Lý giải giá phân bón tăng liên tục, cơ hội để nông dân không lạm dụng

19-12-2021 14:49|Thảo Đan

Giá phân bón tăng cao liên tục là thách thức nhưng cũng là cơ hội để hướng cho nông dân không lạm dụng phân bón, giúp giảm ô nhiễm môi trường.

Giá phân bón thế giới liên tục lập kỷ lục mới

Theo DTN, giá bán lẻ trung bình của hầu hết các loại phân bón đều tăng trong tuần kết thúc vào ngày 10/12. Bốn trong số tám loại chính đều tăng so với tháng trước với mức đi lên ít nhất 5% và đều lập kỷ lục mới.

Cụ thể, UAN28, phân khan (anhydrous), UAN32, và ure có giá lần lượt là 577 USD/tấn, 1.372 USD/tấn, 661 USD/tấn và 887 USD/tấn, mức chưa từng có trong lịch sử.

Cả 4 loại phân bón trên tăng lần lượt 175%, 220%, 162% và 146% so với cùng kỳ năm ngoái.

bieu-do-phan-bon.jpg
Nguồn: DTN

Tại Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu ure hàng đầu thế giới, chính phủ nước này lên kế hoạch trợ cấp phân bón trong niên vụ 2021/2022 là 20.64 tỷ USD, số tiền chưa từng có tiền lệ để tránh thiếu hụt nguồn cung trong bối cảnh giá mặt hàng này trên thế giới tăng mạnh.

Tại Hàn Quốc, thiếu ure đang gây ra vấn đề lớn về giao thông, vận chuyển. Dung dịch ure là sản phẩm chuyên dùng để giảm lượng khí thải trong các phương tiện chạy bằng dầu diesel. Số xe chạy bằng dầu diesel tại Hàn Quốc vào khoảng 10 triệu chiếc, chiếm 38% tổng số đăng ký tại nước này. Nhà chức trách Hàn Quốc phải thành lập lực lượng đặc nhiệm để đảm bảo cung cấp đủ ure và tăng cường ngoại giao với các quốc gia khác để cải thiện nguồn cung.

Giá phân bón tăng cao, nông dân giảm sử dụng sẽ có lợi cho môi trường

Tại Việt Nam, ure là mặt hàng biến động mạnh nhất, tăng 130% từ đầu năm tới nay.

Theo báo của của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), so với thời điểm đầu năm 2021, giá sản xuất trong nước và nhập khẩu đã tăng 80 - 130%. Trong đó, ure là mặt hàng có biến động mạnh nhất khi tăng khoảng 130%, lên mức 15.5  - 16 triệu đồng/tấn tại TP. HCM.

Bên cạnh đó, giá DAP cũng tăng hơn 100% so với thời điểm đầu năm. Thậm chí, vào những tháng cuối năm nhiều đại lý đã rơi vào tình trạng khan hiếm hàng để giao trên thị trường.

phan-bon.jpg
Diễn biến giá phân bón trong nước. Nguồn: Agromonitor, BSC Research

BSC đưa ra 3 nguyên nhân khiến giá trong nước tăng. Thứ nhất, giá nguyên liệu đầu vào và cước vận tải tăng mạnh. Giá khí tự nhiên tăng 103% và than cao hơn 226% so với cùng kỳ năm ngoái khiến nhiều nhà máy ngừng hoạt động hoặc cắt giảm sản lượng, từ đó ảnh hưởng đến nguồn cung. Bên cạnh đó, cước vận tải biển tăng rất mạnh trong thời gian vừa qua do tác động của dịch bệnh cũng góp phần đẩy chi phí sản xuất (chủ yếu là chi phí vận chuyển) đi lên.

Thứ hai, nhu cầu phân bón trên thế giới phục hồi khi các nền kinh tế mở cửa trở lại và đẩy mạnh tích trữ lương thực dẫn đến tình trạng cung không kịp đáp ứng thị trường. Thứ ba, Trung Quốc hạn chế xuất khẩu nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa, làm ảnh hưởng đến nguồn cung và đẩy giá lên cao.

Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề nghị chuyển mặt hàng này từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) sang đối tượng chịu thuế VAT với mức thuế suất 5%. Quy định thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với thuế suất 5% dự kiến sẽ được áp dụng ở tất cả các khâu từ nhập khẩu, sản xuất, bán buôn, bán lẻ đến tay người tiêu dùng. Nếu không thuộc đối tượng chịu thuế VAT thì các chi phí thuế bao gồm cả thuế VAT đầu vào được cộng hết vào giá, làm cho giá tăng lên. Còn nếu là đối tượng chịu thuế VAT thì sẽ có khấu trừ đầu và - ra, sẽ giúp giảm giá thành. Tuy vậy, BSC cho rằng tác động của thuế VAT là không quá lớn, ít nhất là cho đến hết mùa vụ đầu năm 2022.

Một chủ đại lý phân bón ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang cho biết, giá phân bón hiện đã giảm nhẹ so với đầu vụ (960.000 đồng/bao). Cụ thể Urê Cà Mau hạt đục đại lý cấp I đưa về cho cấp II giá 880.000 đồng/bao (50kg), phân NPK giá 790.000 đồng/bao (Việt Nhật), phân Kali khoảng 660.000 đồng/bao.

Riêng phân DAP (Korea) giá 1.390.000 đồng/bao, không giảm so với đầu vụ, phân DAP (Philippines) giảm 330.000 đồng/bao và đang có giá 1.040.000 đồng/bao. Địa lý cấp II bán cho nông dân sẽ cộng thêm từ 5000 - 10.000 đồng/bao tuy đường xa hay gần.

"Do trước đây giá phân bón tương đối rẻ nên người nông dân có tâm lý lạm dụng phân bón hóa học. Bây giờ phân bón, vật tư đầu vào tăng giá mạnh nên bà con đang tìm các loại giống lúa ít "ăn" phân để trồng và không dám bón "thẳng tay" như trước đây. Như vậy, ở góc độ môi trường và an toàn thực phẩm có cái lợi cho cộng đồng nhiều hơn", đại lý này nhận định.

phan-bon(2).jpg
Giá phân bón tăng cao cũng là cơ hội để nông dân không lạm dụng

So với vụ Đông Xuân trước thì giá phân bón đang tăng gấp 2.5 lần trong khi giá lúa không tăng, làm dấy lên quan ngại sản xuất vụ lúa này nông dân sẽ bị lỗ.

Tuy nhiên, theo ông Văn Tiến Thanh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Dầu Khí Cà Mau (PVCFC), lợi nhuận trồng lúa không thể chỉ có từ các đơn vị cung cấp vật tư nông nghiệp mà còn tùy thuộc vào thị trường.

Năm nay Ấn Độ xuất xuất khẩu 22 triệu tấn gạo nhiều hơn cả 3 nhà xuất khẩu gạo lớn của thế giới là Thái Lan, Việt Nam và Pakistan cộng lại, trong khi các năm trước họ chỉ xuất khẩu 17 triệu tấn gạo, khiến thị trường lương thực bị ảnh hưởng. Kỳ vọng khi nông dân Miền Tây bắt đầu thu hoạch vụ Đông xuân thì mặt bằng giá lúa gạo sẽ cải thiện hơn.

Bên cạnh đó, theo Hiệp hội phân bón Việt Nam (FAV), trước đây nông dân sử dụng lượng phân bón cao gấp 3 lần so với trung bình các nước khác trên thế giới, khiến cho chi phí đầu vào rất cao. Bây giờ giá phân bón cao bà con nên có những giải pháp sử dụng phân bón hợp lý và thông minh hơn.

Vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Hội nông dân và Trường đại học Cần Thơ kết hợp với Viện lúa ĐBSCL có những hội thảo khuyến cáo bà con cố gắng sử dụng phân bón hợp lý, đủ và đúng tránh lãng phí.

Giá phân bón thế giới sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong năm 2022

Giá than, khí đốt diễn biến phức tạp trong thời gian qua. Giá than bất ngờ sụt giảm mạnh kể từ cuối tháng 10 sau khi chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh các biện pháp can thiệp vào thị trường. Cụ thể, các nhà chức trách Trung Quốc yêu cầu các nhà sản xuất than tăng sản lượng, đồng thời áp mức giá trần nhằm hạ giá than. Bên cạnh đó, cùng với biến động của giá dầu, giá khí tự nhiên cũng điều chỉnh giảm do ảnh hưởng của biến thể Omicron mới của dịch bệnh, và mùa đông tại Mỹ và châu Âu được dự báo sẽ ấm hơn so với nhận định trước đó. BSC cho rằng, giá các nguyên liệu như khí và than sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp trong giai đoạn cuối năm 2021 và năm 2022.

Mặc dù thị trường than và khí đốt hạ nhiệt, nhu cầu phân bón được dự kiến sẽ tiếp tục duy trì ổn định trong năm 2022. BSC cho rằng giá thế giới sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong phần còn lại của năm 2021 và 2022. Lý do là Trung Quốc, Nga và Ai Cập lại hạn chế hoặc ngừng xuất khẩu. Các quốc gia này ưu tiên tăng cường dự trữ ure, để đảm bảo nhu cầu nội địa. Bên cạnh đó, tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp sẽ tiếp tục làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó thúc đẩy các quốc gia tăng cường dự trữ phân bón và lương thực. Ngoài ra, giá dầu và giá khí đốt thế giới được dự báo sẽ biến động khó lường trong thời gian tới, cũng là một yếu tố làm ảnh hưởng tới giá mặt hàng này.

Đạm Cà Mau (DCM) hé lộ kết quả kinh doanh năm 2024, lên 5 kế hoạch cho năm tới

Nước đi mới của Đạm Cà Mau (DCM) sau động thái thúc đẩy ngành phân bón của Chính phủ

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ly-giai-gia-phan-bon-tang-lien-tuc-co-hoi-de-nong-dan-khong-lam-dung-130497.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Lý giải giá phân bón tăng liên tục, cơ hội để nông dân không lạm dụng
    POWERED BY ONECMS & INTECH