Luật sư: Câu chuyện 'bán bia kèm lạc', ép khách hàng vay vốn mua bảo hiểm cần phải được nhìn lại
Câu chuyện bán bảo hiểm kèm khoản vay đã tạo ra nhiều đề tài bàn luận lâu nay.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc công ty Luật ANVI nhận định câu chuyện "bán bia kèm lạc", ép khách hàng vay vốn mua bảo hiểm "nóng" lên trong thời gian qua cần phải được nhìn lại.
Đây là lời chia sẻ của Luật sư Đức trong cuộc trao đổi với phóng viên Thông Tấn xã Việt Nam về quy định mới trong Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024.
Cụ thể, từ ngày 1/7, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực thi hành.
Trong đó, điểm nổi bật là quy định cấm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.
Trước đó, tình trạng có nhiều đơn vị những năm gần đây đã gây sức ép, chạy chỉ tiêu cao nhằm mục đích hưởng lợi từ các khoản hoa hồng chia lại từ các hợp đồng bảo hiểm.
Sức ép đạt chỉ tiêu đè nặng lên nhân viên thực hiện, kéo theo đó là câu chuyện về đạo đức kinh doanh đi xuống. Thêm nữa, vị luật sư cũng chỉ ra vấn đề về cạnh tranh giữa các ngân hàng.
Luật sư Trương Thanh Đức đề xuất phải có chế tài chặt chẽ để xử lý những hành vi vi phạm quy định, trục lợi từ hoạt động bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng.
Ông khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm qua ngân hàng, trong đó liệt kê cụ thể những hành vi điển hình không được phép làm và những hành vi tương tự…
Đồng quan điểm, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế, cho rằng đã có quy định cấm bán bảo hiểm không bắt buộc khi vay vốn và cũng đã có một số quy định để ngăn chặn tình trạng này.
Tuy nhiên chế tài xử lý cho hành vi vi phạm quy định không đủ lớn. Đồng thời chưa có định nghĩa rõ ràng trong vấn đề nhận diện những lỗi vi phạm. Từ đó, tạo ra sự mập mờ khiến những người tư vấn bán bảo hiểm của ngân hàng mượn kẽ hở này để cài vào bán bảo hiểm như là một điều kiện để cho vay.
>>Hé mở về kết quả kinh doanh ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm 2024: Có nhiều điểm sáng