Vai trò của AI đối với Ukraine trên chiến trường
Ukraine đã và đang áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu hóa chiến lược tác chiến, với các ứng dụng rộng rãi trong nhận diện mục tiêu, giám sát, tác chiến bằng drone và tác chiến điện tử
Nhận diện mục tiêu
Ukraine đã triển khai hàng ngàn drone được nâng cấp với công nghệ AI để thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu và giám sát. Drone được điều khiển bằng AI có khả năng tự nhận diện và khóa mục tiêu, giảm thiểu rủi ro bị đối phương vô hiệu hóa bằng các biện pháp gây nhiễu. Cụ thể, các loại drone như DJI Mavic được trang bị các module AI có thể giúp định vị và tấn công độc lập sau khi được lập trình mục tiêu. Một ví dụ nổi bật là các "drone cảm tử" hay "kamikaze" tự động tìm kiếm và tiêu diệt mục tiêu mà không cần điều khiển trực tiếp, tạo lợi thế chiến thuật lớn trên chiến trường
Ukraine cũng đã thử nghiệm công nghệ drone bầy đàn, trong đó một nhóm drone hoạt động phối hợp dưới sự điều khiển của một hệ thống AI trung tâm. Công nghệ này cho phép một người vận hành duy nhất điều khiển nhiều drone cùng lúc, giúp giảm thiểu nhân lực cần thiết và tăng hiệu quả chiến đấu. Tuy nhiên, do sự phức tạp của các hệ thống AI và thách thức về nguồn lực, Ukraine vẫn đang nỗ lực tối ưu chi phí và độ chính xác để có thể mở rộng quy mô sử dụng loại drone này.
Công nghệ AI đã được tích hợp rộng rãi vào hệ thống tình báo quân sự của Ukraine, giúp phân tích hình ảnh vệ tinh và dữ liệu từ các nguồn mở nhằm cung cấp thông tin về di chuyển của đối phương. Ukraine sử dụng các phần mềm AI để nhận diện và phân tích hình ảnh vệ tinh từ các công ty như Palantir, Maxar, và Planet Labs. Những dữ liệu này được chia sẻ nhanh chóng với quân đội Ukraine, cho phép họ phát hiện kịp thời các thay đổi trên chiến trường và lên kế hoạch chiến thuật hiệu quả. AI trong giám sát cũng giúp quân đội phân tích dữ liệu từ các mạng xã hội và nguồn ảnh công khai, giúp cung cấp thông tin theo thời gian thực
Một trong những ứng dụng AI đáng chú ý là việc sử dụng phần mềm nhận diện khuôn mặt do Clearview AI phát triển. Với công nghệ này, Ukraine có thể nhận diện danh tính binh lính tử trận hoặc bắt giữ, đồng thời xác minh các nhân vật của Nga trong các hoạt động chiến sự. Điều này giúp Ukraine tăng cường khả năng điều tra và chống lại các thông tin sai lệch từ Nga.
Theo Tạp chí Quốc phòng (NDM), Clearview AI đã giúp Ukraine thực hiện hơn 350,000 lần tra cứu để xác minh danh tính kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, minh chứng cho vai trò quan trọng của AI trong tác chiến hiện đại.
Tác chiến điện tử và chiến tranh mạng
Một trong những thách thức lớn nhất đối với công nghệ drone là tác chiến điện tử (EW), khi các hệ thống gây nhiễu của Nga cố gắng cắt đứt liên lạc giữa drone và người điều khiển. Để khắc phục, Ukraine đã áp dụng các module AI trong việc phân tích và điều khiển drone ở chế độ bán tự động, cho phép drone tiếp tục hoạt động ngay cả khi mất liên lạc với người điều khiển. Ngoài ra, AI cũng được ứng dụng trong phòng thủ mạng, giúp phát hiện sớm các cuộc tấn công mạng từ Nga và triển khai các biện pháp bảo vệ dữ liệu, hệ thống và cơ sở hạ tầng trọng yếu của Ukraine.
Theo Tạp chí Time và Forces News, AI đã tạo ra bước phát triển nhảy vọt cho các UAV Ukraine, giúp các UAV này có tỷ lệ đánh trúng mục tiêu tăng vọt từ dưới 50% vào năm 2023 lên 80% trong năm nay (2024). Bước tiến này phần lớn là nhờ phần mềm AI do công ty Palantir có trụ sở tại Mỹ cung cấp.
Chẳng hạn, UAV trinh sát SAKER của Kiev đã được tích hợp hệ thống AI do Palantir phát triển, có khả năng độc lập nhận diện ra nhân lực, xe tăng, xe thiết giáp… rồi truyền thông tin đó về chốt chỉ huy để lựa chọn thời điểm và vũ khí để tấn công mục tiêu. Thuật toán có thể phân biệt phân biệt được binh sĩ Nga bằng quân phục, vũ khí và thiết bị, thậm chí cả bằng cách di chuyển.
UAV SAKER có tầm bay tới 10km, với hệ thống dẫn đường quán tính không dựa vào hệ thống định vị GPS để định hướng. Do vậy, UAV ít bị ảnh hưởng hơn bởi hoạt động gây nhiễu điện tử của đối phương.
Báo cáo từ thực địa cho thấy, đối với những binh sĩ mới điều khiển UAV, tỷ lệ đánh trúng mục tiêu khá thấp, chỉ tầm 10%, trong khi những chiến binh giàu kinh nghiệm hơn cũng phải rất khó khăn để đạt mức 50%. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của công nghệ AI của Palantir, tỷ lệ đánh trúng đã tăng lên gần mức 80%.
Theo Forces News, gần như tất cả UAV Ukraine dùng để chỉ thị mục tiêu cho pháo binh đều dùng AI này. Phần mềm của Palantir được thiết kế để đối chiếu dữ liệu thu thập từ nhiều nguồn, bao gồm tình báo con người, UAV, radar, hình ảnh quét nhiệt… và do vậy có khả năng phát hiện chuyển động trên chiến trường và nơi những khẩu pháo điểm hỏa. AI của Palantir sau đó xử lý những dữ liệu trên và cung cấp nhiều phương án mục tiêu cho chỉ huy lựa chọn.
(Tổng hợp)
>>Nga ngăn quân Ukraine xâm nhập thêm vào Kursk, phương Tây gửi 50 tỷ USD cho Kiev
Nga ngăn quân Ukraine xâm nhập thêm vào Kursk, phương Tây gửi 50 tỷ USD cho Kiev
Tổng thống Vladimir Putin: Nga sẵn sàng cho một ‘thỏa hiệp hợp lý’ với Ukraine