"Mơ hồ" khả năng cán đích tăng trưởng lợi nhuận 2022 của các nhà băng

24-06-2022 11:26|Minh Hiếu

Theo FiinGroup, các ngân hàng sẽ gặp nhiều thách thức để đạt được mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận đã đề ra cho năm 2022 bởi 4 nguyên nhân chính.

Chỉ trong vòng 3 tháng trở lại đây, cổ phiếu ngành ngân hàng thường xuyên chìm trong sắc đỏ và là một trong những nhóm tác động tiêu cực nhất tới thị trường chung. Hầu hết thị giá cổ phiếu ngân hàng đều có mức giảm trên 30% và không có bất kỳ một cổ phiếu ngân hàng nào lội ngược dòng tăng trưởng dương.

Nguyên nhân được chỉ ra chủ yếu đến từ việc kiểm soát chặt chẽ hơn dòng vốn tín dụng, lo ngại nợ xấu gia tăng do doanh nghiệp bất động sản, hoạt động thanh tra trái phiếu doanh nghiệp tại các ngân hàng và áp lực lạm phát đã tác động tới tâm lý nhà đầu tư.

Tuy nhiên điểm tích cực là sau chuỗi giảm sâu, nhiều cổ phiếu ngân hàng đang ghi nhận phục hồi tốt trong những phiên gần đây. Điều này đem lại sự phấn khởi cho nhiều nhà đầu tư nhóm ngành này.

cpnhh.png
Loạt cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh trong phiên 23/6

FiinGroup: Ngành ngân hàng khó đạt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm 2022

Trong báo cáo mới công bố, FiinGroup cho biết tổng thu nhập hoạt động của 27 ngân hàng trong quý I/2022 tăng +8,2% so với quý trước đó. Nếu xét theo cùng kỳ, tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng 22,2% và chỉ có 3 ngân hàng ghi nhận suy giảm.

Lãi thuần từ dịch vụ giảm 12,1% so với kỳ trước sau khi tăng mạnh trong quý 4/2021, tuy nhiên vẫn tăng +14% so với quý 1/2021. Mức tăng trưởng cao so với quý trước của các hoạt động còn lại đến từ các hoạt động khác (+83,3%) và ngoại hối (+21,7%), trong khi thu nhập từ chứng khoán giảm mạnh (-52,7%).

Lợi nhuận sau thuế của 27 ngân hàng niêm yết tăng +51% so với kỳ báo cáo liền trước và +31% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, nếu loại trừ khoản 5.558 tỷ đồng gia hạn hợp đồng bảo hiểm của VPB, mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế thực tế chỉ đạt lần lượt là 5,7% và 17,7%.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là nợ xấu đang dần tăng lên và có thể tiếp tục tăng lên trong các quý tới khi các ngân hàng chuyển dần các khoản nợ tái cơ cấu về đúng nhóm nợ, đặc biệt khi thời hạn tái cơ cấu nợ của Thông tư số 14/2021/TT-NHNN là 30/6/2022 đang tới gần. FiinGroup cho rằng đây sẽ là áp lực với một số ngân hàng, đặc biệt là với những ngân hàng có hệ số bao phủ nợ xấu thấp và chưa trích lập đủ.

Trong khi đó, những ngân hàng đã chủ động trích lập dự phòng với hệ số bao phủ nợ xấu cao sẽ không đáng lo ngại, thậm chí các ngân hàng đã trích lập 100% nợ tái cơ cấu sẽ còn có cơ hội hoàn nhập dự phòng.

Trong quý I/2022, chi phí hoạt động trên thu nhập (CIR) giảm xuống mức thấp 30,1%. Tuy nhiên, nhóm phân tích cho rằng 2/3 hạng mục chi phí lớn giảm so với quý trước gồm chi phí nhân viên (-3,5%) và chi cho tài sản (-34%) có tính chu kỳ giảm vào quý đầu năm. 

"Nếu so với cùng kỳ, chi cho tài sản vẫn tăng 6% trong khi chi phí nhân viên tăng 16,7%. Như vậy, các ngân hàng không có nhiều cải thiện về hiệu quả hoạt động", FiinGroup cho hay.

Về tình hình kinh doanh năm nay, có tới 26/27 ngân hàng niêm yết đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận sau thuế khoảng 33% so với cùng kỳ. Theo FiinGroup, các ngân hàng sẽ gặp nhiều thách thức để đạt được mục tiêu này bởi các nguyên nhân:

Thu nhập lãi thuần sẽ khó tăng mạnh khi yếu tố hỗ trợ tăng NIM như cắt giảm hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, điều chỉnh lãi vay sẽ cân bằng với việc tăng COF trong bối canh ác yếu tố hỗ trợ giảm COF khác đã không còn nhiều dư địa cải thiện, tăng lãi suất huy động để đáp ứng nhu cầu tín dụng cùng xu hướng tăng theo FED và các ngân hàng trung ương.

Tín dụng các quý sau khó có thể giữ mức tăng trưởng cao như quý I/2022 do khả năng hạn chế room tín dụng. Mặt khác, thu nhập phí khó tăng trưởng đủ cao để bù đắp cho tăng trưởng thu nhập lãi thuần.

Nợ xấu nội bảng sẽ tiếp tục tăng lên khi hết thời hạn cơ cấu nợ vào 30/6/202. Ngoài các ngân hàng đã trích lập sớm, áp lực trích lập sẽ tăng lên với các ngân hàng còn lại. Hơn nữa, những rủi ro tiềm ẩn với nợ xấu khi thị trường trái phiếu gặp khó khăn cũng là yếu tố cần theo dõi do rủi ro vỡ nợ chéo vẫn đang hiện diện.

Sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản: Theo phân tích của FiinGroup, ngành bất động sản đang gặp nhiều trở ngại trong hiện tại và tương lai, điều này sẽ tạo thêm thách thức với tăng trưởng lợi nhuận và chất lượng nợ của các ngân hàng.

Về triển vọng, FiinGroup cho rằng một số ngân hàng đáng chú ý với kế hoạch tăng trưởng cao có định giá hiện tại đã về xấp xỉ giá trị sổ sách (STB, LPB, SHB) trong đó STB và LPB có LLCR tương đối cao, giúp các ngân hàng hạn chế việc tăng chi phí dự phòng trong năm nay. Tuy nhiên, cần lưu ý là các ngân hàng này mức độ rủi ro cao hơn và chất lượng tài sản thấp hơn so với một số ngân hàng khác.

Các ngân hàng tự tin hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đề ra

Với kết quả khai cuộc khá thuận lợi trong quý đầu năm, ban lãnh đạo nhiều ngân hàng khẳng định kế hoạch kinh doanh mà ngân hàng đặt ra trong năm 2022 là khả thi.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tổng tín dụng tính đến ngày 25/4 tăng 6,75% so với cuối năm 2021, tương đương với mức tăng 16,4% so với cùng kỳ.

Đầu năm nay, NHNN đưa ra dự báo tăng trưởng tín dụng là khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Song với tốc độ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ trong những tháng đầu năm cùng với kết quả kinh doanh quý I tại nhiều ngân hàng, giới chuyên gia cho rằng tín dụng có thể tăng trưởng đến 15%, thậm chí có thể vượt xa hơn mục tiêu này.

Đây là một trong những động lực chính giúp các ngân hàng tự tin hơn với kế hoạch kinh doanh đã đề ra, có nhà băng thể hiện tham vọng lớn khi đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận tới ba chữ số.

Cho năm 2022, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế gấp đôi năm trước đạt 29.662 tỷ đồng, tăng 103% so với năm 2021. Đây là mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong số các ngân hàng công bố kế hoạch kinh doanh tính đến thời điểm này và gần bằng mức lợi nhuận kế hoạch của "quán quân" ngành ngân hàng năm 2021 (Vietcombank) với 30.660 tỷ đồng.

Một cái tên đáng chú ý khác là Eximbank với kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 107,5% so với năm 2021 đạt 2.500 tỷ đồng.

Mục tiêu trên được cho là khá tham vọng khi lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2021 của Eximbank chỉ đạt 1.205 tỷ đồng - giảm 10% so với năm 2020 và không đạt kế hoạch năm (1.300 tỷ đồng).

Bên cạnh VPBank và Eximbank, nhiều nhà băng khác cũng đặt mục tiêu tăng lợi nhuận khủng trong năm nay như VietBank dự kiến tăng 71,4%, vượt mốc 1.000 tỷ đồng, SHB (87%), ABBank (57%), SeABank (49%), Viet Capital Bank (45%), TPBank (36%), MSB (34%), hay VIB (31%).

Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng cho biết, kế hoạch lợi nhuận năm nay của ngân hàng hoàn toàn khả thi và ban điều hành sẽ phấn đấu thực hiện.

“Ngoài nguồn thu từ tín dụng, VPBank còn có thu từ phí, dịch vụ,.. Do đó, dù kịch bản tăng trưởng tín dụng là 23% hay cao hơn thì ban điều hành vẫn cam kết là sẽ thực hiện được kế hoạch lợi nhuận 30.000 tỷ như đã trình”, ông Dũng nói.

Trước chất vấn của cổ đông về cơ sở để đặt lợi nhuận tăng hơn 87% trong năm 2022, Chủ tịch HĐQT SHB, ông Đỗ Quang Hiển cho biết, khi đặt kế hoạch kinh doanh, SHB đã phải tính toán đến các căn cứ cơ sở và dựa trên các phương pháp tính toán hợp lý để đưa ra được một con số cuối cùng.

"Trước đây, chúng tôi chưa khai thác hết được các tiềm năng chiến lược mà SHB đang có, SHB sẽ tiếp tục tăng CASA, dịch vụ,… Trên cơ sở đó thì kế hoạch kinh doanh là khả thi," ông Hiển chia sẻ.

Có thể thấy bên cạnh tín hiệu tích cực từ tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng cũng lên kế hoạch đẩy mạnh thu nhập ngoài lãi, chủ trương của các ngân hàng trong những năm gần đây, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Trong năm 2022, thu nhập từ dịch vụ thanh toán được dự báo sẽ phục hồi cùng với việc nối lại thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại đồng thời được đẩy mạnh nhằm phân tán rủi ro và đa dạng hóa nguồn thu, các dịch vụ được tập trung là ngân hàng số và thẻ.

Giám đốc Khối Phân tích Chứng khoán VNDirect, bà Trần Thị Khánh Hiền dự báo sẽ có ngân hàng sẽ tăng vượt bậc. Các ngân hàng nào có khả năng đẩy mạnh tín dụng và thu nhập ngoài lãi như bancassurance sẽ có lợi thế.

Theo VNDirect, tăng trưởng thu nhập ngoài lãi sẽ ổn định vào năm 2022 dựa vào thu nhập từ phí, mà bảo hiểm sẽ là nhân tố chính đóng góp vào sự tăng trưởng này.

Ngoài ra thời gian tới, câu chuyện riêng sẽ tiếp tục là một trong những nhân tố có tác động tới triển vọng của các ngân hàng. Những câu chuyện của các ngân hàng tuy không quá mới với nhà đầu tư, song dự báo sẽ ảnh hưởng đáng kể tới tốc độ tăng trưởng của các nhà băng.

Bí quyết chiến thắng thị trường của 55/61 quỹ đầu tư

Bão Yagi ‘đánh thức’ nhu cầu bảo hiểm của doanh nghiệp và cá nhân

Bài thuộc chủ đề Ngân hàng
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/mo-ho-kha-nang-can-dich-tang-truong-loi-nhuan-2022-cua-cac-nha-bang-137261.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    "Mơ hồ" khả năng cán đích tăng trưởng lợi nhuận 2022 của các nhà băng
    POWERED BY ONECMS & INTECH