Sau hơn chục năm hoạt động theo kiểu "sống lay lắt", CTCP Thép Sông Hồng đang làm thủ tục giải thể.
Theo dữ liệu mới nhất trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, CTCP Thép Sông Hồng - đơn vị thành viên của Tổng CTCP Sông Hồng (UpCOM: SHG) - đang tiến hành các thủ tục để giải thể.
Điều này đồng nghĩa với việc hơn 100 tỷ đồng vốn góp của Tổng Công ty Sông Hồng vào doanh nghiệp sản xuất thép này có nguy cơ mất trắng.
Theo tìm hiểu, Công ty Thép Sông Hồng tiền thân là Nhà máy cán thép Sông Hồng được đầu tư mới tại Khu công nghiệp Bạch Hạc, phường Bạch Hạc, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư từ tháng 5/2002.
Sự việc Công ty Thép Sông Hồng tiến hành giải thể được nhiều người dự báo từ trước khi đã hơn chục năm qua, hoạt động kinh doanh của đơn vị này không đạt được như kỳ vọng, thậm chí là nhiều nhân sự dính vòng lao lý.
Năm 2005, doanh nghiệp ra đời và thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận và thực hiện Dự án Nhà máy cán thép Sông Hồng (Phú Thọ), tổ chức sản xuất kinh doanh; quản lý và phát triển vốn đầu tư có hiệu quả. Ở thời điểm thành lập, Thép Sông Hồng có vốn điều lệ 80 tỉ đồng.
Năm 2009, Thép Sông Hồng ghi nhận sản lượng sản xuất 81.500 tấn, doanh thu 724 tỷ đồng. Sản lượng sản xuất, tiêu thụ nhảy vọt vào năm 2010 qua đó ghi nhận doanh thu 1.439 tỷ đồng. Dù vậy, ở thời điểm cuối năm 2010, Thép Sông Hồng ghi nhận lỗ sau thuế lên tới 132,5 tỷ đồng.
Đáng chú ý, vào tháng 10/2011, những sai phạm kinh tế ở Thép Sông Hồng bị phát hiện. Một loạt nhân sự của Thép Sông Hồng bị cơ quan chức năng khởi tố sau đó.
Câu chuyện của Thép Sông Hồng bắt đầu từ việc tái cơ cấu kém hiệu quả. Năm 2015, xuất hiện trên báo cáo của Tổng Công ty Sông Hồng, Thép Sông Hồng đã tăng vốn điều lệ lên thành 310 tỷ đồng. Khi đó, CTCP Đầu tư Phát triển Việt Thành (Việt Thành) đã tham gia vào tái cấu trúc Thép Sông Hồng cho ra đời sản phẩm mới là thép Shinkanto.
Bà Trần Thị Huệ Chi - Chủ tịch HĐQT Việt Thành - sau đó trở thành người đứng đầu và đại diện pháp luật Thép Sông Hồng.
Tuy nhiên, sau khi tiến hành tái cơ cấu, hoạt động của Thép Sông Hồng cũng không mấy khả quan. Tới năm 2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ đã liên tiếp phải ra các văn bản thông báo về nợ thuế và chậm nộp tiền phạt của đơn vị này. Cơ quan chức năng xác định những vi phạm này thuộc trường hợp sẽ phải thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Theo cập nhật đến cuối quý II/2020, tổng tài sản của Thép Sông Hồng đạt hơn 344 tỷ nhưng vay nợ quá hạn lên tới 420 tỷ đồng. Tài sản lớn nhất của nhà sản xuất thép này chính là khu đất hơn 10 ha tại phường Bạch Hạc, TP. Việt Trì.
Doanh nghiệp lớn - Tư duy nhỏ
Sự việc giải thể Thép Sông Hồng cho thấy nhiều vấn đề cần nhìn nhận khi sử dụng vốn tại Tổng CTCP Sông Hồng. Cho đến thời điểm hiện tại, CTCP Thép Sông Hồng vẫn bị coi là một thất bại trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
Theo báo cáo tài chính của Tổng Công ty Sông Hồng, khoản đầu tư vào Thép Sông Hồng có giá gốc 102 tỷ đồng và công ty đã phải trích lập dự phòng với toàn bộ khoản đầu tư này.
Về phần mình, Tổng CTCP Sông Hồng từng là doanh nghiệp với quy mô tài sản hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của tổng công ty này liên tục lao dốc.
Từ quy mô tài sản trên 3.000 tỷ đồng, doanh thu thuần gần 3.300 tỷ đồng trước năm 2011, tổng tài sản công ty đã giảm mạnh về mức hơn 1.000 tỷ đồng và doanh thu chỉ còn vài chục tỷ đồng trong những năm gần đây.
Cùng với đó, tổng công ty này cũng thua lỗ liên tục từ năm 2015 đến nay với số lỗ lũy kế đến tháng 6/2021 lên tới 1.056 tỷ đồng - cao gấp 4 lần vốn điều lệ.
Ở thời điểm hiện tại, cổ phiếu của doanh nghiệp này là SHG hiện đang giao dịch tại vùng giá "trà đá" - tương đương 3.500 đồng/cổ phiếu. Đáng nói mã hiện vẫn đang nằm trong diện cổ phiếu hạn chế giao dịch do tổ chức đăng ký giao dịch chậm công bố thông tin quá 45 ngày so với thời hạn quy định chung và không có biện pháp khắc phục.