Giá xăng liên tục leo cao sau mỗi kỳ điều chỉnh trong thời gian qua đã kéo theo giá nhiều loại hàng hóa tăng mạnh. Dù trong chính sách tài khóa mà Chính phủ sử dụng để hỗ trợ nền kinh tế hồi phục đã giảm 2% thuế VAT nhưng có vẻ như mức giảm này đang khó bù lại mức tăng giá trên.
Ngày 11/01/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, có việc giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%); trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ.
Theo ước tính của Bộ Tài chính, giảm thuế VAT sẽ làm thu ngân sách Nhà nước năm 2022 hụt khoảng gồm 49,400 tỷ đồng nhưng đây là biện pháp hữu hiệu giúp kích cầu kinh tế phục hồi sau dịch bệnh.
Tuy nhiên, trái với kỳ vọng này, thực tế khi áp dụng đã gây phát sinh những trường hợp không theo lý thuyết. Đó là tình trạng mập mờ trong thanh toán sản phẩm có áp dụng thuế VAT, thậm chí có nơi trên hóa đơn hàng hóa đã được tính phí VAT 8% nhưng giá trị khách hàng phải thanh toán vẫn giữ nguyên như khi áp dụng mức VAT 10%.
Như vậy, giá sản phẩm trước thuế ở đây đã được đẩy lên. Cuối cùng, không phải người tiêu dùng mà chính doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế.
Hiện nay, Việt Nam đang áp dụng thời gian điều chỉnh giá xăng theo Nghị định 95/2021 (sửa đổi bổ sung Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu). Tức, giá bán lẻ xăng, dầu trong nước được điều chỉnh theo chu kỳ 10 ngày một lần (mỗi tháng điều chỉnh ba lần) thay vì 15 ngày như trước.
Ghi nhận kể từ khi áp dụng chu kỳ điều chỉnh trên, giá xăng trong nước liên tục leo cao. Đặc biệt, mức giá càng không có dấu hiệu hạ nhiệt do căng thẳng giữa Nga và Ukraine vẫn đang leo thang.
Theo quyết định điều chỉnh của liên Bộ Tài chính - Công Thương vào chiều 1/3, đến nay, giá xăng RON 95 duy trì tăng 540 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 550 đồng/lít; Dầu tăng 273-936 đồng/lít so với giá bán hiện hành.
Sau khi điều chỉnh, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 không cao hơn 26.070 đồng/lít; Xăng RON 95 không cao hơn 26.830 đồng/lít. Cả hai loại xăng E5 RON 92 và giá xăng RON 95 đã phá "đỉnh" lịch sử từ trước đến nay.
Giá dầu diesel tăng 510 đồng/lít, lên mức 21.310 đồng/lít; Dầu hoả tăng từ 19.500 đồng/lít lên mức 19.970 đồng/lít (tăng 470 đồng/lít).
Tăng theo cùng giá xăng dầu, giá các loại hàng hóa như: Vật liệu xây dựng, lúa gạo, cà phê… đã bật tăng gấp nhiều lần so với trước đó.
Ước tính của Tổng Cục Thống kê, GDP Việt Nam có thể giảm 0,5 điểm phần trăm nếu giá xăng dầu tăng 10%. Đối với năm 2022, nếu giá xăng dầu tăng bình quân 30-40%, GDP cả năm sẽ giảm khoảng 1,2-1,5 điểm %.
Nhìn nhận ở góc độ vĩ mô có thể thấy, mức giảm thuế VAT dường như không đủ để bù lại mức giá hàng hóa đang tăng theo giá xăng.
Theo nghiên cứu của TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, giá xăng tăng sẽ làm giảm hiệu quả của chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội 2022 - 2023 mà Chính phủ đang triển khai (nhất là chính sách tài khóa cắt giảm 2% thuế VAT nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và giảm áp lực lạm phát, khiến giảm thu ngân sách, mục tiêu tăng trưởng khó khăn hơn trong khi lạm phát vẫn tăng cao).
TS. Đinh Thế Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng đánh giá, việc giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% là một trong những biện pháp bắt buộc Chính phủ phải hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, cần nhìn nhận đây là gói hỗ trợ ngắn hạn đáp ứng tính cấp thiết trong hoàn cảnh chốt ban hành.
“Việc giá xăng càng tăng, người dân, doanh nghiệp tất cả đều chịu thiệt, Chính phủ không cần nghĩ đến ngân sách nào khác đề bù đắp cho giá xăng tăng như gói hỗ trợ kích thích kinh tế cho doanh nghiệp mà chỉ cần tạm thời không thu một số chi phí gắn vào giá xăng bán lẻ, giúp cho giá xăng đưa về mức hợp lý là đủ.
Nhưng lưu ý phải làm nhanh và trước mắt có thể chỉ cần đưa ra trong kế hoạch 3 tháng tới. Đây là điều cần thiết để giá xăng hạ nhiệt, đảm bảo được kế hoạch hỗ trơ nền kinh tế của Chính phủ. Còn hiện tại, giảm thuế VAT về 8% vẫn chưa tương xứng, vẫn chưa nhận diện được việc kiềm giữ giá xăng để phát triển kinh tế”, TS. Đinh Thế Hiển nêu.
Được biết, trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu hiện nay, mỗi lít xăng, dầu đang gánh các loại thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt (xăng RON 95 là 10%, E5 RON 92 là 8%), thuế nhập khẩu 8%, thuế bảo vệ môi trường (BVMT) 3.800 - 4.000 đồng với xăng, 2.000 đồng với dầu, thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%.
Giá xăng dầu hôm nay 14/12: lấy lại đà tăng
VietinBank (CTG) sẽ bán tài sản đảm bảo cho khoản nợ nghìn tỷ của đại gia xăng dầu Trung Linh Phát