Lực đẩy giúp người dân gần hơn với nhà ở xã hội
Theo các chuyên gia, Nghị định 94/2024/NĐ-CP của Chính phủ là chiến lược quốc gia nhằm hóa giải những bất cập đối với nhà ở xã hội (NƠXH), từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế và an sinh xã hội.
Công khai, minh bạch thông tin người mua nhà ở xã hội
Câu chuyện NƠXH bị trục lợi khiến những người lẽ ra được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước lại mất cơ hội an cư, một lần nữa thu hút sự quan tâm dư luận khi Chính phủ ban hành Nghị định 94/2024/NĐ-CP ngày 24/7/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) về xây dựng và quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu nhà ở và thị trường BĐS. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.
Nghị định 94/2024/NĐ-CP của Chính phủ nêu rõ, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS được xây dựng phù hợp với Khung kiến trúc tổng thể quốc gia số, kiến trúc chính quyền điện tử ở địa phương. Việc chia sẻ dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS giữa các bộ, ngành có liên quan và địa phương phục vụ quản lý Nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện theo quy định của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan Nhà nước và pháp luật về giao dịch điện tử.
Đáng chú ý, Nghị định 94/2024/NĐ-CP quy định thông tin, dữ liệu về cá nhân đã được mua, thuê, thuê mua NƠXH trên phạm vi toàn quốc thuộc dữ liệu nhà ở quốc gia và thông tin, dữ liệu về cá nhân đã được mua, thuê, thuê mua NƠXH trên địa bàn thuộc dữ liệu về nhà ở địa phương.
NƠXH được quy hoạch, thiết kế đồng bộ với giá bán ưu đãi là mơ ước của số đông người dân, nhất là những người có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, việc tiếp cận luôn khó khăn bởi nguồn cung thấp, tính minh bạch thông tin vẫn còn vướng mắc. Những vấn đề này khiến NƠXH thành "miếng mồi" để một số tổ chức, cá nhân trục lợi.
Vậy nên, Nghị định 94/2024/NĐ-CP được ban hành lúc này là rất cần thiết. Công khai thông tin quy hoạch, xây dựng NƠXH một cách sâu rộng sẽ giúp phát huy vai trò giám sát của Nhân dân và hạn chế tình trạng tiêu cực, trục lợi.
TS Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam
Tại Nghị định này cũng quy định liên quan đến biểu mẫu thu thập thông tin, chủ thể thực hiện báo cáo, tổng hợp thông tin phục vụ xây dựng, khai thác dữ liệu về các cá nhân được mua, thuê, thuê mua NƠXH trên từng địa bàn và phạm vi toàn quốc.
Như vậy, UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư có trách nhiệm định kỳ hàng quý báo cáo Bộ Xây dựng thông tin về cá nhân được mua, thuê, thuê mua NƠXH trên địa bàn và định kỳ hàng năm công bố danh sách này để tránh tránh trục lợi chính sách.
Bộ Xây dựng có trách nhiệm tổng hợp thông tin cá nhân được mua, thuê, thuê mua NƠXH trên phạm vi toàn quốc phục vụ công tác quản lý Nhà nước của ngành xây dựng; chia sẻ, kết nối với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác có liên quan (cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai).
Ngay lập tức, Nghị định 94/2024/NĐ-CP của Chính phủ đã thu hút sự quan tâm lớn từ phía dư luận xã hội. Trong đó, nhiều ý kiến đánh giá, việc công khai thông tin người mua, thuê, thuê mua NƠXH sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng trục lợi chính sách về NƠXH, từ đó giúp người dân lao động có cơ hội tiếp cận NƠXH dễ dàng hơn.
Cần sự vào cuộc nhanh chóng của các bên
Chia sẻ với Báo Kinh tế & Đô thị, anh Lê Trung Kiên (TP Hà Nội) cho rằng, các quy định trong Nghị định 94/2024/NĐ-CP của Chính phủ là "thấu tình đạt lý", phù hợp với kỳ vọng của người dân, nhất là người dân có thu nhập trung bình đang có nhu cầu mua NƠXH.
“Chủ trương về NƠXH góp phần thể hiện tính ưu việt của chế độ. Do vậy, để chính sách về NƠXH không bị lợi dụng thì việc công khai, minh bạch thông tin người mua NƠXH là việc phải làm” - anh Lê Trung Kiên nói.
Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thị Xuân Như (TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, xây dựng cơ sở dữ liệu nhà ở và thị trường BĐS, công khai thông tin dự án NƠXH, người mua NƠXH là việc cấp bách.
"Tình trạng tranh suất mua NƠXH để bán kiếm lời diễn ra khi nhu cầu vượt quá xa so với nguồn cung, đặc biệt là ở các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh. Điều này khiến nhiều người thu nhập thấp vất vả cả đời cũng không mua nổi một nơi an sinh là NƠXH” - chị Nguyễn Thị Xuân Như bày tỏ.
Về phía DN, ông Trần Khánh Quang - Tổng Giám đốc Công ty BĐS Việt An Hòa nhận định, công khai thông tin về NƠXH là phù hợp với sự phát triển của thị trường BĐS hiện nay. Tuy nhiên, để làm được, các đơn vị liên quan cần phối hợp chặt chẽ, sớm xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thị trường BĐS, góp phần minh bạch, duy trì sự ổn định thị trường.
“Trên thực tế, DN xây NƠXH không phải từ vốn ngân sách, nên DN cũng cần thu hồi vốn để nuôi bộ máy, tiếp tục kinh doanh và tồn tại. Đây chính là kinh tế thị trường, vì vậy người dân mua NƠXH phải hiểu, loại hình nhà ở này không phải là chính sách bao cấp về nhà ở, để từ đó có sự chia sẻ nhất định với chủ đầu tư dự án. Đặc biệt, cần có những chính sách nhằm khuyến khích, đẩy mạnh đầu tư, phát triển NƠXH đối với các DN” - ông Trần Khánh Quang nói.
Còn theo chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh, xây dựng cơ sở dữ liệu nhà ở và thị trường BĐS đòi hỏi cả hệ thống Nhà nước, hiệp hội, DN cùng người dân vào cuộc, đưa ra giải pháp linh hoạt, phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên, tránh tiêu cực, thất thoát.
Trong đó, việc đẩy mạnh phối hợp sớm hoàn thiện hệ thống dữ liệu thông tin về BĐS, tạo thành big data là rất cần thiết và cần sự vào cuộc thực chất của các chủ thể liên quan, bao gồm các lĩnh vực về đất đai, tài chính, xây dựng. Từ đó minh bạch quá trình hình thành các dự án NƠXH, tạo nguồn thông tin đáng tin cậy cho người dân và thị trường BĐS.
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Lê Thu Thảo (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) nhận định, trong các loại hình nhà ở, NƠXH là loại hình có sự hỗ trợ của Nhà nước cho đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở theo quy định. Đầu tư phát triển NƠXH có ý nghĩa không chỉ là chính sách an sinh xã hội mà còn là giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương cũng như trên bình diện quốc gia. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần sớm triển khai, đưa quy định của Nghị định 94/2024/NĐ-CP đi vào cuộc sống, đáp ứng mong đợi của người dân.
“Trong quá trình triển khai thực hiện, cần có sự giám sát chặt chẽ để bảo đảm mục tiêu chính sách, tránh việc lợi dụng, trục lợi chính sách. Các cơ quan chuyên môn cần công khai và tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính.
Đặc biệt, trong trường hợp chỉnh sửa thông tin, dữ liệu trên hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS thì phải dựa trên cơ sở văn bản của các cơ quan, tổ chức đề nghị về việc được chỉnh sửa thông tin, dữ liệu đã chia sẻ, cung cấp thì cơ quan quản lý về nhà ở và thị trường BĐS mới có trách nhiệm phối hợp kiểm tra, rà soát, chỉnh sửa, cập nhật, bổ sung nhằm bảo đảm tính phù hợp, đầy đủ, chính xác của thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS” - luật sư Lê Thu Thảo kiến nghị.
Nghị định 94/2024/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng "lách luật" để đầu tư, mua bán căn hộ NƠXH, khiến người nghèo đang phải trả nhiều hơn cho nhu cầu về nhà ở, khiến gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng trầm trọng.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, đưa luật vào cuộc sống cũng quan trọng không kém. Bởi dù chúng ta có xây dựng được những đạo luật tốt nhưng để luật "lỗi nhịp" với cuộc sống, không đi vào cuộc sống thì chẳng khác gì luật “chết”.
Luật sư Trần Viết Hà - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh
>>Thông tin người đã mua nhà ở xã hội sẽ được công khai, tránh trục lợi chính sách
Giá nhà ở xã hội tiệm cận giá nhà thương mại
Người nước ngoài thuê, sống trong khu nhà ở xã hội: Bộ Xây dựng yêu cầu làm rõ