Moscow lên kế hoạch đáp trả việc bị phương Tây tịch thu tài sản
Người đứng đầu Bộ Tài chính Nga tuyên bố, nước này sẽ thực hiện biện pháp trả đũa tương xứng đối với việc phương Tây sử dụng lợi nhuận tạo ra từ tài sản bị phong tỏa của Moscow.
"Nếu các nước phương Tây đã bắt đầu sử dụng lợi nhuận từ các khoản dự trữ bị đóng băng của Nga, chúng tôi sẽ đáp trả chính xác như vậy"- đài RT dẫn cảnh báo được Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov đưa ra hôm 24/10.
"Chúng tôi đã đóng băng tiền từ các công ty và tổ chức không thân thiện (từ phương Tây). Chúng tôi sẽ giữ số tiền này trong tài khoản của mình và sẽ sử dụng thu nhập từ các tài sản này theo cách tương tự như phương Tây áp dụng với tài sản của Nga" - ông Siluanov giải thích thêm.
Bộ trưởng Siluanov cho biết, thu nhập từ các quỹ này sẽ được phân bổ cho "nhu cầu của nền kinh tế, nhu cầu của các thực thể cấu thành Liên bang Nga", đồng thời lưu ý rằng các quyết định tương ứng đã được đưa ra.
Cùng ngày, Đại sứ quán Nga tại Mỹ cũng ra tuyên bố chỉ trích kế hoạch của Washington chuyển cho Ukraine khoản vay 20 tỷ USD thu được từ lợi nhuận của tài sản bị đóng băng của Moscow là “hành vi trộm cắp”.
Mỹ và các đồng minh đã đóng băng 300 tỷ USD tài sản của Ngân hàng trung ương Nga kể từ khi xảy ra cuộc xung đột ở Ukraine vào tháng 2/2022. Phần lớn số tiền này, khoảng 197 tỷ euro (213 tỷ USD), đang được giữ tại trung tâm thanh toán Euroclear có trụ sở tại Brussels (Bỉ).
Hôm 23/10, Washington đã công bố quyết định sử dụng số tiền thu được từ các tài sản bị đóng băng của Nga để trả khoản vay trị giá 20 tỷ USD cho Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, việc sử dụng lợi nhuận từ các tài sản bị đóng băng của Moscow hỗ trợ cho Ukraine sẽ "không gây gánh nặng cho người nộp thuế".
Một ngày trước đó, Nghị viện châu Âu đã ủng hộ việc phân bổ khoản vay lên tới 35 tỷ euro (38 tỷ USD) cho Kiev bằng cách sử dụng tài sản bất động của Nga làm tài sản thế chấp để trả nợ. Theo Euroclear, số tiền lãi từ tài sản bị đóng băng của Nga tính đến giữa tháng 7 là 3,4 tỷ euro (3,6 tỷ USD).
Nga đã nhiều lần cảnh báo rằng việc phương Tây tịch thu tài sản nước này là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế và làm suy yếu các loại tiền tệ dự trữ, hệ thống tài chính toàn cầu và nền kinh tế thế giới.
Hồi tháng 7 vừa qua, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã cảnh báo rằng Nga chắc chắn sẽ đáp trả “hành vi đánh cắp tài sản” của mình ở châu Âu. Theo ông Peskov, Moscow sẽ khởi xướng truy tố tư pháp những người liên quan đến việc này.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế gần đây cũng đã nêu lên mối lo ngại rằng những hành động như vậy có thể làm suy yếu lòng tin vào hệ thống tài chính phương Tây.
Trong khi Bộ trưởng Siluanov không nêu chi tiết về số lượng tài sản phương Tây mà Nga đang nắm giữ, các tính toán trước đây của hãng tin RIA Novosti ước tính con số này gần tương đương với số tài sản của Moscow đang bị đóng băng ở phương Tây.
RIA Novosti đưa tin rằng tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nền kinh tế Nga của Liên minh châu Âu (EU), Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), Australia và Thụy Sĩ lên tới 288 tỷ USD tính đến cuối năm 2022.
Trong khi đó, tờ Nikkei hôm 23/10 đưa tin, cuối tháng này, G7 dự định công bố sẽ tiếp tục đóng băng tài sản của Nga trong phạm vi quyền hạn của mình ngay cả sau khi chiến sự tại Ukraine kết thúc.
Tờ Nikkei dẫn nhiều nguồn tin từ G7 và EU cho biết, G7 có ý định bảo lãnh khoản vay 50 tỷ USD cho Ukraine bằng lợi nhuận từ các tài sản bị đóng băng của Nga.
Kể từ khi bùng phát cuộc xung đột Nga - Ukraine cách đây hơn 2 năm, Mỹ và các nước châu Âu đã ra sức viện trợ cho Kiev và áp các biện pháp trừng phạt “mạnh chưa từng có” đối với Moscow. Mỹ là nước viện trợ lớn nhất cho Ukraine. Tuy nhiên, Nga cảnh báo rằng, các khoản viện trợ của phương Tây sẽ chỉ khiến cuộc xung đột hiện tại kéo dài.
>> Nga ngăn quân Ukraine xâm nhập thêm vào Kursk, phương Tây gửi 50 tỷ USD cho Kiev