Soi "sức khỏe" tài chính của doanh nghiệp sở hữu mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam
Với ưu thế sở hữu mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam rộng hơn 132ha, liệu doanh nghiệp có tận dụng được lợi thế để thu lợi "khủng"?
Nguồn: Baotainguyenmoitruong.vn
Theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ, Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên đất hiếm vô cùng lớn với trữ lượng khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới. Đất hiếm là nguồn tài nguyên cực kỳ quan trọng cho nhiều ngành công nghiệp như sản xuất thiết bị điện tử, pin, nam châm mạnh, đèn LED…
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết dù tiềm năng lớn nhưng mức độ khai thác ở Việt Nam còn rất hạn chế và nhỏ lẻ. Với công nghệ hiện tại, Việt Nam mới chỉ có thể xuất thô đất hiếm chứ chưa phân tách nguyên tố trong đất hiếm hay tiến hành gia công để có được đất hiếm tinh chế.
Hiện nay, mỏ đất hiếm có trữ lượng lớn nhất cả nước là mỏ Đông Pao, ở xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Mỏ Đông Pao là các dãy núi liền kề rộng hơn 132ha, tổng trữ lượng địa chất quy khô trên 11,3 triệu tấn.
Mỏ thuộc quản lý và khai thác CTCP Đất hiếm Lai Châu – Vimico (Lavreco)
Doanh nghiệp được thành lập vào 2008 với sự tham gia của 6 cổ đông, vốn điều lệ 350 tỷ đồng. Trong đó, đơn vị thành viên Tập đoàn công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) - Tổng công ty Khoáng sản – TKV (HNX: KSV) nắm quyền chi phối với tỷ lệ sở hữu 55% vốn (192,5 tỷ đồng).
Mỏ đất hiếm Đông Pao đã được cấp phép nhưng chưa đủ điều kiện để khai thác do khó khăn về thị trường, công nghệ chế biến, thu xếp tài chính…
Cụ thể, Lavreco đã triển khai lập dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác, chế biến quặng đất hiếm mỏ Đông Pao với 3 dự án thành phần là dự án đầu tư xây dựng khai thác. Chế biến quặng đất hiếm mỏ Đông Pao, phần mỏ tuyển đã được UBND tỉnh Lai Châu cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2013 và được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác năm 2014; dự án nhà máy thủy luyện đất hiếm Đông Pao Lai Châu và dự án nhà máy tách chiết đất hiếm Đông Pao Hải Phòng đã được Bộ Công Thương thẩm định năm 2012. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 4.159 tỷ đồng.
Vào năm 2012, Lavreco cùng Tổng công ty Khoáng sản - TKV đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác khai thác - chế biến đất hiếm với Công ty phát triển đất hiếm Đông Pao Nhật Bản.
Tuy nhiên, sau đó đối tác Nhật Bản lại dừng hợp tác dẫn đến công ty không có được nguồn vốn đầu tư và công nghệ chế biến đất hiếm từ Nhật Bản. Đến nay, công ty chưa tìm được đối tác nào đủ điều kiện theo yêu cầu của cơ quan nhà nước nên dự án không triển khai theo đúng tiến độ đề ra.
Chính vì vậy, dù được thành lập từ 2008 nhưng Đất hiếm Lai Châu -Vimico vẫn chưa thể tạo ra doanh thu, lợi nhuận ổn định. Theo số liệu KSV công bố, đến năm 2020, Lavreco mới bắt đầu có doanh thu 16,5 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1,35 triệu đồng. Sang năm 2021, doanh thu tăng lên 56,8 tỷ đồng và lợi nhuận 11,6 triệu đồng.
Tuy nhiên, năm 2022 doanh thu giảm về 240 triệu đồng và không ghi nhận lợi nhuận. Đồng thời, mặc dù vốn điều lệ đăng ký 350 tỷ đồng, riêng Tổng công ty Khoáng sản góp 192,5 tỷ đồng, song tính đến cuối 2022, tổng công ty mới góp hơn 148 tỷ đồng.
Trong năm 2022 và 2023, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành nhiều chủ trương, quyết sách liên quan đến việc khai thác đất hiếm. Trong đó Quyết định số 866/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hiệu lực ngày 18/7/2023 xác định đến năm 2030, Việt Nam sẽ khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai/năm. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp đất hiếm triển khai công tác đầu tư khai thác mỏ.
Do vậy, Đất hiếm Lai Châu – Vimico, trong nhiệm kỳ 2022 - 2025, đặt mục tiêu nhanh chóng hoàn thành việc tìm kiếm đối tác hợp tác khai thác, chế biến mỏ đất hiếm Đông Pao, đồng thời phấn đấu là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực công nghiệp khác thác chế biến đất hiếm của Việt Nam.
Người chống lưng để Đất hiếm Lai Châu – Vimico thành công thâu tóm mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam là ai?
Nguồn: Stockbiz.vn
Theo tìm hiểu, Hưng Hải Group tham gia góp 70 tỷ đồng, sở hữu 20% vốn của CTCP Đất hiếm Lai Châu - Vimico (Lavreco) - thành viên của Tổng công ty Khoáng sản (Vinacomin).
CTCP Tập đoàn Hưng Hải (Hưng Hải Group) được thành lập vào tháng 12/2008, hoạt động đầu tư kinh doanh tích cực tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai.
Tính tới tháng 10/2016, quy mô vốn của Hưng Hải Group đạt 200 tỷ đồng. Trong đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hưng Hải Group là ông Trần Đình Hải góp 190 tỷ đồng, sở hữu 95% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại chia đều cho 2 cổ đông cá nhân là ông Vũ Quang Trường và bà Trần Thị Hiền. Vị trí Tổng Giám đốc của Hưng Hải Group hiện do ông Đào Hùng Cường đảm nhiệm.
Tập đoàn của ông Trần Đình Hải kinh doanh đầu tư vào nhiều dự án trong các lĩnh vực khai thác mỏ, xây dựng cầu đường và thủy điện. Vị thế của Hưng Hải Group phần nào được khẳng định khi tập đoàn này được UBND tỉnh Lai Châu lựa chọn là đối tác chiến lược, chỉ định thực hiện nhiều dự án thủy điện lớn tại địa phương.
Khai thác những mỏ lớn
Trong lĩnh vực khai thác mỏ, Hưng Hải Group được biết đến là đơn vị quản lý, khai thác mỏ đất hiếm Nam và Bắc Nậm Xe (Lai Châu).
Hưng Hải Group và ông Trần Đình Hải tham gia góp vốn, nắm tỷ lệ chi phối tại nhiều doanh nghiệp hoạt động khai thác quặng kim loại quý hiếm, nổi bật là CTCP Khai thác và Chế biến đất hiếm Nậm Xe hay CTCP Đất hiếm Tây Bắc.
Với việc sở hữu 20% vốn của CTCP Đất hiếm Lai Châu - Vimico (Lavreco) – chủ sở hữu mỏ đất hiếm 132ha, Hưng Hải Group đã ít nhiều góp mặt trong cả 3 mỏ đất hiểm lớn nhất cả nước.
“Đại gia” năng lượng
Bên cạnh khoáng sản, Hưng Hải Group cũng là chủ đầu tư của nhiều dự án thủy điện như: Thủy điện Nậm Củm 4 (Hưng Hải Group thoái vốn khỏi doanh nghiệp dự án vào năm 2017), Thủy điện Tả Páo Hồ, Thủy điện Nậm Na 2, Thủy điện Nậm Na 3 (Lai Châu), Thủ điện Suối Chăn (Lào Cai), Thủy điện Sông Mã 3 (Điện Biên).
Ở nhiều dự án thủy điện, tập đoàn này vướng không ít lùm xùm về việc “chiếm dụng” dự án để tận thu khoáng sản, khai thác tài nguyên rừng.
Được biết, Hưng Hải Group còn sở hữu dự án điện gió có công suất 600 MW, tổng vốn đầu tư 21.000 tỷ đồng tại Gia Lai. Bên cạnh đó, tập đoàn còn là chủ đầu tư cụm 5 dự án điện mặt trời Lộc Ninh (Bình Phước), có tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng.
Hưng Hải Group còn được Bình Phước chỉ định thực hiện dự án công trình đường dây và trạm biến áp 220 kV đấu nối các nhà máy điện mặt trời trên địa bàn huyện Lộc Ninh vào hệ thống điện lưới quốc gia.