Sống

Một tỉnh Việt Nam sở hữu tài nguyên là "linh hồn" của các con chip, được cả thế giới săn lùng, mỏ lớn nhất trữ lượng lên tới 5 triệu tấn oxit

Quỳnh Như 06/10/2023 18:06

Đất hiếm được ví như "linh hồn" của các con chip, thứ không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại - đang được cả thế giới đặc biệt quan tâm.

Theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ, trữ lượng và tài nguyên đất hiếm ở Việt Nam đạt khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc nhưng phần lớn vẫn chưa được khai thác hiệu quả.

Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết, đất hiếm gồm 17 loại vật chất có từ tính và tính điện hóa đặc biệt. Đây là một loại khoáng sản đặc biệt, nguyên tố đất hiếm có vai trò rất quan trọng và là vật liệu chiến lược đối với sự phát triển của các ngành kỹ thuật mũi nhọn, công nghệ cao như điện, điện tử, quang học, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang.

Bên cạnh đó, đất hiếm được dùng để sản xuất các chất xúc tác, nam châm, hợp kim, bột mài, gốm, chất phát quang. Việc chế tạo các máy điện thoại di động, ổ đĩa cứng máy tính... không thể không dùng đất hiếm.

dat-hiem-02-123503_c2c1e.jpg
Ảnh: Bộ Công thương.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đất hiếm tại Việt Nam phân bố chủ yếu ở vùng Tây Bắc. Khu vực này có những mỏ đất hiếm như Đông Pao, Nam Nậm Xe, Bắc Nậm Xe, Yên Phú đã được thăm dò và xác định giá trị kinh tế. Khu vực Tây Bắc tồn tại rất phong phú các đá magma kiềm, á kiềm giàu các nguyên tố đất hiếm, đây là các điều kiện thuận lợi để hình thành các mỏ đất hiếm.

Các mỏ đất hiếm gốc tập trung ở Lai Châu, Lào Cai hay Yên Bái. Riêng địa bàn tỉnh Lai Châu ghi nhận có 4 mỏ, điểm khoáng sản đất hiếm bao gồm: mỏ đất hiếm Đông Pao (xã Bản Hon, huyện Tam Đường), mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Thèn Thầu (xã Nậm Xe và xã Bản Lang, huyện Phong Thổ).

Trong đó, mỏ đất hiếm kiểu quặng gốc ở Đông Pao, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu có trữ lượng lớn nhất cả nước, có thể khai thác theo quy mô công nghiệp.

Mỏ Đông Pao rộng hơn 132 ha, cách thị trấn Tam Đường, tỉnh Lai Châu, khoảng 10 km. Mỏ có trữ lượng khoảng 5 triệu tấn oxit, thân quặng chính là F3 và F7, một loại quặng quý hiếm rất cần trong chế tạo công nghệ điện tử.

Tháng 12/2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho CTCP Đất hiếm Lai Châu (Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam) cùng đối tác Nhật Bản khai thác mỏ Đông Pao. Trữ lượng được cấp phép là đất hiếm (TR2O3) khoảng 1,1 triệu tấn, Barit (BaSO4) khoảng 4,2 triệu tấn và Fluorit (CaF2) khoảng 6 triệu tấn. Tuy nhiên, quá trình khai thác những năm qua gặp nhiều trở ngại từ công nghệ cho đến cơ chế.

dat-hiem.jpg
Một mỏ khai thác đất hiếm. Ảnh: Báo Thanh niên.

Sau gần 10 năm cấp phép, mỏ Đông Pao dự kiến được khai thác trở lại. Theo đó, CTCP Đất hiếm Lai Châu sẽ phối hợp với Công ty Blackstone Minerals để khai thác, quản lý vận hành mỏ theo tiêu chuẩn quốc tế với chứng chỉ môi trường của châu Âu. Việc này không chỉ giúp đáp ứng các yêu cầu về môi trường, con người mà còn đảm bảo cung cấp các sản phẩm theo tiêu chuẩn cho các công ty toàn cầu.

Ngoài Đông Pao, còn có mỏ đất hiếm ở xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái nhưng trữ lượng ít hơn. Bên cạnh đó, còn có mỏ đất hiếm dạng hấp phụ ion ở xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Hơn nữa, nhiều mỏ đất hiếm được tìm thấy ở Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Nghệ An, Kon Tum, Lâm Đồng...

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, dù tiềm năng lớn nhưng mức độ khai thác ở Việt Nam còn rất hạn chế và nhỏ lẻ. Với công nghệ hiện tại, Việt Nam mới chỉ có thể xuất thô đất hiếm chứ chưa phân tách nguyên tố trong đất hiếm hay tiến hành gia công để có được đất hiếm tinh chế.

Ngoài ra, khái thác đất hiếm còn có nguy cơ gây tổn hại cho môi trường bởi trong đất hiếm có các nguyên tố phóng xạ, khá nguy hiểm cho nhân công và môi trường xung quanh.

Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt tháng 7/2023, dự tính tổng sản lượng đạt hơn 2 triệu tấn quặng mỗi năm, hai mỏ được chú trọng khai thác là Đông Pao (Lai Châu) và Yên Phú (Yên Bái).

Bên cạnh đó, căn cứ tình hình thực tế, đầu tư mở rộng nâng công suất các dự án đã có, tập trung chế biến sâu các kim loại đất hiếm. Tổng các oxit đất hiếm (TREO) đạt từ 40.000 - 80.000 tấn/năm; đất hiếm riêng rẽ (REO) đạt từ 40.000 - 80.000 tấn/năm. Đầu tư mới nhà máy luyện kim đất hiếm, địa điểm nhà máy đầu tư lựa chọn với tổng công suất các kim loại đất hiếm từ 7.500 - 10.000 tấn/năm.

Soi "sức khỏe" tài chính của doanh nghiệp sở hữu mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam

'Ông lớn’ Trung Quốc âm thầm gom 200.000 con chip của Nvidia, ‘đốt tiền’ nuôi tham vọng dẫn đầu làn sóng AI

Amazon phát triển siêu máy tính AI khổng lồ, sử dụng hàng trăm nghìn con chip do chính hãng phát triển thay vì NVIDIA

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/mot-tinh-viet-nam-so-huu-tai-nguyen-la-linh-hon-cua-cac-con-chip-duoc-ca-the-gioi-san-lung-mo-lon-nhat-tru-luong-len-toi-5-trieu-tan-oxit-204326.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Một tỉnh Việt Nam sở hữu tài nguyên là "linh hồn" của các con chip, được cả thế giới săn lùng, mỏ lớn nhất trữ lượng lên tới 5 triệu tấn oxit
    POWERED BY ONECMS & INTECH