Tài chính Ngân hàng

Money Cat: Cho vay nặng lãi nhưng không phải tín dụng đen?

Khắc Thành 01/08/2023 - 15:35

Một người tự xưng là nhân viên truyền thông của MoneyCat liên hệ với phóng viên và cho rằng, nền tảng này tuy thu phí rất cao của người vay nhưng không phải tín dụng đen?

Mức lãi suất cắt cở khi vay qua MoneyCat, nhưng đại diện nền tảng này cho rằng đây không phải tín dụng đen?
Mức lãi suất cắt cở khi vay qua MoneyCat, nhưng đại diện nền tảng này cho rằng đây không phải tín dụng đen?
Money Cat: Cho vay nặng lãi nhưng không phải tín dụng đen? ảnh 1
MoneyCat có đăng ký kinh doanh và hoạt động tại tòa nhà Thanh Đa View, nhưng đã trả mặt bằng từ nhiều tháng trước.
Money Cat: Cho vay nặng lãi nhưng không phải tín dụng đen? ảnh 2
My Viettel đã âm thầm gỡ hết danh sách đối tác cho vay tài chính ra khỏi app.

MoneyCat hoạt động ngoài vòng pháp luật

Sau khi Ngày Nay đăng tải bài viết “Dịch vụ cho vay nặng lãi tràn lan trên app My Viettel, ví Momo”, ngày 31/7, một người tên Nga, tự xưng thuộc bộ phận truyền thông của MoneyCat (một website cho vay nặng lãi được nêu trong bài viết) liên hệ cho phóng viên để trao đổi về nội dung bài viết.

Theo lời người này, MoneyCat là công ty fintech về lĩnh vực cho vay ngan g hàng theo mô hình P2P lending, áp dụng các công nghệ tiên tiến như AI và máy học để đánh giá tín dụng khách hàng và xét duyệt khoản vay cho khách hàng. Công ty cung cấp các khoản vay trong thời gian ngắn để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp về tài chính của người dùng, hoàn toàn không phải app hay website tín dụng đen như bài viết đề cập.

Đại diện truyền thông của MoneyCat cho biết thêm, hiện tại đang hợp tác với My Viettel và ví Momo để người dùng dễ dàng tiếp cận khoản vay, do đây là 2 app uy tín tại Việt Nam nên tạo được niềm tin cho người dùng. Do hiện tại Nhà nước chưa có chế tài về mô hình P2P lending nên hoạt động của doanh nghiệp dễ bị “hiểu nhầm” là cho vay nặng lãi, tín dụng đen.

Đại diện MoneyCat cho biết thêm, nền tảng này hợp tác với đối tác giải ngân là Công ty Saigon Credit và chỉ tính lãi suất 18%/năm cho khoản vay, nên đây không phải là hoạt động cho vay nặng lãi. Số tiền khách hàng phải đóng cao do bao gồm khoản phí của MoneyCat, là bên trung gian giới thiệu dịch vụ vay vốn.

Tuy nhiên, khi phóng viên đặt câu hỏi mô hình hoạt động của MoneyCat chưa có chế tài trong quy định pháp luật vậy MoneyCat căn cứ vào quy định pháp luật nào để thu khoản phí rất cao của người vay thì người này không giải thích được mà cho rằng việc thu phí cao để vận hành hệ thống?

Phóng viên đặt câu hỏi về hàng loạt hành vi có dấu hiệu sai phạm của MoneyCat như tính tổng chi phí cho mỗi khoản vay, tùy vào thời gian 16 – 30 ngày mà khách hàng phải trả theo mức lãi suất khoảng 780% - hơn 900%/năm, trong khi quy định tại Bộ luật Dân sự thì lãi suất quy định trong hoạt động cho vay không được vượt quá 20%/năm, vậy đây có phải là hành vi cho vay lãi nặng hay không. Tại sao MoneyCat không hợp tác với các công ty tài chính được cấp phép hoạt động hợp pháp mà lại hợp tác với Saigon Credit vì thực tế, đây là doanh nghiệp được cấp phép hoạt động cầm đồ, không được cho vay tài chính, việc MoneyCat hợp tác với doanh nghiệp này thực hiện cho vay có phải đang làm trái quy định pháp luật hay không? Những vấn đề này, đại diện MoneyCat đều không trả lời được mà chỉ vòng vo về mô hình hoạt động của doanh nghiệp.

Đồng thời, địa chỉ hoạt động của MoneyCat thể hiện trên website moneycat.vn tại tầng 3, tòa nhà Thanh Đa View (số 7 Thanh Đa, phường 27, quận Bình Thạnh), đây cũng là địa chỉ đăng ký kinh doanh và hoạt động của chủ sở hữu nền tảng này là Công ty TNHH MTV LENDTOP.

Tuy nhiên, khi phóng viên Ngày Nay đến liên hệ làm việc, thì nhân viên tại tòa nhà này cho biết trước đây MoneyCat có thuê mặt bằng nhưng đã dọn đi từ mấy tháng nay. Sau đó, phóng viên liên hệ lại với Nga, người tự xưng thuộc bộ phận truyền thông của nền tảng này để hỏi nơi làm việc của công ty để qua làm việc nhưng không nhận được phản hồi. Hiện nay, địa chỉ hoạt động của MoneyCat ở đâu vẫn hoàn toàn là một điều bí ẩn.

My Viettel âm thầm gỡ hết dịch vụ cho vay trên app

Như Ngày Nay đã thông tin, hiện nay nhiều app, website cho vay với chi phí vay, lãi suất “cắt cổ” xuất hiện tràn lan trên app My Viettel và Ví Momo. Trong vai người có nhu cầu vay tiền, phóng viên đã bấm vào biểu tượng MoneyCat trên app My Viettel và được chuyển sang website moneycat.vn và thao tác vay tiền ngay trên ứng dụng này.

Tại website moneycat.vn, phóng viên được cấp hạn mức tín dụng 10 triệu đồng cho lần vay đầu tiên, mức lãi suất 0% và thời gian vay 7 ngày, nhưng thực tế số tiền giải ngân về tài khoản chỉ 250.000 đồng.

Sau khi thanh toán, phóng viên được cấp hạn mức vay mới từ 1 triệu – 15 triệu đồng, thời gian vay ngắn ngày, có 3 mốc từ 16 – 28 ngày. Để tìm hiểu thông tin, phóng viên đã chọn khoản vay 2 triệu đồng, sau 16 ngày phải thanh toán 2,8 triệu đồng, sau 21 ngày phải thanh toán 2,924 triệu đồng và mốc cao nhất là 28 ngày phải thanh toán 3,176 triệu đồng.

Số tiền phải thanh toán bao gồm các khoản lãi và phí, tương ứng mức lãi suất 40%/16 ngày; hơn 50%/21 ngày và gần 60%/28 ngày. Tính rộng ra, số tiền phải trả cho khoản vay trên MoneyCat có mức lãi suất cắt cổ khi nằm trong khoảng 780%/năm – hơn 900%/năm, tùy vào thời gian vay.

Ngoài MoneyCat, trên app My Viettel cũng tồn tại một app, website cho vay khác là Vamo cùng hàng loạt app, website trung gian giới thiệu tịch vụ tín dụng đen khác. Tuy nhiên, sau bài viết “Dịch vụ cho vay nặng lãi tràn lan trên app My Viettel, ví Momo”, My Viettel đã âm thầm gỡ sạch danh sách đối tác ra khỏi mục tài chính trên app, kể cả những công ty tài chính được cấp phép hoạt động hợp pháp, chỉ còn giữ lại dịch vụ VNPay.

Trong khi đó, Momo cũng đã gỡ 3 nền tảng cho vay nặng lãi vừa bị Công an TP.HCM bắt giữ là Senmo, Thần Tài Ơi và Cây Đèn Thần ra khỏi danh sách đối tác mục thanh toán khoản vay sau bài viết của Ngày Nay. Nhưng ví điện tử này vẫn giữ lại hàng loạt nền tảng cho vay nặng lãi khác chưa bị triệt phá như Doctordong, VayVND, OnCredit, Tiền Mặt Nhanh, OiVay, Takomo, Cash Cash, MoneyCat.

Về bản chất, MoneyCat là hình thức doanh nghiệp cầm đồ hoạt động núp bóng để cho vay nặng lãi qua mạng. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều website, app tín dụng đen có mô hình hoạt động tương tự. Gần đây nhất là 3 nền tảng Senmo, Thần Tài Ơi và Cây Đèn Thần, cũng do một cá nhân quốc tịch Nga cầm đầu như MoneyCat. Theo điều tra ban đầu của cơ quan công an, mức lãi suất mà các nền tảng cho vay trực tuyến vừa bị triệt phá này dao động từ 183%/năm – 2.555%/năm (gấp 10 – 128 lần lãi suất cho vay cao nhất được cho phép trong hoạt động dân sự).

Có sự hỗ trợ từ SMBC, FE Credit sẽ tái cơ cấu thành công, trở lại làm 'gà đẻ trứng vàng' của VPBank?

Đường dây 'tín dụng đen' cho vay gần 4.000 tỷ đồng bị triệt phá, thu lợi hơn 600 tỷ đồng

Đường dây tín dụng đen lãi suất 2000%/năm do người nước ngoài cầm đầu đã bị triệt phá

Theo ngaynay.vn
https://ngaynay.vn/money-cat-cho-vay-nang-lai-nhung-khong-phai-tin-dung-den-post136908.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Money Cat: Cho vay nặng lãi nhưng không phải tín dụng đen?
POWERED BY ONECMS & INTECH