Xã này hiện đang là ngã ba quan trọng kết nối giao thông 3 tỉnh Hà Nam, Hưng Yên và Thái Bình.
Xã Chân Lý nằm ở phía Bắc của huyện Lý Nhân (Hà Nam), bên bờ sông Hồng, có vị trí giáp hai tỉnh là Thái Bình ở phía Đông và Hưng Yên ở phía Bắc. Theo quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, nơi đây sẽ là nơi giao nhau của 2 tuyến cao tốc là cao tốc 16 (Thái Bình, vành đai 5 thủ đô, Hưng Yên) và cao tốc 39 (đường vành đai 5 Hà Nội).
Hiện trên địa phận xã Chân Lý có đến 2 cầu vượt sông là cầu Thái Hà (BOT) nối Hà Nam với Thái Bình và cầu Hưng Hà (ODA) nối Hà Nam với Hưng Yên, hai cầu chỉ cách nhau khoảng 3 km. Vì thế, xã Chân Lý đang là ngã ba quan trọng kết nối giao thông 3 tỉnh: Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình. Trong đó, có 2 tỉnh đã được quy hoạch trở thành thành phố trực thuộc Trung ương từ năm 2037 đến năm 2050 là Hà Nam và Hưng Yên.
Với mục tiêu kết nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình hướng tới từng bước hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông của hai tỉnh, năm 2014 Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt dự án đầu tư cầu Thái Hà vượt sông Hồng. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng và được thực hiện theo hình thức BOT.
Tháng 10/2016 dự án xây dựng công trình cầu Thái Hà hoàn thành có chiều dài 2,8km, trong đó khoảng 700m là đường dẫn và cầu dài 2,1km với 4 làn xe: 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp. Cầu Thái Hà bắt đầu khai thác, thu phí từ tháng 2/2019.
Để thu phí hoàn vốn, BOT cầu Thái Hà đã lập trạm thu phí dự án phía đầu cầu trên địa phận tỉnh Thái Bình. Thời gian thu phí là 19 năm 3 tháng.
Tuy nhiên kể từ ngày dự án được thu phí chính thức tháng 2/2019 đến nay, lượng xe qua trạm BOT cầu Thái Hà không cao. Đến năm 2022, trạm mới chỉ đạt doanh thu 12% so với kế hoạch.
Nguyên nhân khiến cầu Thái Hà gặp tình trạng này đến từ việc cách đó chỉ 3km là cầu Hưng Hà được xây dựng với mục đích tương tự. Các xe lưu thông qua cầu này không mất phí nên hầu hết tránh tuyến đường thu phí (cầu Thái Hà) để di chuyển qua cầu Hưng Hà sang Hưng Yên và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Cầu Hưng Hà nằm tại phía Bắc xã Chân Lý được hoàn thành vào tháng 9/2018, có chiều dài toàn tuyến khoảng 6,2km trong đó đoạn đường dẫn khoảng 4 km và cầu dài 2,1km. Cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông dự ứng lực với 41 nhịp. Trong đó, kết cấu nhịp chính được thiết kế dầm hộp liên tục bằng bê tông cốt thép dự ứng lực thi công theo phương pháp đúc hẫng cân bằng, kết cấu nhịp dẫn dùng dầm Super-T.
>> Tỉnh nhiều lần 'tách - nhập' nhất cả nước sắp có thêm loạt khu công nghiệp quy mô 3.200ha
Dự án xây dựng cầu Hưng Hà có tổng mức đầu tư hơn 2.900 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA của Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) là 117 triệu USD (tương đương gần 2.500 tỷ đồng) và đối ứng của chính phủ là hơn 400 tỷ đồng.
Cầu có chiều rộng 22,5m với 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ. Bề rộng mặt đường cơ giới 14m; bề rộng làn xe thô sơ 6m. Dải phân cách giữa và dải an toàn 1,5m. Đồng thời, dải phân cách giữa và ven cầu được lắp phản quang cùng hệ thống đèn chiếu sáng.
Cầu Hưng Hà có vị trí quan trọng khi cùng cùng tuyến đường nối giữa 2 cao tốc (Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình) được đưa vào khai thác đã rút ngắn khoảng cách từ thành phố Hưng Yên sang thành phố Phủ Lý (Hà Nam) từ 30km xuống còn 20km.
Đồng thời, việc kết nối giữa hai cao tốc này còn giảm áp lực giao thông cho Hà Nội khi xe không phải đi từ Hà Nam lên cửa ngõ phía nam của Hà Nội, rồi vòng ra cầu Thanh Trì để đi vào đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hay quốc lộ 5.
Hơn 98% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất TP. HCM hoạt động trở lại
Thái Nguyên đón dự án hơn 11.000 tỷ từ tập đoàn năng lượng Trung Quốc