'Mỏ vàng' tự nhiên từ 'biển bạc' Việt Nam đứng thứ 2 thế giới, các quốc gia lớn đều mạnh tay săn lùng
Có khoảng 200 nhà máy chế biến mặt hàng này được Ủy ban Châu Âu phê duyệt và kiểm tra thực địa định kỳ tại Việt Nam.
Theo thông tin từ Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), giai đoạn 2010-2023, Việt Nam xuất khẩu mặt hàng tôm biển đến 100 quốc gia với 5 thị trường lớn như: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... Xuất khẩu tôm của Việt Nam trong tháng 5/2024 đã thu về 325,8 triệu USD. Lũy kế 5 tháng đầu năm, mặt hàng tôm Việt Nam đã thu về hơn 1,3 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023.
Kết quả này đã đưa Việt Nam trở thành nhà cung cấp tôm lớn thứ 2 thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm toàn thế giới. Hiện tại, Việt Nam có thể gọi mặt hàng này xứng đáng là "mỏ vàng" ở biển.
Một đầm nuôi tôm. Ảnh minh hoạ
Bên cạnh sản lượng, giá tôm cũng đã hồi phục mạnh trong bối cảnh xuất khẩu khả quan. Giá tôm thẻ chân trắng cỡ 100 con/kg tăng cao. Tính đến cuối tháng 1/2024, giá tôm lại này ở mức 84.000 đồng/kg, hồi phục 15% từ đáy. Trong khi đó, giá tôm sú có mức hồi phục, khoảng 3% lên mức 97.500 đồng/kg. Đây là tính hiệu tốt dành cho các hộ nuôi tôm sau thời gian dài chịu cảnh thả nuôi tôm cầm chừng để tránh thua lỗ do giá bán thấp.
Theo Hiệp hội Chế Biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong bối cảnh còn phải đối mặt với nhiều thách thức, ngành tôm Việt Nam nên đẩy mạnh sản xuất hàng GTGT, tập trung nhiều hơn cho khâu nuôi để tăng năng suất, giảm giá thành, nâng sức cạnh tranh để tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trong năm nay
Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ ban hành đề ra mục tiêu đến năm 2025, tổng diện tích nuôi tôm cả nước sẽ đạt 750.000ha, sản lượng đạt trên 1 triệu tấn, giá trị xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD. Hiện tại, diện tích nuôi tôm nước lợ đã đạt 644.000-737.000ha, mục tiêu này sẽ sớm hoàn thành thậm chí được kỳ vọng vượt chỉ tiêu.
Hạ tầng nuôi tôm chưa tương xứng
Cho đến nay, có khoảng 200 nhà máy chế biến tôm được Ủy ban Châu Âu phê duyệt với các cuộc kiểm tra thực địa định kỳ ngay tại Việt Nam. Điều đó cho thấy mặt hàng này vô cùng cấp thiết và quan trọng mà các quốc gia đều muốn săn lùng nhập khẩu.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, một thách thức đặt ra và cũng là khó khăn cho các doanh nghiệp, hộ dân nuôi tôm và nuôi trồng thuỷ hải sản là hệ thống kênh thuỷ lợi ở phía Nam Quốc lộ 1 đang sử dụng cho nuôi trồng thuỷ sản vốn là thuỷ lợi phục vụ cho cây lúa nên không đáp ứng được nhu cầu về nguồn nước, gây khó khăn rất lớn, nhất là tình trạng ô nhiễm nguồn nước, cơ sở thuỷ lợi kém chưa được hiện đại.
Hạ tầng nuôi tôm đang được triển khai phát triển. Ảnh: Chí Quốc
Ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, các Bộ, ngành địa phương cần sớm có quy hoạch tổng thể bố trí nguồn vốn kịp thời để đầu tư thủy lợi đáp ứng nhu cầu cấp bách phát triển ngành tôm, bởi ngoài bảo vệ môi trường, hạn chế rủi ro thì đây là giải pháp lâu dài để ngành hàng tỷ USD này phát triển an toàn, hiệu quả và bền vững.
“Trong quy hoạch không gian sử dụng đất và đặc biệt là quy hoạch ĐBSCL đã được Chính phủ phê duyệt, trong quá trình triển khai chúng ta phải định hình lại để từ đó thiết kế hạ tầng thủy lợi phục vụ cho nuôi trồng thủy sản một cách tốt hơn. Có hạ tầng mới khai thác hết tiềm năng, lợi thế của khu vực nuôi trồng thủy sản” – ông Trần Đình Luân nói.
Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Chính phủ đã đầu tư xây dựng nhiều dự án như: Dự án Quản lý nước tỉnh Bến Tre, Dự án Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1, Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, Dự án Hệ thống thủy lợi tiểu vùng II-III-V Cà Mau, Dự án Cống âu thuyền Ninh Quới, Dự án Tha La - cống Trà Sư, các dự án hạ tầng thủy sản - cảng cá - khu neo đậu cho khu vực ĐBSCL…; bước đầu đáp ứng nền nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu và đang nâng dần lên khả năng chống chọi với nước dâng do bão, lũ, phát huy tốt trong kiểm soát mặn”.