản cho vay và phải thu đóng góp lớn nhất trong cơ cấu lợi nhuận trong khi mảng tự doanh trái phiếu không được như kế hoạch.

Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ môi giới của công ty suy giảm khi thanh khoản thị trường sụt giảm, doanh thu mảng tự doanh chỉ bằng 48% cùng kỳ.

Kế đó, lợi nhuận từ mảng cho vay margin sẽ bị bóp lại dù rằng mảng này vẫn được coi là "chủ lực" trong tổng thể bức tranh lợi nhuận ngành chứng khoán trong quý II/2022.

Theo thống kê của Fiinpro, dư nợ cho vay margin tại thời điểm 31/3/2022 gần như đi ngang so với cuối năm 2021 (tăng 0,9%). Với chi phí vốn giảm 0,4% và lãi suất cho vay bình quân tăng 0,2%/năm so với cùng kỳ năm ngoái, biên lãi thuần cải thiện tương ứng đã và đang giúp các công ty chứng khoán ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận từ hoạt động cho vay margin. Tuy nhiên, điều này cũng báo hiệu về triển vọng lợi nhuận kém tích cực của ngành này trong các quý tới, do dư nợ cho vay margin đang trong xu hướng giảm và thị trường chứng khoán tiếp tục điều chỉnh.

Một nguồn thu khác đến từ hoạt động tư vấn phát hành trái phiếu cũng được cho là giảm mạnh trong bối cảnh các hoạt động siết vốn qua kênh huy động này bị thắt chặt. Sự kiện "vỡ hụi" Tân Hoàng Minh và những vấn đề nóng của hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp (nhất là bất động sản) kể từ đầu quý II đến nay đã ảnh hưởng mạnh đến các hoạt động phát hành của loạt doanh nghiệp và bị lấn át bởi các diễn biến mua lại trái phiếu trước hạn của hàng chục công ty.

Ngoài ra, nguồn thu từ hoạt động tư vấn niêm yết cổ phiếu trong quý sẽ gần như không đáng kể trong bối cảnh từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường mới chỉ có thêm 5 mã mới xuất hiện trên HOSE gồm CTCP Điện Lực, Hạ tầng Đèo Cả, CTCP Minh Hưng Quảng Trị, CTCP Phát điện 3 và CTCP Công trình Viettel.

Về diễn biến nhóm cổ phiếu ngành, ở thời điểm hiện tại, nhiều cổ phiếu chứng khoán đã giảm rất sâu so với vùng đỉnh xác lập vào cuối năm 2021, thậm chí có những cổ phiếu giảm tới 60 - 70% như SSI, VCI,… Với tình hình thị trường hiện tại, chứng khoán chưa thể đảo chiều song một số cổ phiếu đang có mức định giá phù hợp cho việc tích lũy dài hạn hơn.

Đối với nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu chứng khoán, có lẽ con số lợi nhuận hay định giá hiện tại không quan trọng bằng phân tích chiến lược của công ty mà mình có ý định đầu tư. 

Dù vậy, các cổ đông chứng khoán cũng cần bám sát vào chuyển động dòng thanh khoản trên thị trường cơ sở, các động thái khối ngoại cũng như kỳ vọng về các chính sách mới như giao dịch T+ hay bán khống hay sự bủng nổ của số lượng nhà đầu tư mới gia nhập thị trường trong gian đoạn tới.

Hồi sinh dự án 'đắp chiếu' 10 năm, tăng trưởng Sudico bật tăng gấp 17 lần

Bản tin tài chính sáng 25/12/2023: Giá vàng dự báo tăng, dầu và USD giảm

VN-Index thủng mốc 1.085, cổ phiếu HAG, HQC, DLG ngược dòng tăng mạnh

Bài thuộc chủ đề Tài chính
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/loi-nhuan-nhom-chung-khoan-co-the-giam-sau-trong-quy-ii2022-nhieu-cay-atm-kho-rut-tien-139261.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Lợi nhuận nhóm chứng khoán có thể giảm sâu trong quý II/2022, nhiều "cây ATM" khó rút tiền
POWERED BY ONECMS & INTECH