Mục sở thị chung cư đầu tiên trên thế giới: Căn hộ đất nện ra đời từ hàng trăm năm trước chống được các loại thiên tai
Không vàng son lộng lẫy như những chung cư hiện đại nhưng sự giản dị và vững chãi khiến Thổ Lâu trở thành di sản được cả thế giới tôn vinh.
Phúc Kiến Thổ Lâu được xây dựng lần đầu vào thời Tống – Nguyên và trở nên phổ biến vào cuối thời Minh, Thanh. Hầu hết các thổ lâu ở Phúc Kiến được xây dựng từ thế kỷ XII-XX và tổng cộng có 46 thổ lâu đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 2008.
Những ngôi nhà này không chỉ là nơi ở mà còn như một pháo đài kiên cố, phản ánh sự kết hợp chức năng của chung cư và lâu đài phòng thủ. Các ngôi nhà này đều được người Khách Gia xây dựng, nằm ở vùng núi phía Đông Nam tỉnh Phúc Kiến.

Những khu nhà ở này được xem là mô hình chung cư đầu tiên trên thế giới, ra đời từ hàng trăm năm trước khi khái niệm “căn hộ” được biết đến. Khu tập thể này có thể chứa được tối đa 800 người và độ cao của các tòa có thể lên đến 4-5 tầng.
>> Miền đất nhiều chùa tháp nhất ĐBSCL sắp có tuyến đường ven biển hơn 9.000 tỷ đồng
Một điểm chung của Thổ Lâu là tầng một được sử dụng làm bếp ăn kiêm phòng khách, tầng hai là nơi dự trữ lương thực, phòng ngủ được bố trí từ tầng ba trở lên và ở phòng ngủ khác với tầng trệt đó là có những ô cửa sổ nhỏ để thoáng khí và những ô cửa đó cũng làm nhiệm vụ là những lỗ châu mai phòng thủ và tấn công lại các mối nguy hại tập kích từ bên ngoài.
Phổ Lâu có quy mô lớn nhỏ khác nhau. Có thể kể đến những thổ lâu lớn và tiêu biểu được nhiều người biết đến ở Phúc Kiến như: Thừa Khải Lâu, Vĩnh Xương Lâu, Phúc Dụ Lâu, Điền Loa Khanh...

Thổ Lâu không chỉ đơn thuần là nơi ở, mà là một cộng đồng sống hoàn chỉnh, nơi cả trăm con người sinh hoạt, làm việc, gìn giữ tập tục văn hóa và cùng nhau đối mặt với những biến động tự nhiên, xã hội. Với kiến trúc độc đáo, thường cao từ ba đến năm tầng, rộng hàng chục mét, xây dựng hoàn toàn bằng đất nện, tre, đá và gỗ, Thổ Lâu mang trong mình khả năng cách nhiệt, chống động đất và chống xâm nhập từ bên ngoài một cách tự nhiên, hiệu quả. Dù không có bê tông hay thép, những công trình này vẫn đứng vững suốt hàng trăm năm, giữa khí hậu khắc nghiệt và lịch sử đầy biến động.
Thổ Lâu Phúc Kiến là những công trình kiến trúc độc đáo, được xây dựng bằng đất nện kết hợp với các vật liệu như đá cuội, gỗ, tre nứa. Những bức tường này sẽ giúp bên trong ngôi nhà ấm áp vào mùa đông nhưng lại mát mẻ vào mùa hè. Thổ lâu thường chỉ có một cổng chính được che chắn bởi bốn cánh cửa gỗ dày từ 100-130mm, nhưng vẫn đảm bảo thông thoáng và lấy được nhiều ánh sáng tự nhiên nhất.

Bên trong những bức tường dày này là những sảnh, nhà kho, giếng và khu vực sinh hoạt, toàn bộ cấu trúc giống như một thành phố pháo đài nhỏ. Ở giữa thổ lâu thường là một sân trời có giếng nước, chỗ thờ cúng tổ tiên và là nơi tổ chức các hoạt động cộng đồng như hiếu, hỉ. Các gia đình ở trong cùng một thổ lâu thường ít có sự phân biệt về mặt địa vị xã hội hay có của cải vật chất.
Trong bối cảnh các đô thị hiện đại đang đối mặt với khủng hoảng về không gian sống, rạn vỡ kết nối cộng đồng và áp lực môi trường, mô hình Thổ Lâu mang đến một cái nhìn khác biệt: sự gắn kết giữa người với người, sự cân bằng với thiên nhiên và khả năng tự chủ nội tại. Những giá trị ấy không cũ, trái lại, đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Ngày nay, nhiều kiến trúc sư và nhà quy hoạch đô thị đã tìm về Phúc Kiến để học hỏi cách tổ chức không gian sinh hoạt cộng đồng, vận dụng thông gió tự nhiên, tối ưu hóa ánh sáng và sử dụng vật liệu bản địa thân thiện môi trường. Trong khi những cao ốc bê tông dày đặc có thể khiến con người cảm thấy xa cách nhau hơn bao giờ hết, thì Thổ Lâu với bếp lửa chung, giếng nước chung, nhịp sống hài hòa – lại gợi nhớ về một sự gần gũi nhưng thoải mái và tiện nghi.
Thổ Lâu không chỉ là chứng tích của một thời kỳ, mà còn là lời nhắc nhở về cách con người từng sống với nhau – chậm rãi, gắn bó và bền vững. Có lẽ, trong hành trình phát triển đô thị, thế giới hiện đại cần nhiều hơn những "căn hộ đất nện" như thế, không chỉ để ở, mà để sống cùng nhau.
>> Cận cảnh cầu vượt sông nối 2 tỉnh thành giàu top 3 miền Bắc 1 tháng nữa hoàn thành