Trả lời cử tri về các nội dung liên quan đến loạt dự án treo, TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát, thu hồi dự án với chủ đầu tư không đủ năng lực.
Cụ thể, UBND TP Hà Nội vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri huyện Đông Anh, Đan Phượng về nội dung đề nghị kiểm tra một số dự án khu đô thị trên địa bàn đã có quy hoạch, thu hồi đất từ nhiều năm nay nhưng đến nay chưa triển khai, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhân dân.
Loạt dự án dang dở gây bức xúc
Trả lời kiến nghị của cử tri huyện Đông Anh về dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại ô đất ký hiệu CT5 tại thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung đã có thông báo thu hồi đất từ năm 2010 nhưng đến nay không triển khai, UBND TP Hà Nội cho biết, dự án này đã được UBND TP chấp thuận đầu tư tại văn bản số 3135 ngày 24/7/2012, điều chỉnh tại văn bản số 2019 ngày 12/1/2015.
Trong đó, chấp thuận cho lùi tiến độ dự án từ quý I/2015 đến quý II/2017. Hiện nay dự án chưa được giao đất. Việc triển khai dự án đến nay chậm gần 6 năm theo tiến độ được duyệt, nhà đầu tư chưa triển khai các thủ tục đầu tư tiếp theo.
UBND TP Hà Nội thông tin thời gian tới, UBND TP sẽ chỉ đạo các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Đông Anh rà soát, đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương thực hiện dự án. Trường hợp nhà đầu tư không đủ năng lực, tham mưu, báo cáo UBND TP xem xét thu hồi dự án theo quy định.
Với kiến nghị của cử tri huyện Đan Phượng đề nghị kiểm tra các dự án khu đô thị: Vinalines và khu đô thị Hồng Thái, đã có quy hoạch 14 năm song đến nay chưa triển khai. UBND TP Hà Nội cho biết, dự án Khu đô thị Hồng Thái gồm 3 khu đều đã có quyết định giao chủ đầu tư của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) nhưng nhà đầu tư chưa hoàn thiện thủ tục lập quy hoạch chi tiết, lập dự án đầu tư. Dự án chưa được cơ quan có thẩm quyền quyết định cho phép đầu tư. Nhà đầu tư chưa thực hiện thủ tục về đất đai (thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng...) theo quy định.
Cũng theo UBND TP, cuối năm 2022, Tổ công tác liên ngành thành phố đã có văn bản báo cáo kết quả rà soát các dự án nêu trên, trong đó đề xuất UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thanh tra, kiểm tra dự án; củng cố cơ sở pháp lý để đề xuất phương án xử lý đối với từng trường hợp cụ thể (có thể xem xét chấm dứt hiệu lực các văn bản chỉ đạo liên quan đến việc thực hiện dự án).
Sau đó, TP cũng đã cơ bản thống nhất với nghiên cứu, đánh giá, phân loại của Tổ công tác liên ngành và giao Tổ công tác tiếp tục nghiên cứu, làm rõ về khung tiêu chí pháp lý để thực hiện các thủ tục liên quan (chấm dứt, thu hồi) dự án.
Trong khi đó, cử tri huyện Quốc Oai có các kiến nghị tương tự về các Dự án khu tái định cư Hòa Phú; dự án Làng Thời Đại. Về vấn đề này, UBND TP Hà Nội cho biết, đối với Dự án Làng Thời đại trên địa bàn huyện Chương Mỹ và huyện Quốc Oai có quyết định giao chủ đầu tư của UBND tỉnh Hà Tây nhưng nhà đầu tư chưa hoàn thiện thủ tục lập quy hoạch chi tiết 1/500, lập dự án đầu tư.
Dự án chưa được cơ quan có thẩm quyền quyết định cho phép đầu tư khu đô thị mới; nhà đầu tư chưa thực hiện thủ tục về đất đai (thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, GPMB,...) theo quy định.
Đối với Dự án tái định cư Hòa Phú, hiện đã thực hiện bồi thường GPMB xong khoảng 45,56 ha và thi công một số công trình hạ tầng kỹ thuật trị giá khoảng 34,9 tỷ đồng. UBND huyện Quốc Oai đã đề nghị UBND TP thu hồi, hủy bỏ quyết định thu hồi đất tại dự án. Hiện UBND TP đã giao sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, đề xuất xử lý theo quy định.
Mạnh tay thu hồi
Trong tháng 6 này, UBND TP Hà Nội đã mạnh tay thu hồi loạt dự án cả vị trí nội thành và các huyện ngoại thành. Cụ thể như Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội vừa chấm dứt hoạt động dự án tổ hợp công viên giải trí và phụ trợ tại 151, 153 Yên Phụ.
Tiếp theo đó, TP cũng đã có quyết định thu hồi các dự án Khu đô thị mới Mê Linh-Đại Thịnh, Khu đô thị mới Thanh Lâm-Đại Thịnh 1 và Khu đô thị Việt Á do hơn 15 năm qua vẫn không triển khai thực hiện.
Trước đó, hồi tháng 3, UBND TP Hà Nội đã họp rà soát đánh giá 60 dự án chậm triển khai trên địa bàn huyện Mê Linh, lấy ý kiến các sở, ban, ngành và cho biết sẽ ra quyết định thu hồi hơn 1.000 ha của 15/60 dự án chậm triển khai.
Thời gian qua, tình trạng dự án treo những năm qua vẫn là bài toán nhức nhối trên địa bàn TP Hà Nội. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội, hiện trên toàn thành phố có hơn 400 dự án chậm tiến độ, trong đó những quận, huyện có số dự án chậm tiến độ nhiều nhất là Hoài Đức (51 dự án), Mê Linh (47 dự án), Nam Từ Liêm (48 dự án), Hoàng Mai (25 dự án).
Trong tổng số hơn 400 dự án treo trong diện thanh kiểm tra hơn 1 năm qua, có 96 dự án đã khắc phục đưa đất vào sử dụng. 60 dự án chậm tiến độ mới được gia hạn thêm 24 tháng. 220 dự án có các vi phạm khác, đã kiến nghị các biện pháp xử lý cụ thể. Và có 29 dự án bị kiến nghị thu hồi đất.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, hàng trăm dự án treo tới 1-2 thập kỷ nhưng giờ mới chỉ nằm trên danh sách kiến nghị bị thu hồi. Nghĩa là danh sách kiến nghị bị thu hồi cũng bị "treo" và treo đến bao giờ cũng chưa biết. Chỉ biết công tác thực thi của các Sở, ngành hiện quá ì ạch, chậm chạp và thiếu kiên quyết.
Số dự án treo lớn cũng có nghĩa là hàng triệu người dân đang bị ảnh hưởng tới đời sống kinh tế, tới chất lượng cuộc sống. Các doanh nghiệp khác có năng lực mất cơ hội kinh doanh, còn Nhà nước cũng không thu được các khoản thuế phí, lệ phí, tiền sử dụng đất từ những dự án này.
Chống lãng phí: Hà Nội gỡ vướng, đốc thúc tiến độ loạt dự án treo
NBB muốn rót gần 4.500 tỷ đồng vào dự án treo 17 năm vừa được 'hồi sinh' tại TP. HCM