Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2022 đang đến, nhiều nhóm ngành sẽ tăng trưởng chậm lại

25-09-2022 17:58|Trần Trung

Công ty Chứng khoán MBS nhận định, bắt đầu từ tuần 26 - 30/9/2022), thị trường chứng khoán sẽ đón nhận các thông tin vĩ mô và báo cáo kết quả kinh doanh quý III của những doanh nghiệp đầu tiên.

Kết tuần giao dịch từ 19 - 23/9/2022, trong bối cảnh Fed thông báo tăng lãi suất 0,75% lần thứ 3 liên tiếp, thị trường chứng khoán toàn cầu đều sụt giảm mạnh. Trong nước, VN-Index giảm 30,75 điểm xuống 1.203,28 điểm; HNX-Index cũng giảm 8,44 điểm xuống 264,44 điểm.

Công ty Chứng khoán MBS nhận định, bắt đầu từ tuần 26 - 30/9/2022), thị trường chứng khoán sẽ đón nhận các thông tin vĩ mô và báo cáo kết quả kinh doanh quý III của những doanh nghiệp đầu tiên.

Nhìn lại tăng trưởng lợi nhuận các nhóm ngành trong quý III/2021

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán VNDirect tại thời điểm đầu tháng 11/2021 với 717 công ty niêm yết trên 3 sàn (chiếm 86% giá trị vốn hóa thị trường), lợi nhuận ròng toàn thị trường ước tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2020 bất chấp các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt trong quý này - nhất là khu vực phía Nam.

Tuy nhiên, mức này hiện thấp hơn so con số tăng trưởng 92% trong quý I/2021 và 72,3% trong quý II/2021.

Lợi nhuận ròng quý III/2021 của các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán gây bất ngờ khi tăng 17,8% giữa "mùa" giãn cách xã hội

Lợi nhuận ròng quý III/2021 của các công ty niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) khả quan hơn với mức tăng 22,6% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp thuộc VN30 và nhóm vốn hóa lớn ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận lần lượt 21,3% và
20,2% so với cùng kỳ - vượt trội so với nhóm vốn hóa trung bình (tăng trưởng 12,2%) và vốn hóa nhỏ (giảm 24%).

Lũy kế 9 tháng năm 2021, lợi nhuận ròng toàn thị trường ước tính tăng mạnh 54,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Đi vào từng nhóm ngành, VNDirect cho biết, các doanh nghiệp thép hưởng lợi từ cả sản lượng tăng và giá bán bình quân cao hơn khi ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận 17,2% YoY. Với các doanh nghiệp dịch vụ tài chính (chủ yếu là các công ty chứng khoán), lợi nhuận quý III/2021 tăng 119,3% so với cùng kỳ trong bối cảnh thị trường chứng khoán tăng mạnh cả về điểm số lẫn thanh khoản.

Trong khi đó, lợi nhuận quý III/2021 của ngành ngân hàng giảm tốc với chỉ 13,1% tăng trưởng so với cùng kỳ và mức tăng tăng 79%, 34,3% so với 2 quý trước đó do ảnh hưởng bởi tăng trưởng tín dụng chậm lại và việc tăng trích lập dự phòng.

tang-truong.png

Lợi nhuận ngành bất động sản chỉ tăng 6% so với cùng kỳ - thấp hơn so với mức 96% trong quý II/2021 và 18% trong quý III/2020.

Do các biện pháp đóng cửa và hạn chế di chuyển trong tháng 8 và 9, ngành đồ uống, ô tô, bán lẻ, vận tải ghi nhận sự sụt giảm lợi nhuận ròng nặng nề trong quý III/2021 với mức giảm lần lượt 65%, 54%, 53% và 18% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, các ngành khác ghi nhận lợi nhuận suy giảm bao gồm xây dựng và vật liệu (giảm 32% so với cùng kỳ), khai khoáng (giảm 37% so với cùng kỳ).

Nhóm ngành thực phẩm ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận quý III/2021 hồi phục 5,1% so với cùng kỳ trong bối cảnh các doanh nghiệp trong nhóm ngành này chịu tác động trái chiều từ xu hướng tăng giá hàng hóa.

Chờ đợi những màn lội ngược dòng của nhiều nhóm ngành trong quý III/2022

Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê hồi thường tuần tháng 7/2022, đưa ra dự báo trong quý III/2022, có tới 85% doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tốt hơn và giữ ổn định.

Theo đó, có 49,2% doanh nghiệp nhận định sản xuất kinh doanh tốt hơn và 35,8% doanh nghiệp nhận định giữ ổn định, tỷ lệ doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn giảm xuống còn 15%.

Nhận định về các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý III/2022, Tổng Cục Thống kê cho biết, chỉ số cân bằng đơn đặt hàng mới quý III/2022 so với quý II/2022 là 31,1% (44,9% doanh nghiệp dự báo tăng và 13,8% doanh nghiệp dự báo giảm); khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có chỉ số cân bằng đạt cao nhất với 31,6%; khu vực doanh nghiệp FDI 30,8% và khu vực doanh nghiệp nhà nước 26,4%.

Chỉ số cân bằng tồn kho thành phẩm quý III/2022 so với quý II/2022 là -12,6% (16,9% tăng, 29,5% giảm); khu vực doanh nghiệp FDI có chỉ số cân bằng đạt cao nhất với -5,6%; khu vực doanh nghiệp nhà nước -15,2% và khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước -15,4%.

Giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm quý III/2022 so với quý II/2022, có 94,7% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên (32,8% tăng, 61,9% giữ nguyên), 5,3% doanh nghiệp dự báo giảm.

thep.jpg

Tổng Cục Thống kê nhấn mạnh, mặc dù, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã phục hồi sau đại dịch COVID-19, nhu cầu sản xuất, xây dựng tăng cao tuy nhiên do Trung Quốc giảm dần sản lượng sản xuất, xuất khẩu thép khiến nguồn cung sắt, thép toàn cầu sụt giảm làm cho giá sắt, thép trong nước liên tục bị đẩy lên cao.

Bên cạnh đó, giá xăng, dầu tăng dẫn đến giá các nguyên vật liệu khác dùng cho xây dựng cũng tăng như xi măng, cát, sỏi,... đã tác động trực tiếp đến giá thành xây dựng các công trình, dự án đã ký kết.

Cùng với đó, các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng đang đứng trước nguy cơ phải tự bù lỗ khi giá nguyên vật liệu tăng đối với các hợp đồng đã ký.

Thứ nhất, Chính phủ cần quyết liệt và kịp thời hơn nữa để bình ổn giá nguyên vật liệu đầu vào cho ngành xây dựng để các doanh nghiệp ổn định thi công.

Thứ hai, hướng dẫn thực hiện điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh giá hợp đồng do ảnh hưởng biến động giá vật liệu đối với các dự án đang triển khai theo quy định của pháp luật, đặc biệt với các công trình giao thông để đảm bảo đúng tiến độ.

Thứ ba, đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng để bàn giao cho các doanh nghiệp thi công.

Thứ tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn thông qua các thủ tục vay vốn ngân hàng thuận lợi, nhanh chóng; bổ sung vốn kịp thời cho các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước, hạn chế tình trạng nợ đọng thanh toán cho các công trình làm ảnh hưởng đến vòng quay vốn của doanh nghiệp.

Dự báo tăng trưởng các nhóm ngành

Dựa vào thống kê tăng trưởng lợi nhuận quý III/2021 cũng như những đánh giá sơ bộ từ số liệu Tổng Cục Thống kê mới đây, có thể nhấn mạnh một số vấn đề cho mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2022 tới đây như:

- Tăng trưởng lợi nhuận của nhóm ngân hàng sẽ tiếp tục lạc quan khi kết quả điều tra của NHNN về xu hướng kinh doanh quý III/2022 cho thấy các ngân hàng đều kỳ vọng tín dụng và lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng tốt trong khi mặt bằng lãi suất chỉ tăng nhẹ.

bat-za.png

- Tăng trưởng lợi nhuận của nhóm chứng khoán nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm tốc sau thắng lớn trong quý III/2021 bởi thị trường chứng khoán đã liên tục gặp khó trong 2 quý trở lại đây, VN-Index tiếp tục lình xình vùng 1.200 - 1.300 điểm với tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trong môi trường đầu tư có nhiều yếu tố tác động bất lợi.

- Tăng trưởng lợi nhuận của nhóm thép sẽ đi xuống bởi quý III/2021 chính là đỉnh cao lợi nhuận của nhóm này. Sau giai đoạn nêu trên, lợi nhuận của doanh nghiệp thép bắt đầu tụt áp trước áp lực từ giá thép tăng nóng, tồn kho lớn và chi phí lãi vay không lồ.

- Tăng trưởng của các nhóm hóa chất, phân bón cũng sẽ tụt áp do lợi nhuận các doanh nghiệp nhóm này đã tạo đỉnh trong nửa cuối năm 2021.

- Các nhóm đồ uống, ô tô, bán lẻ, vận tải sẽ ghi nhận tín hiệu tích cực trong quý III/2022 trong bối cảnh bình thường mới sau khống chế được dịch COVID-19.

- Tăng trưởng của nhóm doanh nghiệp xây dựng sẽ chậm lại dưới tác động của diễn biến giá nguyên vật liệu cũng như mùa thấp điểm trong khi nhóm bất động sản sẽ gặp khó trước hệ quả của việc siết cung tín dụng và các quy định về huy động vốn qua phát hành trái phiếu.

Vừa 'phá đảo' thành tích năm 2023, 'đại gia' dầu khí báo thu về hơn 200 tỷ trong quý I/2024

Chứng khoán SHS báo lãi quý I gấp gần 8 lần, thắng lớn nhờ hai cổ phiếu bán lẻ

KQKD nhóm chứng khoán quý I/2024: Hầu hết lãi tăng bằng lần, quán quân lộ diện, CTCK liên quan đến Vạn Thịnh Phát có lãi trở lại

Bài thuộc chủ đề Xây dựng
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2022 đang đến, nhiều nhóm ngành sẽ tăng trưởng chậm lại
POWERED BY ONECMS & INTECH