Công nghệ

Hành trình gian nan của một con chip: Phải 'vượt biên' 70 lần mới tới tay người dùng Mỹ

Gia Bảo 09/06/2025 22:46

Dù Mỹ nỗ lực đưa ngành sản xuất chip về nước, hành trình phức tạp qua hơn 70 lần vượt biên và nhiều quốc gia cho thấy giấc mơ này còn đầy thách thức.

Trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ ngày càng căng thẳng, đặc biệt với sự trỗi dậy mạnh mẽ từ Trung Quốc, nước Mỹ đang nỗ lực giành lại vị thế trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Tuy nhiên, giấc mộng “đưa chip về nhà” – tức là sản xuất chip hoàn toàn tại Mỹ đang vấp phải nhiều thách thức khổng lồ.

Một con chip tưởng chừng nhỏ bé, nhưng lại có hành trình cực kỳ phức tạp, đi qua ít nhất 6 quốc gia và phải vượt biên giới tới hơn 70 lần trước khi đến tay người dùng cuối. Điều này không chỉ cho thấy độ phức tạp đáng kinh ngạc của ngành công nghiệp bán dẫn mà còn phản ánh những rào cản mà bất kỳ quốc gia nào cũng khó có thể tự mình vượt qua nếu muốn tự chủ hoàn toàn.

Hành trình gian nan của một con chip: Phải 'vượt biên' 70 lần mới tới tay người dùng Mỹ
Nước Mỹ đang nỗ lực giành lại vị thế trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu

Ví dụ điển hình là hành trình của một con chip sử dụng vật liệu cacbua silic được sản xuất tại New Hampshire, Mỹ. Mặc dù công đoạn cuối cùng là lắp ráp và đóng gói được thực hiện trên đất Mỹ, nhưng toàn bộ nguyên liệu và quy trình trung gian lại rải rác khắp toàn cầu. Nguyên liệu thô như silic và các hợp chất tinh khiết được khai thác hoặc sản xuất từ Na Uy và Đức, sau đó được gửi sang Đài Loan để chế tác thành tấm bán dẫn.

Những tấm này lại tiếp tục được đưa sang Cộng hòa Séc và Hàn Quốc để gia công bước tiếp theo. Kế đó, chúng phải tới Trung Quốc, Malaysia và Việt Nam để lắp ráp, kiểm định chất lượng, đóng gói, rồi mới quay lại các trung tâm logistics như Singapore để phân phối tới các hãng ô tô hoặc nhà sản xuất thiết bị điện tử. Tất cả chỉ để sản xuất một con chip có thể được sử dụng trong xe hơi, thiết bị gia dụng hoặc các hệ thống AI tiên tiến.

Thực tế cho thấy, vào thập niên 1990, Mỹ từng chiếm 37% thị phần sản xuất chip toàn cầu, nhưng hiện nay con số đó chỉ còn khoảng 12%. Ngay cả khi được bơm hơn 50 tỷ USD thông qua đạo luật CHIPS, mục tiêu đến năm 2030 cũng chỉ kỳ vọng đạt mức 13–14%. Nếu không thành công, thị phần của Mỹ thậm chí có thể còn rơi xuống dưới 10%. Điều này cho thấy không chỉ cần tiền, mà Mỹ còn cần thời gian, nhân lực, và sự hợp tác toàn cầu nếu thực sự muốn thay đổi cục diện.

Một trong những nguyên nhân chính khiến Mỹ khó khăn trong việc tự sản xuất chip là chi phí quá cao. Việc xây dựng nhà máy bán dẫn ở Mỹ đắt hơn 30–50% so với các quốc gia châu Á do tiền lương, chi phí nguyên vật liệu, quy định về môi trường và các vấn đề hành chính phức tạp. Thêm vào đó là tình trạng thiếu hụt kỹ sư chất lượng cao. Các nhà máy sản xuất chip hiện đại cần hàng nghìn kỹ sư giỏi về vật liệu, hóa học, cơ khí chính xác và phần mềm điều khiển, trong khi Mỹ đang đối mặt với sự thiếu hụt nguồn lực này nghiêm trọng.

Về phía các doanh nghiệp, ngay cả những tập đoàn công nghệ lớn như Apple, Nvidia hay Tesla cũng phải phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Dù Mỹ muốn tự chủ sản xuất chip, nhưng về mặt kinh tế, các công ty vẫn có lý do chính đáng để tiếp tục hợp tác với đối tác tại châu Á – nơi có sẵn hạ tầng, nhân lực và kinh nghiệm tích lũy nhiều thập niên.

Tình hình này không chỉ phản ánh giới hạn của chiến lược “nội địa hóa công nghệ” mà còn cho thấy tầm quan trọng của sự kết nối toàn cầu. Một hệ sinh thái bán dẫn là thứ không thể xây dựng chỉ trong vài năm. Nó đòi hỏi tầm nhìn chiến lược kéo dài hàng thập kỷ, chính sách giáo dục phù hợp để đào tạo nhân lực, và sự phối hợp giữa nhà nước và khối tư nhân nhằm thu hút đầu tư và đổi mới sáng tạo.

>> Nhà máy chip tỷ đô ở Mỹ có nguy cơ ‘đổ bể’ vì thuế nhập khẩu, TSMC lên tiếng cảnh báo

Tham vọng chip bán dẫn của Trung Quốc tiếp tục vấp trở ngại

Ông trùm ngành chip ngã ngựa, Huawei âm thầm 'mở cõi': Bức tranh mới của ngành bán dẫn châu Á trước sức ép từ Mỹ

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/hanh-trinh-gian-nan-cua-mot-con-chip-phai-vuot-bien-70-lan-moi-toi-tay-nguoi-dung-my-292334.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đọc thêm
    Hành trình gian nan của một con chip: Phải 'vượt biên' 70 lần mới tới tay người dùng Mỹ
    POWERED BY ONECMS & INTECH