Dự án Lô B – Ô Môn được kỳ vọng sẽ có những chuyển biến trong nửa đầu năm 2023, đây sẽ là thông tin có tác động lớn đến giá PVS.
Dầu khí, điện, nước đang được các công ty chứng khoán đánh giá là những nhóm ngành đang có xu hướng khoẻ hơn thị trường. Với kết quả kinh doanh tích cực trong quý 4/2022 và tiềm năng tăng trưởng năm 2023, cổ phiếu PVS của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam - PTSC hiện đang có mặt trong danh mục ưa thích của nhiều công ty chứng khoán.
Nguồn: MAS |
Cụ thể, quý 4/2022, PVS ghi nhận 5.331 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 16% so với cùng kỳ (CK), biên lãi gộp đạt 6,1% cải thiện so với mức 5,3% CK đã giúp công ty ghi nhận 326 tỷ đồng lãi gộp (+25% CK), PVS còn ghi nhận thêm lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết hơn 134 tỷ đồng, gấp nhiều lần con số 651 triệu đồng cùng kỳ. Các yếu tố trên đã giúp PVS ghi nhận LNST hơn 325 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ và cao nhất kể từ quý 2/2019 (15 quý).
Theo Chứng khoán Mirae Asset (MAS), giai đoạn 2020 – 2022 có thể là vùng trũng về lợi nhuận của PVS khi các hợp đồng lớn trong giai đoạn này (Gallaf 3, SHWE) được ký với giá dầu ở vùng 60 – 65 USD/ thùng kèm theo đó là giá thép ở vùng cao ảnh hưởng đến biên lãi gộp của doanh nghiệp. Biên lãi gộp giai đoạn này ở mức 3,9 – 5,5%, trong khi đó quý 4/2022 nhờ yếu tố giá thép giảm mạnh, biên lãi gộp của PVS đã cải thiện lên mức 6,1%.
Kỳ vọng giá dầu Brent duy trì mức trên 80 USD/ thùng kèm theo sự hạ nhiệt của giá thép, MAS dự phóng biên lãi gộp của PVS sẽ cải thiện lên mức 5,7% giúp lợi nhuận PVS tăng trưởng.
Bên cạnh đó, MAS kỳ vọng PVS sẽ tiếp tục thực hiện các dự án hiện tại (Gallaf Batch 3, Shwe Jacket Phase 3, Hai Long OSS, và các dự án khác trên đất liền). Triển vọng khâu thượng nguồn được mong đợi khả quan hơn trong năm 2023 có thể sẽ giúp PVS có thêm những hợp đồng xây lắp. Ngoài ra dự án Lô B – Ô Môn được kỳ vọng sẽ có những chuyển biến trong nửa đầu năm 2023, đây sẽ là thông tin có tác động lớn đến giá PVS.
Về tiềm lực tài chính, PVS có hơn 5.250 tỷ đồng tiền và tương đương tiền cùng với hơn 4.800 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn, trong khi đó tổng nợ vay ngắn và dài hạn là hơn 1.375 tỷ đồng, mức tiền ròng đạt 8.675 tỷ đồng tương ứng trên 75% vốn hóa công ty.
Dự phóng PVS 2023 |
Đối với năm 2023, MAS dự phóng PVS sẽ đạt 17.275 tỷ đồng doanh thu (+5,2%) và 1.067 tỷ đồng LNST (+38%), theo đó EPS và BV lần lượt đạt 2.233 đ/cp và 28.293 đ/cp.
Kết phiên 10/2, cổ phiếu PVS giảm 2,46% xuống còn 23.800 đồng/cp. MAS đánh giá PVS đang ở mức định giá hấp dẫn với 1 doanh nghiệp đầu ngành và đang có LNST tăng trưởng trở lại và cho rằng PVS sẽ đạt mức giá 1 lần BV, giá mục tiêu sẽ ở mức 28.300 đ/cp, tương ứng tỷ lệ sinh lời đạt 19%.
Về phía Chứng khoán Bản Việt (VCSC), công ty chứng khoán này mới đây đã nâng khuyến nghị từ khả quan lên mua cổ phiếu PVS với giá mục tiêu 30.600 đồng/cp, tương ứng mức sinh lời 28%.
Theo dự báo của Công ty tư vấn quản trị Mckinseyo, công suất điện gió ngoài khơi lắp đặt toàn cầu sẽ tăng từ 40 GW trong năm 2020 lên 630 GW trong năm 2050. Đáng chú ý, McKinsey kỳ vọng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sẽ có tiềm năng tăng trưởng điện gió lớn nhất trong dài hạn với công suất điện gió ngoài khơi tăng 37 lần đạt 410 GW vào năm 2050.
Từ dự báo trên, VCSC cho rằng PVS – nhà thầu dầu khí ngoài khơi nổi tiếng tại Châu Á với các dịch vụ trọn gói – có tiềm năng lớn trong việc giành được các hợp đồng điện gió ngoài khơi.
Mặt khác, PVS là công ty hưởng lợi trực tiếp từ Quy hoạch Điện (PDP) VIII. VCSC kỳ vọng PDP VIII sẽ được phê duyệt trong năm 2023. Dự thảo tháng 11/2022 đạt mục tiêu nâng công suất điện gió thêm 53 lần trong giai đoạn 2020-2030 (cao hơn khoảng 30% so với dự thảo tháng 11/2021).
Vậy nên, VCSC có quan điểm tích cực đối với triển vọng của PVS với các cơ hội việc làm lớn trong ngắn hạn từ các dự án điện gió ngoài khơi nước ngoài. Trong khi đó, các dự án điện gió ngoài khơi trong nước sẽ là động lực dẫn dắt tăng trưởng dài hạn của PVS.
VCSC dự phóng tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của PVS giai đoạn 2022-2025 khoảng 20%, được hỗ trợ bởi mảng cơ khí và xây lắp (M&C) cuối năm 2022 dự phóng đạt khoảng 4.8 tỷ USD và lợi nhuận ổn định từ FSO/FPSO.
Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp mảng M&C của PVS đang được cải thiện. Cụ thể, biên lợi nhuận gộp mảng M&C tăng lên 3% trong quý 4/2022 so với 0,5% trong 9 tháng 2022.
VCSC giả định biên lợi nhuận gộp năm 2023 của PVS sẽ tăng lên 2% từ mức 1,4% trong năm 2022 do PVS chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi (dù công tác M&C điện gió ngoài khơi đơn giản hơn M&C dầu khí).
Dù vậy, VCSC dự phóng biên lợi nhuận gộp PVS sẽ phục hồi đạt 4%-4,5% từ năm 2024 cùng với danh tiếng vốn có của PVS cũng như kinh nghiệm trong thị trường điện gió ngoài khơi, và kỳ vọng sự cạnh tranh thấp trong bối cảnh ít đối thủ cạnh tranh trong thị trường tương đối mới này.
Yếu tố hỗ trợ bao gồm chốt giá thuê ngày dài hạn cho FPSO Ruby II và Lam Sơn; tiến độ dự án Lô B nhanh hơn dự kiến.
Tuy nhiên, rủi ro có thể tới từ tiến độ/công bố các dự án M&C chậm hơn dự kiến.
Nguồn: MAS |
Về mặt kỹ thuật, PVS đã vượt ngưỡng MA 20 ngày giúp xu hướng ngắn hạn chuyển sang tăng điểm. Theo MAS, nhà đầu tư có thể cân nhắc mua vào tại vùng 23.800 – 24.100 nơi hội tụ các chỉ báo MA 10, MA 20 và MA 200 ngày. Kháng cự ngắn hạn là 25.800, điểm cắt lỗ ở 23.000.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) phân tích vào phiên ngày 8/2, PVS tạo nến nến hammer bật nảy cùng với nến tăng điểm tích cực trong phiên ngày 9/2 báo hiệu cho nhịp phục hồi ngắn.
Diễn biến cổ phiếu PVS |
Tại khung đồ thị giờ, 2 chỉ báo quan trọng là MACD và RSI đồng loạt cho tín hiệu phân kỳ dương.
Chỉ báo sức mạnh xu hướng DI+ cũng cho tín hiệu tích cực trở lại khi đang có xu hướng vượt lên trên 20.
Tại khung đồ thị ngày, các chỉ báo mới tạo 1 đỉnh nên xác suất xuất PVS sẽ có nhịp phục hồi ngắn trước khi có rủi ro hình thành 2 đỉnh phân kỳ âm. Kháng cự PVS đang phải đối mặt trong ngắn hạn xung quanh vùng điểm từ 25,5 – 26.
Bài viết được thực hiện dựa trên nguồn thông tin đáng tin cậy vào thời điểm công bố, chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin, không mang tính chất mời chào mua hay bán bất kỳ chứng khoán nào.