Lương 50 triệu/tháng vẫn thiếu nhân lực, ngành Kỹ thuật hàng không có gì đặc biệt?

02-06-2023 09:27|Quỳnh Lâm

Theo các chuyên gia tuyển dụng, nhu cầu tuyển dụng của ngành này đang tăng cao, tuy nhiên quá trình đào tào và tuyển chọn rất khắt khe, nghiêm ngặt.

Mới đây, Trường Đại học Văn Lang vừa công bố tuyển sinh ngành Kỹ thuật Hàng không khóa 1, chỉ tiêu 50 sinh viên, trở thành một trong số ít trường đại học đào tạo ngành học mang tính đặc thù cao này.

Sau đại dịch Covid-19, thị trường ngành hàng không đã phục hồi, thậm chí tăng trưởng mạnh mẽ. Chính vì thế, thách thức đang đặt ra là thiếu hụt nhân lực cho ngành hàng không.

Nhu cầu tuyển dụng kỹ sư hàng không

Kỹ thuật hàng không là ngành cung cấp nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao trong lĩnh vực bảo trì, bảo dưỡng máy bay. Ngành Kỹ thuật hàng không bao gồm hai mảng riêng là Kỹ thuật hàng không dân dụng và Kỹ thuật hàng không vũ trụ.

Trong đó, Kỹ thuật hàng không dân dụng có nhiệm vụ thiết kế và tạo ra các loại máy bay để sử dụng trong phạm vi bầu khí quyển của trái đất. Ngược lại, Kỹ thuật hàng không vũ trụ lại tập trung nghiên cứu và phát triển các loại tàu du hành hoặc vệ tinh để sử dụng bên ngoài phạm vi khí quyển.

Chia sẻ về cơ hội của ngành học này, ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho biết đơn vị này cần tuyển bổ sung 100 kỹ sư mỗi năm cho công ty bảo dưỡng máy bay. Khi cơ sở bảo dưỡng ở Long Thành đi vào hoạt động, số kỹ sư cần tuyển có thể gấp đôi hay gấp ba.

Ông Thắng cũng chia sẻ, nếu xét tổng quan cả thế giới, đến năm 2041 sẽ cần hơn 2 triệu nhân lực hàng không liên quan đến công việc phi công, tiếp viên và nhân viên kỹ thuật. Riêng khu vực Đông Nam Á là khoảng gần 200.000 người, trong đó, nhân viên kỹ thuật chiếm khoảng 38.000 người.

Dù được coi là ngành lương cao nhưng Kỹ thuật hàng không rất thiếu nhân lực, trong bối cảnh ngành này hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19.

Học Kỹ thuật hàng không làm gì khi ra trường?

Đầu tiên phải khẳng định Kỹ thuật hàng không là một ngành kỹ thuật chuyên nghiên cứu cũng như phát triển và đảm bảo cho các yếu tố có liên quan đến kỹ thuật của máy bay và các phương tiện bay một cách trực tiếp.

Kỹ thuật hàng không là một ngành đào tạo ra những sinh viên có trình độ về thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, khai thác máy bay và các trang thiết bị khác có liên quan đến máy bay như cơ khí, khí động lực, động cơ sức đẩy, thủy khí và thiết bị mặt đất.

Sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật hàng không sẽ có cơ hội thử sức mình trong các lĩnh vực sau:

- Kỹ sư bảo trì máy bay, kỹ sư bảo dưỡng máy bay, sửa chữa tại các hãng hàng không ở trong và ngoài nước, tại các cụm cảng của hàng không hoặc các sân bay quốc tế và nội địa.

- Kỹ sư vận hành và thiết kế trong các công ty có dịch vụ Kỹ thuật hàng không, trong các phòng sản xuất, kỹ thuật hoặc phòng thiết kế của các công ty dịch vụ kỹ thuật và các công ty sản xuất công nghiệp…

- Kỹ sư thực hiện nghiên cứu trong các viện nghiên cứu và phát triển cơ khí động lực, hoặc trong các trường đại học ở trong và ngoài nước.

- Kỹ sư hàng không có chuyên môn về thiết kế, nghiên cứu, phát triển, bảo trì, bảo dưỡng và kiểm tra tất cả các máy bay quân sự, máy bay dân dụng, vệ tinh.

- Chuyên viên nghiên cứu các lĩnh vực hàng không để tìm tòi ra những vật liệu, công nghệ, thiết bị hoặc hệ thống mới giúp ngành hàng không phát triển.

- Chuyên viên thiết kế lĩnh vực hàng không, có nhiệm vụ thiết kế cho các bộ phận hoặc cho hệ thống máy bay của doanh nghiệp, công ty sản xuất các lĩnh vực liên quan đến hàng không.

- Chuyên viên có nhiệm vụ kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng toàn bộ hệ thống của máy bay, việc này sẽ giúp cho máy bay hoạt động một cách trơn tru nhất.

Mức lương của kỹ sư hàng không

Ông Tạ Minh Trọng, Trưởng phòng Tiêu chuẩn An toàn bay, Cục Hàng không Việt Nam, cho biết nhân sự trong ngành này có thể nhận mức lương từ 15-20 triệu đồng mỗi tháng với trình độ sơ đẳng, làm các công việc đơn giản như thay dầu, lốp máy bay. Với người có chứng nhận B1, B2 (chứng chỉ kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay) và có thể ký xác nhận sau khi hoàn thành công việc bảo dưỡng, mức lương lên đến 50 triệu đồng, thậm chí có những vị trí lương 100 triệu đồng/tháng. Vị trí này đòi hỏi nhân sự có trình độ chuyên môn rất cao, ngoại ngữ tốt và hòa nhập được với môi trường quốc tế.

Tuy là ngành học có mức lương cao nhưng học phí của Kỹ thuật hàng không cũng cao hơn nhiều so với các ngành khác, khoảng 100 - 140 triệu đồng/năm. Ngoài ra, việc đào tạo Kỹ thuật hàng không cần máy móc hiện đại, đắt tiền nên ít trường đại học đầu tư mở ngành, thí sinh ít có cơ hội lựa chọn hơn những ngành học khác.

Với sinh viên mới ra trường chỉ có thể làm các công việc đơn giản như thay dầu, bơm lốp. Để nhận lương cao thì phải có thêm giấy chứng nhận B1 hoặc B2 trong bảo dưỡng, sửa chữa máy bay - thời gian đào tạo thêm khoảng 4 - 5 năm. Như vậy, tổng thời gian đào tạo cho kỹ sư kỹ thuật cao của ngành hàng không cần ít nhất khoảng 10 năm, khá lâu so với nhiều ngành học khác.

Ngoài ra, nhân viên ngành Kỹ thuật hàng không phải làm việc trong môi trường căng thẳng, kỷ luật cao và đòi hỏi phải có sức khỏe tốt. Vì khi làm việc ở đường bằng, nhiệt độ có thể lên đến trên 60 độ C, nếu không có sức khỏe thì khó có thể trụ lại.

Thống kê của Đại học Bách khoa Hà Nội cho thấy, tại Việt Nam, có 2 môi trường đào tạo, cung cấp nhân lực cho ngành Kỹ thuật hàng không gồm:

Các đơn vị đào tạo dân sự: Học viện Hàng không Việt Nam; Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Bách khoa TP HCM; Đại học Việt – Pháp (USTH); Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội); Đại học Bách khoa Đà Nẵng; Công ty AESC; Trung tâm đào tạo các Hãng hàng không: VAECO, Vietjet Air, Bamboo Airways.

Các đơn vị đào tạo quân sự: Học viện Phòng không - Không quân; Học viện Kỹ thuật quân sự; Trường sĩ quan không quân; Viện Hàng không Vũ trụ Viettel (VTX); Viện công nghệ Vũ trụ (VAST); Trung tâm Vũ trụ Quốc gia (VNSC) (VAST); Viện KHCN Quân sự; Viện KT Phòng không - Không quân.

Ngoài ra nhiều đơn vị tư nhân cũng bắt đầu tham gia vào các lĩnh vực liên quan đến hàng không vũ trụ.

Ngành học hot chỉ vài trường đại học ở Việt Nam đào tạo, mức học phí khủng nhưng lương cực hấp dẫn, không lo thiếu việc chỉ sợ thiếu đam mê

Chiếc máy bay đầu tiên do Việt Nam chế tạo từ thập niên 80: Trọng lượng cất cánh lên tới 1.100kg, có thể bay thẳng từ Hòa Lạc sang Gia Lâm

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/luong-50-trieuthang-van-thieu-nhan-luc-nganh-ky-thuat-hang-khong-co-gi-dac-biet-185404.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Lương 50 triệu/tháng vẫn thiếu nhân lực, ngành Kỹ thuật hàng không có gì đặc biệt?
    POWERED BY ONECMS & INTECH