Luật các TCTD có hiệu lực: Các trường hợp đang vượt tỷ lệ sở hữu quy định sẽ ra sao?
Từ 1/7, Luật các tổ chức tín dụng mới đã có hiệu lực, ngoại trừ một số điều khoản có hiệu lực từ 1/1/2025.
Ngày 18/1, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, ngoại trừ một số điều khoản sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025.
Tỷ lệ sở hữu tại các tổ chức tín dụng
Theo đó, Luật Các tổ chức tín dụng mới bổ sung một số quy định:
- Cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng (TCTD) phải cung cấp các thông tin của cá nhân và người liên quan. Đồng thời các TCTD phải thực hiện công bố công khai minh bạch thông tin của các cổ đông này.
- Một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ một tổ chức tín dụng
- Tỷ lệ sở hữu của tổ chức tại ngân hàng được điều chỉnh từ không vượt quá 15% trước đó xuống còn 10% vốn điều lệ ngân hàng.
- Với cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó, Luật mới quy định không được sở hữu quá 15% vốn điều lệ, giảm từ tỷ lệ 20% trước đó. Cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không được vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng khác.
- Đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ không áp dụng các quy định như trên mà sẽ theo phê duyệt của Chính phủ.
>> Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tác động đến các ngân hàng niêm yết ra sao?
Các trường hợp đang vượt tỷ lệ sở hữu quy định sẽ ra sao?
Từ ngày 1/7/2024, khi Luật các cổ chức tín dụng có hiệu lực, các ngân hàng đã bắt đầu công bố thông tin các cổ đông sở hữu từ 1% trở lên theo quy định.
Đáng chú ý, ở một số ngân hàng, với Luật trước đó, tỷ lệ sở hữu của các tổ chức đang nằm trong "khung" dưới 15%, hoặc các cổ đông và người có liên quan đang sở hữu dưới 20%. Sau khi Luật mới áp dụng, tỷ lệ này điều chỉnh giảm khiến nhiều tổ chức, cổ đông và người có liên quan bị vượt tỷ lệ sở hữu giới hạn.
Trước thông tin công bố của các ngân hàng, nhiều nhà đầu tư quan tâm đang chú ý tới những trường hợp vượt tỷ lệ sở hữu theo quy định.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Luật sư Trần Thị Hiền, Công ty TNHH BFB làm rõ thông tin.
Theo đó, theo quy định mới của Luật Tổ chức tín dụng, từ ngày 1/7/2024 các trường hợp cổ đông, cổ đông và người có liên quan vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định thì vẫn được tiếp tục duy trì cổ phần, nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của Luật này trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Tức là các cổ đông là cá nhân, tổ chức đang sở hữu hơn 5% (đối với cá nhân), 10% (đối với tổ chức), cổ đông và người có liên quan (15%) sẽ không phải giảm tỷ lệ sở hữu.
Tuy vậy, các cá nhân, tổ chức này cũng sẽ không được thể tăng thêm cổ phần cho đến khi tỷ lệ sở hữu xuống dưới 5% (đối với cá nhân) và 10% (đối với tổ chức) và 15% (đối với cổ đông và người có liên quan). Điều này được quy định tại Khoản 11 Điều 210 Luật các tổ chức tín dụng 2024 mục điều khoản chuyển tiếp.
Khoản 11 điều 210 Luật các tổ chức tín dụng 2024 quy định như sau: “Điều 210. Quy định chuyển tiếp
….
11. Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại Điều 63 của Luật này được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của Luật này, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một cổ đông lớn, một cổ đông và người có liên quan tại ngân hàng thương mại thực hiện nhiệm vụ phục vụ quốc phòng vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại Điều 63 của Luật này trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục duy trì tỷ lệ sở hữu cổ phần phù hợp với quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 55 của Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 17/2017/QH14".
Khoản 11 điều 210 Luật các tổ chức tín dụng 2024 quy định như sau: “Điều 210. Quy định chuyển tiếp
>> Infographics: Đánh giá tác động của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)