Tại một số thủ phủ mai vàng ở TP.HCM, thời tiết khắc nghiệt làm hoa nở sớm, người trồng thấp thỏm lo thất thu. Giá thuê, bán mai Tết năm nay đang có chiều hướng giảm.
Nhà vườn lo thất thu
Cách Tết Nguyên đán chưa đầy một tháng, các chậu mai lần lượt được chuyển xuống phố và đặt dọc các tuyến đường Phạm Văn Đồng, Quốc lộ 13 (TP. Thủ Đức) và Mai Chí Thọ (quận 2, TP.HCM),...
Các nhà vườn tại “thủ phủ mai vàng” như TP. Thủ Đức hay xã Bình Lợi (huyện Bình Chánh) cũng tất bật tháo kẽm gai, lặt lá để mai nở đúng vào dịp Tết.
Thay vì hào hứng khi bước vào vụ Tết, các chủ vườn mai lại đứng trước nỗi lo thu nhập sẽ thấp hơn năm ngoái do một số cây hoa đã nở 70% dù còn cách Tết Nguyên đán gần 1 tháng. Điều này không chỉ làm giá trị cây mai giảm sút, mà bán cũng khó có người mua. Công chăm sóc, tiền phân thuốc cho cây trong suốt một năm coi như công cốc.
Sở hữu hơn 2.000 gốc mai lớn nhỏ cùng 30 năm kinh nghiệm trong nghề, ông Huỳnh Văn Hải - chủ vườn mai Sáu Hải (phường Trường Thọ, TP. Thủ Đức) - lo lắng khi có đến 20% cây trong vườn đã nở hoa. Con số này cao gấp 3-4 lần các năm trước.
“Có cây nở hoa tận hai đợt, chỉ còn lại khoảng 20-30% nụ thì giá thuê giảm phân nửa. Bình thường tôi cho thuê được 10 triệu, bây giờ lặt lá rồi chuyển đến những khách có nhu cầu thuê mai chơi Tết sớm với giá mềm hơn, chỉ còn 5-6 triệu”, ông Hải cho biết.
Kém may mắn hơn, chủ vườn mai Sáu Hoàng (phường Thạnh Lộc, TP. Thủ Đức) tỏ ra buồn rầu khi có đến 90% cây trong vườn ra hoa sớm. Sau khi khắc phục bằng cách vặt bỏ hoa đã nở, ông chỉ hy vọng số nụ còn lại trên cây nở đúng dịp Tết để không phí hoài công sức.
Đứng trước vườn mai lốm đốm sắc vàng, ông tự trách: “Giờ bình tâm ngồi nghĩ lại thì lỗi do mình cả. Giai đoạn đầu mình chăm sóc chưa tốt nên đến giai đoạn cuối, khi thấy nụ mai nhỏ, mình nôn nóng bón phân nhiều cho hoa mau lớn. Cây yếu nên không kiềm được nút mai mà trổ bông sớm”.
Nghệ nhân Út Đực, chủ vườn mai Út Đực, chia sẻ, nghề chăm mai sống dựa vào "ý trời" nên thời tiết đóng vai trò quyết định đến năng suất của cây. Vì vậy, nắng nóng kéo dài cùng với những cơn mưa trái mùa vào thời điểm cuối năm khiến cho nút mai nhanh già, hoa nở sớm.
“Gắn bó với nghề này được 27 năm mà chưa năm nào tôi thấy thời tiết khắc nghiệt như năm nay. Còn trúng vào năm nhuận có 13 tháng nên cũng khó canh chính xác thời gian trổ bông”, ông nói.
Hàng đắt tiền kén khách, chủ yếu khách thuê
Năm nay, vườn mai của nghệ nhân Út Đực cung ứng cho thị trường hơn 200 gốc mai lâu năm với hàng chục loại giống, nhiều nhất là siêu bông Sài Gòn, mai giảo Thủ Đức và cúc thọ hương. Ông cho hay, 90% lượng cây trong vườn đã có người đặt, chỉ còn 14-15 gốc mai lớn có giá trị cao nên kén khách. Trong đó, khách chủ yếu thuê để chưng Tết, số khách mua chỉ chiếm 1/10.
“Buôn bán ế ẩm lắm, 1.000 người hỏi mới có 10 người mua. Bởi vậy, phải cho thuê để có đồng ra đồng vô”, ông nói. Nắm bắt tâm lý thị trường khách thuê nhiều hơn mua, ông chủ động xem xét hạ giá thuê khoảng 5-10% để mau hết hàng.
Tại vườn mai Út Đực, một chậu tầm trung có tuổi đời 3-5 năm, chu vi 20cm được cho thuê với giá 3-5 triệu. Trong khi đó, những gốc mai cổ thụ xấp xỉ 10-20 năm, cao hơn 1m và nhiều nụ dù có giá thuê hàng chục triệu đồng vẫn hút khách, đặc biệt là doanh nghiệp, ngân hàng...
Tương tự, tại vườn mai Sáu Hải có giá thuê thấp hơn từ 10-30% so với giá bán. Nhà vườn chịu chi phí vận chuyển, công chăm sóc trong suốt mùa Tết và đảm bảo 100% hoa nở.
Ông Hải nhận xét: “Số lượng mua với cho thuê cũng ngang nhau. Tuy nhiên, khách mua thường ưu tiên chọn những cây có giá trị thấp tầm vài ba trăm ngàn cho đến 1 triệu đồng. Trong khi đó, giá cho thuê thấp nhất cũng 6-7 triệu, mà hàng chục triệu vẫn có người đặt. Bởi vậy, xét về giá trị thì cho thuê vẫn mang lại lợi nhuận cao hơn”.
“Buôn bán ế ẩm lắm, 1.000 người hỏi mới có 10 người mua. Bởi vậy, phải cho thuê để có đồng ra đồng vô”, ông nói. Nắm bắt tâm lý thị trường khách thuê nhiều hơn mua, ông chủ động xem xét hạ giá thuê khoảng 5-10% để mau hết hàng.
Theo ông Hải lý giải, khách hàng những năm gần đây có xu hướng thuê nhiều hơn để tiết kiệm chi phí chăm sóc và giữ dáng mai trong suốt một năm. Thị trường tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phía Nam như Bình Dương, TP.HCM và ở phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng.
“Cho thuê mai ở phía Bắc được giá hơn trong Nam. Một gốc cây ở đây cho thuê 5 triệu thì ra Bắc có giá 10-15 triệu là chuyện bình thường”, ông Hải kể.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm 30 năm gắn bó với nghề chăm sóc mai, ông Hải nhận định việc cho thuê tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà vườn.
Ông giải thích: “Nhiều người thấy mai nở đẹp, lâu tàn nên cứ muốn giữ chơi lâu mà không biết làm như vậy khiến cây yếu đi. Chưa kể, khách sơ ý làm gãy nhánh thì hỏng hết dáng cây, làm giá trị cũng giảm theo. Để uốn lại được một nhánh mới cũng phải mất vài ba năm. Mình cho thuê có khi 3-4 năm mới lấy lại vốn nhưng cây chết lại lỗ”.
Bên cạnh tuổi thọ, dáng cây, các nhà vườn tại TP.HCM cũng điều chỉnh giá cho thuê dựa trên nhu cầu khách hàng và nguồn cung từ các tỉnh thành miền Tây Nam Bộ.
Ông Lê Văn Phương, Chủ tịch Hiệp hội Sinh vật cảnh xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh (TP.HCM), nhận định giá thuê, bán năm nay sẽ không thay đổi, thậm chí có xu hướng giảm dù chi phí phân bón tăng cao. Ngoài lý do kinh tế khó khăn, người dân “thắt lưng buộc bụng” còn có việc các nhà vườn nằm tại khu quy hoạch đã cung cấp mai ra thị trường với giá rẻ.
Bùi Văn