Đội Vệ út sát cánh cùng Vệ quốc đoàn chiến đấu bảo vệ thủ đô Hà Nội, lập nên những chiến công hiển hách.
“Lực lượng đặc biệt” của Vệ quốc đoàn
Cuối năm 1946, thực dân Pháp vẫn liên tục gây ra xung đột khắp cả nước dù đã ký hiệp ước Sơ bộ và Tạm ước. Chúng nã pháo vào Hải Phòng làm hàng nghìn người chết, tàn sát hàng chục người trên phố Hàng Bún và phố Yên Ninh (Hà Nội). Ngày 18/12/1946, Pháp gửi tối hậu thư đòi ta phải phá bỏ mọi công sự và chướng ngại trên các đường phố để chúng có thể nắm quyền kiểm soát Hà Nội.
Đứng trước tình thế ngàn cân treo sợi tóc, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định phát động toàn quốc kháng chiến chống Pháp. Những Vệ quốc quân của Trung đoàn Thủ đô đã lập chiến lũy giữa Hà Nội đương đầu với Pháp để Chính phủ lâm thời rút lên chiến khu Việt Bắc chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.
Thế nhưng, ít ai biết trong lực lượng Vệ quốc quân ngày ấy có một lực lượng đặc biệt với tên gọi thân thương: Vệ út - những đứa em út của các anh Vệ quốc đoàn. Đó là lực lượng gồm gần 200 thiếu niên liều mình giữa làn lửa đạn làm trinh sát, truyền mật lệnh chiến đấu với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Trong số này, thành viên nhỏ nhất mới chỉ 9 tuổi, lớn nhất 15 tuổi.
Những chiến sĩ Vệ Út năm xưa hiện tại đều trên 80 tuổi, nhưng vẫn nhớ như in những hình ảnh 60 ngày đêm chiến đấu ngoan cường “giam chân” địch ở Hà Nội, góp phần cho cả nước chuẩn bị chủ động bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
Ông Đặng Văn Tích, một Vệ út năm xưa, vốn mồ côi mẹ từ năm 9 tuổi, nhà có cửa hiệu buôn bán trên phố Hàng Vôi. Năm 10 tuổi, cậu giấu bố tham gia đội tự vệ khu phố rồi sau đó ở lại làm liên lạc trên chiến trường Liên khu I (gồm khu Đồng Xuân, Đông Thành, Đông Kinh Nghĩa Thục).
"Đội Vệ út coi anh chị trong vệ quốc đoàn như ruột thịt. Sau những buổi tối chiến đấu ở phố Hàng Bạc, khi tiếng súng tạm ngưng, anh chị lại rửa chân, cõng tôi lên gác ngủ. Vì còn nhỏ, chúng tôi thường được ưu tiên món chè sen rất ngon", ông Tích nhớ lại.
Sau đó ông lên Việt Bắc sinh hoạt trong mái nhà Đội tuyên văn của Trung Đoàn Thủ đô, tham gia nhiều chiến dịch khác nhau. Nhiều năm sau đó, Vệ út Đặng Văn Tích trở về gia đình tìm lại cha và các em thì hay tin bố mất, căn nhà trên phố Hàng Vôi giờ đã bán, gia đình đã chuyển về huyện Hoài Đức sinh sống.
Cũng tham gia Đội Vệ út, Trung tá Phùng Đệ (85 tuổi, sống tại phố Phan Đình Phùng, Hà Nội) phải đi học nghề làm giầy để kiếm cơm từ năm 13 tuổi. Cậu mồ côi cha mẹ từ nhỏ nên phải đi ở nhờ nhà người cô. Khoảng thời gian này, cậu bé sớm nung nấu ý chí được gia nhập Vệ quốc đoàn.
Khi tiếng súng, pháo gầm vang khắp Hà Nội, hàng vạn người tản cư về những miền quê ở Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định thì cậu bé Phùng Đệ lại ngược dòng người vào nội thành tìm Vệ quốc đoàn. Vì sợ nhỏ tuổi không được nhận ở lại nên thấy các chiến sĩ đào hào trên phố Cầu Gỗ, ngăn xe tăng địch tiến vào Hàng Bạc, Đệ chạy xuống làm cùng. Sau đó, cậu được cử làm liên lạc trinh sát đại đội 15, tiểu đoàn 103, Liên khu I.
Những chiến binh dũng cảm trên chiến trường
Đúng 20h ngày 19/12/1946, cả Hà Nội tắt điện, tiếng súng từ pháo đài Láng phát ra báo hiệu cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu. Nhiệm vụ của các Vệ út là giữ liên lạc từ khu phố này sang phố khác khắp Hà Nội. Trung tá Phùng Đệ ví von, mỗi Vệ út ngày ấy như chiếc "điện thoại sống di động" bởi các em dễ luồn dọc bao cát trên phố hoặc chui qua các lỗ tường nhà dân đã đục sẵn.
Ngoài ra, những chiến binh trẻ tuổi còn kiêm cả nhiệm vụ xem xét tình hình chiến sự các nơi để báo cáo chỉ huy tiếp tế đạn dược, làm trận địa mìn giả và dựng chướng ngại vật trên phố ngăn quân Pháp mỗi khi đêm đến
“Điểm đầu tiên của Vệ Út khi đó là phải thuộc tất cả các tuyến đường, dãy nhà nếu không đi loanh quanh có khi lại nhầm sang phố khác hoặc quay lại vị trí ban đầu. Chúng tôi cũng đảm nhận nhiệm vụ ngày đêm đi trinh sát, xem địch ở đâu, hoạt động thế nào rồi về dẫn các anh đi quấy rối địch”, Trung tá Phùng Đệ cho hay.
Ngoài ra các Vệ út còn phải ghi nhớ khẩu lệnh của từng đêm. Để đề phòng Việt gian, mỗi tối các đơn vị từ tiểu đoàn đến đại đội, trung đội, tiểu đội đều có "khẩu lệnh". Có đêm là "hòa bình", "chiến đấu", "độc lập"... Nếu bên kia không đọc được sẽ bị bộ đội ta bắt giữ.
Ông Hoàng Giáp, Đội trưởng tự vệ khu chợ Hôm, Liên khu II, nhớ rất rõ về Vệ út Trần Kim Luyện, người băng mình qua lửa đạn cướp vũ khí của địch. Ông kể, ngày 21/12/1946, Pháp tấn công nhà máy rượu (được bao quanh bởi bốn phố Lò Đúc, Hòa Mã, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Công Trứ). Khi giao tranh đang diễn ra dữ dội, bỗng Luyện lao ra đường, chạy đến chỗ mấy xác lính Pháp.
Ngay lập tức, một loạt đạn quét về phía Luyện vừa lúc em đổ sập xuống. Các anh chị Vệ quốc đoàn la lớn "Luyện bị rồi". Nhưng một lúc sau, Luyện bật dậy chạy về, một tay cầm khẩu carbine, một tay kéo theo mấy túi đạn.
Những Vệ út khi đó cũng nghĩ ra những cách bảo vệ bản thân rất hay. “Ví dụ như bạn Trần Việt Minh khôn lỏi, lúc nào cũng mặc gần chục cái áo lên người khi dẫn các anh đi tấn công kẻ thù. Một hôm bị mảnh lựu đạn găm vào sườn, y tá phải rất vất vả cắt lớp áo đó ra. Khi hỏi vì sao mặc nhiều áo đến vậy, Minh thực thà nói rằng vì tưởng mặc nhiều áo thì đạn không xuyên được đến người”, Trung tá Đệ kể về người đồng đội của mình năm xưa.
Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh
Trung tá Đệ khẳng định vai trò của Vệ Út rất quan trọng trong cuộc chiến 60 ngày đêm “gian chân” địch ở Hà Nội. Có những em nhỏ không ngại hiểm nguy khi bị địch bao vây. Chính vì vậy, trong 60 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Hà Nội, nhiều Vệ út đã hy sinh.
Chiến công khiến bà Vũ Thị Ngâm - nữ Vệ út duy nhất của Hà Nội (86 tuổi, Hà Nội) nhớ nhất là trận đánh tiêu diệt địch tại chốt trường Ke (trường Trần Nhật Duật) ngay đầu Ô Quan Chưởng. Ngày 12/2/1947, Pháp tập trung quân tại đây một cách bất thường để bao vây 3 mặt nhằm đánh úp từ phía Hàng Chiếu. Sau nhiều giờ chiến đấu, đẩy lùi hàng chục đợt tấn công của địch, 15 chiến sĩ quyết tử do Trung đội trưởng Cáp Văn Soan chỉ huy rút lên gác cố thủ. Tình thế nguy cấp, nếu để mất trường Ke thì Pháp sẽ chặn đường rút khỏi Hà Nội của lực lượng vũ trang Thủ đô.
Thấy vậy, Vệ út Trần Văn Lai (12 tuổi) nhanh trí tụt theo đường ống máng nước xuống để chạy về báo cáo với Ban chỉ huy tiểu đoàn để xin tiếp viện. Báo cáo xong Lai lại chạy về trường Ke nhưng lần này bị quân Pháp phát hiện và hò nhau vây bắt. Lai ném lựu đạn giết được ba tên địch, còn cậu trúng đạn. Thấy Lai ngã xuống, những tiếng hô xung phong trả thù cho Vệ út Lai vang lên, quân ta từ trên đánh xuống cùng quân tiếp viện từ ngoài đánh vào buộc Pháp phải rút lui.
Tinh thần yêu nước của các chiến sĩ nhỏ thể hiện rõ nhất khi họ cùng nhau “trốn lệnh” cấp trên ở lại bảo vệ Hà Nội. Đầu năm 1947, sau những ngày chiến đấu gian khổ, lực lượng vũ trang Thủ đô cầm chân địch ở nhiều nơi trong Thành phố. Nhưng tình hình ngày càng khó khăn, lương thực, đạn dược vơi dần, trong khi ta cần bảo toàn lực lượng để chiến đấu lâu dài.
Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh lệnh cho Trung đoàn Thủ đô chỉ để lại 500 người chiến đấu trong nội thành, số còn lại rút về hậu phương, các Vệ út cũng buộc phải rút ra. Nhưng có một điều mà ít ai ngờ tới, khi quân ta rút hết khỏi Hà Nội, lúc kiểm đếm lại thì còn trên 1.200 người, trong đó có 200 phụ nữ, 175 em nhỏ (tính từ 15 tuổi trở xuống).
Họ vì tinh thần, lời thề sống chết với Thủ đô mà không tuân lệnh cấp trên, trốn trong tủ, dưới gầm giường, trên nóc nhà, nung nấu ý chí đánh giặc. Mãi những năm sau đó, chính các Vệ út đã nghĩ ra cách dẫn đường đưa trên 1.200 quân rút khỏi Hà Nội mà giặc Pháp không hề hay biết.
Mỗi Vệ út xứng đáng là một nhân vật, một “viên gạch” đưa đất nước tới ngày thống nhất. Cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt nhưng đã chiến thắng vẻ vang, đem lại nhiều bài học kinh nghiệm vô giá về ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập và chủ quyền.
Tham khảo:
- Những vệ út cảm tử vì Hà Nội hơn 70 năm trước - Báo VnExpress (19/12/2018)
- Vệ Út “con thoi” giữa làn đạn thực dân Pháp mùa Đông năm 1946 - Báo Thế giới và Việt Nam (19/12/2016)
- Chuyện về người cảm tử quân - Báo Lao động Thủ đô (31/08/2019)