Nhiều đại gia Việt có mức thu nhập "gây choáng", lên tới hàng tỷ đồng/tháng.
Mới đây, báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022 của CTCP Vincom Retail (Mã: VRE) tiết lộ, lương thưởng, thù lao và các phúc lợi khác của bà Trần Mai Hoa - Tổng Giám đốc Vincom Retail năm 2022 là 11,7 tỷ đồng. Như vậy, tính trung bình, mỗi tháng bà Hoa được VRE trả 976 triệu đồng.
So với con số hơn 8,8 tỷ đồng của năm 2021, thu nhập của bà Hoa tại VRE năm qua tăng thêm gần 2,9 tỷ đồng.
Trong báo cáo tài chính năm 2022 của CTCP Sữa Việt Nam (Mã: VNM) ghi nhận bà Mai Kiều Liên đảm nhận làm thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Với 2 cương vị chủ chốt của VNM, bà Liên ước nhận thù lao trong năm 2022 tổng cộng hơn gần 6,5 tỷ đồng.
Theo đó, vai trò Thành viên HĐQT bà Liên nhận thù lao hơn 2 tỷ đồng/năm, trong khi ở cương vị Tổng giám đốc bà nhận 366 triệu đồng/tháng. Tính trung ở hai cương vị, bà Liên mỗi tháng nhận hơn 538 triệu đồng.
Theo báo cáo tài chính quý 4/2022 của CTCP cơ điện lạnh REE (Mã: REE), lương và thù lao của bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT được trả trong quý 4 là 1,1 tỷ đồng. Như vậy, mỗi tháng bà Thanh nhận trung bình 367 triệu đồng.
Trước đó, mức lương của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo được công bố cũng khiến nhiều người bất ngờ. Theo báo cáo hợp nhất quý 3/2022, CTCP Hàng không Vietjet (Vietjet Air) chi tổng lương, thù lao cho các thành viên HĐQT trong kỳ là 1,5 tỷ đồng; chi cho ban Tổng Giám đốc và Kế toán trưởng là 3,5 tỷ đồng.
Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo vừa là Phó Chủ tịch thường trực HĐQT, vừa là Tổng Giám đốc Vietjet. Như vậy, ước tính bà Thảo có thể nhận lương, thù lao trung bình khoảng 221 triệu đồng/tháng.
Mức thu nhập năm nay của bà Thảo đã giảm đáng kể so với các năm trước. Chẳng hạn như năm 2018, mức thu nhập từ công việc lãnh đạo của bà Thảo ước đạt gần 5,9 tỷ đồng, tương đương 489 triệu đồng/tháng.
Theo báo cáo được CTCP Hoàng Anh Gia Lai (Mã: HAG) công bố vào đầu năm 2021, mức lương ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) nhận về là 2,3 tỷ đồng một năm, trung bình mỗi tháng là 195 triệu đồng. Con số này đã giảm đi rất nhiều so với những năm trước đó.
Bên cạnh những tỷ phú thu về mức lương "khủng", lên tới hàng tỷ đồng thì cũng có những trường hợp đặc biệt khi ghi nhận được mức lương 0 đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất sau soát xét thì HĐQT của Tập đoàn Hòa Phát, bao gồm ông Trần Đình Long không nhận thù lao trong nửa đầu năm 2022. Trong khi năm 2021, các thành viên HĐQT nhận tổng thù lao 117,8 tỷ đồng.
Với 7 thành viên thì tỷ phú Trần Đình Long và mỗi thành viên HĐQT của Hòa Phát sẽ nhận được mức thù lao 16,83 tỷ đồng/năm, tương ứng với khoản thù lao 1,4 tỷ đồng/tháng.
Theo báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2022 của Vingroup và Vinhomes, tập đoàn đã chi trả thù lao cho HĐQT và ban tổng giám đốc lần lượt 24,1 tỷ đồng và 24,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Phạm Nhật Vượng và nhiều thành viên HĐQT không nhận thù lao. Ngoài ông Vượng, bà Nguyễn Diệu Linh, phó chủ tịch và ông Yoo Ji Han - thành viên HĐQT độc lập cũng nhận lương 0 đồng. Các cá nhân còn lại nhận thù lao từ mức 517 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng.
Tương tự, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan (Mã: MSN) cũng không nhận lương kể từ năm 2020 đến nay.
Một số lãnh đạo khác như ông Trương Gia Bình (Chủ tịch FPT), bà Nguyễn Thị Thanh Phượng (Chứng khoán Bản Biệt),... cũng từng nhận mức lương 0 đồng trong nhiều năm liền. Dù không nhận thù lao song trên cương vị chủ tịch, các vị lãnh đạo này vẫn nhận về hàng chục tỷ đồng tiền cổ tức mỗi năm.
Sĩ quan quân đội có thể được thưởng 8 lần mức lương cơ sở
Theo khảo sát mới nhất, 70% người lao động tại Hà Nội mong muốn mức lương từ 5-10 triệu đồng