Thói quen ngồi nhiều tưởng chừng vô hại này lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng.
Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, với nhịp sống hối hả và áp lực công việc cao, việc ngồi nhiều trong thời gian dài đã trở thành thói quen phổ biến đối với nhiều người, đặc biệt là dân văn phòng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, thói quen tưởng chừng vô hại này lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng.
Nghiên cứu khoa học về tác hại của việc ngồi nhiều
Năm 2022, một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí JAMA Cardiology bởi các nhà khoa học Trung Quốc và Canada đã thu hút nhiều sự chú ý. Nghiên cứu này khảo sát mối liên hệ giữa thời gian ngồi và nguy cơ tử vong, mắc bệnh tim mạch ở hơn 100.000 người trưởng thành từ 21 quốc gia.
Trong thời gian theo dõi trung bình là 11 năm, quá trình nghiên cứu đã xảy ra tổng cộng 6233 trường hợp tử vong và 5696 trường hợp mắc bệnh tim mạch (CVD). Trong số đó, so với những người ngồi ít hơn 4 giờ mỗi ngày và mức độ hoạt động thể chất cao, những người ngồi hơn 6h/ngày có nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân và tử vong do tim mạch tăng đáng kể lên 12% -13%; và những người ngồi hơn 8h/ngày, nguy cơ sẽ tăng lên mức đáng kinh ngạc là 20%.
Kết luận của nghiên cứu này đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc ngồi lâu và nguy cơ tử vong.
Dưới đây là 5 tác hại của việc ngồi lâu đối với sức khoẻ:
Ngồi lâu dễ sinh ra cục máu đông
Ngồi lâu là nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ hình thành cục máu đông, đặc biệt ở phần chi dưới. Lý do là bởi chi dưới nằm ở vị trí xa tim nhất, do đó, máu cần di chuyển ngược chiều lực hấp dẫn để về tim, khiến lưu thông máu ở phần này vốn đã gặp khó khăn hơn so với các bộ phận khác. Khi ngồi lâu, phần chi dưới thường không được vận động nhiều, dẫn đến lưu thông máu càng trở nên trì trệ.
Nguy cơ hình thành cục máu đông cao hơn ở những người mắc các bệnh lý mãn tính như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, thận,... bởi những bệnh lý này thường dẫn đến tình trạng xơ vữa động mạch, khiến lòng mạch hẹp lại và cản trở lưu thông máu.
Cục máu đông một khi hình thành có thể di chuyển theo dòng máu đến các cơ quan khác, đặc biệt là phổi, dẫn đến tình trạng thuyên tắc phổi - một biến chứng nguy hiểm có thể gây tử vong.
Người ngồi lâu dễ bị béo phì
Nếu một người luôn ngồi nhiều và không thích vận động, theo thời gian họ sẽ trở nên lười biếng và cân nặng cũng khó kiểm soát.
Khi béo phì, nguy cơ mắc các bệnh khác nhau, đặc biệt là tiểu đường và tim mạch, sẽ tăng cao.
Ngồi lâu dễ gây ra các bệnh hậu môn trực tràng
Đối với những người ngồi lâu, khoang chậu dễ bị tắc nghẽn, dễ gây ra các bệnh về hậu môn trực tràng, chẳng hạn như bệnh trĩ.
Ngồi lâu cũng sẽ khiến nhu động của đường tiêu hóa chậm lại. Một khi nhu động của đường tiêu hóa chậm lại, không những sẽ gặp vấn đề về tiêu hóa thức ăn mà còn dễ xảy ra tình trạng táo bón.
Ngồi lâu dễ gây tổn thương não
Nhiều người sẽ cảm thấy mệt mỏi sau khi ngồi lâu, đặc biệt là muốn ngủ và luôn ngáp liên tục. Nguyên nhân rất đơn giản là bởi hi ngồi lâu, máu lưu thông chậm lại, não dễ bị thiếu máu cục bộ, dẫn đến tình trạng thiếu oxy, từ đó gây mệt mỏi, phản ứng não chậm chạp, thiếu tập trung, buồn ngủ,… Một khi những triệu chứng này xuất hiện, đây là khi bạn nên đứng dậy và giãn cơ.
Ngồi lâu dễ gây tổn thương cột sống thắt lưng
Nếu chúng ta ngồi quá lâu sẽ dễ tạo ra một áp lực nhất định lên cột sống thắt lưng, lâu dần sẽ dễ gây ra chứng thoát vị đĩa đệm thắt lưng.
Như chúng ta đã biết, ngồi nhiều tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe. Dù ở nhà hay nơi làm việc, hãy ghi nhớ và hạn chế tối đa thời gian ngồi liên tục.
Nhiều người có cảm giác càng ngồi càng lười, càng mệt, càng không muốn đứng dậy. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn cần vận động, dù chỉ là thay đổi tư thế. Hãy thử đứng dậy, đi lại hoặc tập một vài động tác đơn giản để cảm nhận sự khác biệt.
Lời khuyên để bảo vệ sức khoẻ khi phải ngồi nhiều:
- Hạn chế ngồi liên tục, nên đứng dậy và di chuyển ít nhất 30 phút mỗi lần.
- Tập thể dục thường xuyên: Ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần.
- Chọn lựa tư thế ngồi phù hợp: Giữ lưng thẳng, vai thả lỏng, hai chân đặt phẳng trên sàn.
- Sử dụng bàn đứng: Giúp giảm thời gian ngồi, tăng cường vận động.
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh.
Hãy nhớ rằng, vận động thường xuyên và hạn chế ngồi lâu là chìa khóa để bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nguồn: Sohu