Một tỉnh sẽ lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm sau vừa ghi nhận rung lắc vì động đất 3,3 độ
Người dân địa phương này đã cảm nhận được sự rung lắc bất ngờ khi động đất xuất hiện.
Sáng ngày 8/9, theo thông tin từ ông Đặng Văn Hòa - Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, địa phương này đã xảy ra một trận động đất. Theo đó, Viện Vật lý địa cầu khẳng định vào lúc 6 giờ 40 phút sáng nay, ngay sau khi bão Yagi gây ảnh hưởng đến các tỉnh phía Bắc, một trận động đất đã xảy ra tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhiều người dân cũng cảm nhận rõ sự rung lắc của mặt đất vào thời điểm động đất xảy ra.
Mặc dù tâm chấn nằm ở huyện A Lưới, trận động đất với cường độ 3,3 độ Richter, độ sâu 8km vẫn khiến nhiều người dân ở các khu vực khác của tỉnh Thừa Thiên Huế cảm nhận rõ rệt những rung chuyển. Tuy nhiên, theo ông Hòa, trận động đất này không gây ra thiệt hại đáng kể.
Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ Online, anh Ngô Vĩnh (trú Ngự Bình, thành phố Huế) cho biết: "Rung chấn kéo dài khoảng vài giây rồi dừng lại nhưng cảm nhận rõ lắm. Tường nhà và đồ đạc rung lên, di chuyển khỏi vị trí ban đầu". Tuy nhiên, trận động đất này có rung chấn nhẹ hơn trận động đất xảy ra vào trưa ngày 28/7.
Trước đó, vào buổi sáng và trưa ngày 28/7, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã hứng chịu một chuỗi 4 trận động đất liên tiếp, với cường độ tăng dần lên đến 5.0 độ Richter, gây ra những rung lắc mạnh. Không chỉ địa phận tỉnh Kon Tum, nhiều tỉnh Tây Nguyên và miền Trung như Gia Lai, Đắk Lắk, Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế... đều cảm nhận rõ sự rung lắc.
Động đất là hiện tượng rung lắc của Trái Đất, gây ra bởi sự giải phóng đột ngột năng lượng bên trong lòng đất. Năng lượng này thường tích tụ do các hoạt động địa chất như sự dịch chuyển của các mảng kiến tạo. Việt Nam nằm trong khu vực có hoạt động địa chất khá phức tạp, do đó nguy cơ xảy ra động đất là hoàn toàn có thể. Mặc dù nước ta không thường xuyên xảy ra những trận động đất lớn gây thiệt hại nghiêm trọng như một số quốc gia khác nhưng người dân các địa phương cũng cần chủ động, bình tĩnh ứng phó khi động đất xảy ra.
Theo quy hoạch, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025. Đến năm 2030, tỉnh này sẽ là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam và là một trong những trung tâm lớn về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á.
Sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, địa phương sẽ có 9 đơn vị hành chính (cấp huyện) trực thuộc.