Vĩ mô

Muốn tinh gọn bộ máy hiệu quả, phải có hành lang pháp lý phù hợp

Hải Giang 13/02/2025 15:39

Sáng 13/2, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Muốn tinh gọn bộ máy hiệu quả, phải có hành lang pháp lý phù hợp- Ảnh 1.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu thảo luận tại Tổ 3 - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Phát biểu thảo luận tại Tổ 3 (Bắc Giang, Đắk Nông, Nghệ An), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình nhấn mạnh, kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội đang diễn ra nhằm xem xét, giải quyết vấn đề pháp lý liên quan đến việc hình thành, sáp nhập các cơ quan, tổ chức theo tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương. Bởi việc sáp nhập các bộ, sở ngành phải bắt đầu từ luật; đòi hỏi cùng một lúc phải sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm tạo ra cơ sở pháp lý cho xây dựng, triển khai tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hợp lý, hiệu lực, hiệu quả.

Đặt lại vấn đề "tại sao phải tinh gọn", Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ, hiện nay ngân sách quốc gia đang dành tới 70% cho chi thường xuyên, bộ máy quá cồng kềnh, làm 10 đồng chỉ có 3 đồng để xây dựng phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng an ninh, còn lại 7 đồng để cho chi thường xuyên. Muốn tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đường sá, cơ sở hạ tầng mà trông cậy vào 30% thì không có cách nào khác là phải tinh gọn. Tuy nhiên, để tinh gọn hiệu quả, cần phải có hành lang pháp lý phù hợp.

"Tinh gọn đã dừng lại chưa? Quá trình tinh gọn bộ máy đến nay mới chỉ là bước đầu và chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu để tinh gọn nữa, vì thế luật có thể cũng sẽ được điều chỉnh trong thời gian tới", Phó Thủ tướng Thường trực cho biết và nhấn mạnh yêu cầu "Làm sao chúng ta phải có được bộ máy tinh gọn hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn và tiền nhân dân đóng góp để nuôi bộ máy ít nhất có thể, còn lại dành tiền cho việc phát triển kinh tế-xã hội để cải thiện đời sống cho người dân".

Trên tinh thần này, Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ: Nhiệm vụ thứ nhất mà kỳ họp bất thường đặt ra là phải tạo ra hành lang pháp lý không chỉ tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước vận hành hiệu quả mà còn thể hiện tư duy đổi mới trong xây dựng pháp luật, đó là xoá bỏ việc "không quản được thì cấm" và bảo đảm pháp luật phải thực hiện được cả 2 chức năng, đó là chức năng quản lý và chức năng kiến tạo để thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

Vấn đề thứ hai, đó là tư duy phân cấp, phân quyền mạnh mẽ nữa, nhiều hơn nữa. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình dẫn chứng: "Hôm qua chúng ta đã bàn về Luật Tổ chức Quốc hội, theo đó Quốc hội đã ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất nhiều và Quốc hội cũng ủy quyền cho Chính phủ, phân cấp phân quyền cho Chính phủ và hôm nay bàn về Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng theo tinh thần đổi mới như vậy, phải phân cấp, phân quyền cho bên dưới nhiều hơn".

Muốn tinh gọn bộ máy hiệu quả, phải có hành lang pháp lý phù hợp- Ảnh 2.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thảo luận tại Tổ 16

Mới chỉ là bước khởi đầu, còn nhiều việc phải làm

Thảo luận tại Tổ 16 (Yên Bái, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Cà Mau), Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng cho biết, cả nước đang triển khai một khối lượng công việc rất lớn để tiến hành cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị với những bước đi rất mạnh mẽ.

Theo ông Lê Minh Hưng, Nghị quyết 18 đã đề ra từ năm 2017 với những mục tiêu, nội dung, lộ trình cụ thể. Đánh giá cho thấy, việc thực hiện Nghị quyết 18 trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, với cách làm bài bản, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị. Điều này khẳng định những quyết định, bước đi của Trung ương rất chính xác dựa trên cơ sở khoa học, thực tiễn, pháp lý, chính trị.

Tuy nhiên, vẫn sẽ có một số vấn đề phát sinh. "Trung ương xác định khó khăn đến đâu thì chúng ta đối diện, xem xét, tiếp tục phối hợp xử lý", Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh.

Theo ông Lê Minh Hưng, kỳ họp Quốc hội lần này nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật theo đúng Kết luận của Trung ương để khi bộ máy mới đi vào hoạt động được liên tục, hiệu quả, chất lượng hơn và không để gián đoạn công việc.

Ông Lê Minh Hưng cũng nhấn mạnh: "Đây mới chỉ là những bước đi đầu tiên, còn rất nhiều nhiệm vụ nữa cần phải triển khai trong năm nay và trong nhiệm kỳ tới, trong đó có những nhiệm vụ phải sửa các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước để phù hợp với thực tiễn".

Theo ông Lê Minh Hưng, sau khi bộ máy mới đi vào hoạt động, các cơ quan chức năng như Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Đảng ủy Chính phủ, Đảng ủy Quốc hội sẽ tiến hành tổng rà soát, đánh giá bộ máy mới vận hành thông suốt chưa. Đồng thời, tổng rà soát biên chế từ Trung ương đến địa phương gắn chức năng nhiệm vụ mới của các cơ quan, tổ chức, gắn với việc cấp ủy và người đứng đầu các đơn vị phải đánh giá năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ theo vị trí việc làm. Từ đó rà soát biên chế để tiếp tục có quyết định mới về biên chế.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát hoàn thiện sửa đổi, bổ sung các quy định về tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, đãi ngộ cán bộ như thế nào phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…

Thảo luận tại tổ 8 (Vĩnh Long, Điện Biên, Cần Thơ, Kon Tum), đại biểu Nguyễn Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ) bày tỏ quan điểm thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Đại biểu đánh giá dự thảo có nhiều điểm mới. Trong đó đã hoàn thiện quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ với tư cách là cơ quan thực hiện quyền hành pháp trong việc xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt liên tục, dân chủ, hiện đại, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ.

Dự thảo xác định nguyên tắc chung về phân định thẩm quyền theo hướng trao quyền chủ động hơn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện quyền hành pháp, quyết định các biện pháp tổ chức thi hành pháp luật, đặc biệt trong việc chủ động linh hoạt trong phản ứng chính sách đối với các tình huống cấp bách. Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ, tập trung vào nhiệm vụ lãnh đạo công tác của Chính phủ, không giải quyết công việc cụ thể thuộc trách nhiệm Nhà nước của các bộ, ngành.

Nhiều quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng đã được dự thảo bổ sung như: Các nội dung trình Quốc hội; các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các nội dung trình Chủ tịch nước; các nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ (không quyết định các vấn đề cụ thể trong việc quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực).

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Chí Nghĩa cũng đề nghị rà soát để đồng bộ việc sửa đổi một số luật chuyên ngành có liên quan đến thẩm quyền quyết định cụ thể của Thủ tướng Chính phủ đối với các nội dung quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực sang cho bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ hoặc chính quyền địa phương, bảo đảm tính phân cấp, phân quyền và tăng trách nhiệm của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương.

>> Bộ trưởng Nội vụ chia sẻ về hai dự luật quan trọng trong sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước

Bộ trưởng Nội vụ chia sẻ về hai dự luật quan trọng trong sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước

Chưa đầy 1 tháng nữa: 17 bộ ngành theo tổ chức bộ máy mới sẽ đi vào hoạt động

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/muon-tinh-gon-bo-may-hieu-qua-phai-co-hanh-lang-phap-ly-phu-hop-102250213132416589.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Muốn tinh gọn bộ máy hiệu quả, phải có hành lang pháp lý phù hợp
    POWERED BY ONECMS & INTECH