Chưa đầy 1 tháng nữa: 17 bộ ngành theo tổ chức bộ máy mới sẽ đi vào hoạt động
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 27/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 năm 2025.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu khẩn trương hoàn thành việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy Chính phủ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước theo Nghị quyết 18-NQ/TW.
Cụ thể, các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao:
- Tổ chức thực hiện quyết liệt, bảo đảm tiến độ các công việc liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy theo kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, không để hoạt động các Bộ, cơ quan và Ủy ban nhân dân các địa phương bị gián đoạn hoặc bỏ sót công việc, nhất là công việc liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan khác.
- Theo dõi sát sao để kịp thời xử lý các vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình hợp nhất, sáp nhập các cơ quan; gắn việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ và đổi mới cách thức tổ chức công việc.
- Khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo tổ chức bộ máy mới, hoàn thành trước ngày 15/2/2025, bảo đảm đi vào hoạt động từ ngày 1/3/2025; rà soát, sửa đổi theo thẩm quyền hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến kiện toàn tổ chức bộ máy.
>>Phó Thủ tướng: Giảm 3.600 đầu mối của 'Bộ Tài chính mới', công việc phải chạy
![]() |
Ảnh minh họa - Nguồn: MA |
Trước đó, Ban chấp hành Trung ương ban hành Kết luận 121-KL/TW năm 2025 về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua phương án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy đối cơ quan Chính phủ như sau:
- Hợp nhất các bộ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính thành Bộ Tài chính; Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải thành Bộ Xây dựng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường thành Bộ Nông nghiệp và Môi trường; Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ thành Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ thành Bộ Nội vụ.
- Thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo trên cơ sở Ủy ban Dân tộc tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về tôn giáo từ Bộ Nội vụ.
- Đồng ý chủ trương tổ chức lại hệ thống thanh tra trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Thanh tra Chính phủ và hệ thống các cơ quan thanh tra địa phương, thanh tra chuyên ngành hiện nay.
- Đồng ý chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy công an địa phương theo hướng "tỉnh toàn diện; xã vững mạnh, bám cơ sở", không tổ chức công an cấp huyện. Riêng đối với những huyện đảo bố trí đồn công an (do không có đơn vị hành chính cấp xã). Thí điểm không lập tổ chức đảng ở công an quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, tổ chức bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026 sẽ được tinh gọn còn 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ gồm: Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Tư pháp; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Ngoại giao; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế; Bộ Tài chính; Bộ Xây dựng; Bộ Nông nghiệp và Môi trường; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Nội vụ; Bộ Dân tộc và Tôn giáo; Văn phòng Chính phủ; Thanh tra Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
>>Chính phủ đề xuất điều chỉnh mục tiêu GDP 2025 vượt 8%, thu nhập bình quân đạt 5.000 USD
HSBC: Việt Nam là quốc gia đối diện với rủi ro thuế quan cao nhất ASEAN
Thủ tướng: Tinh gọn thanh tra theo hướng 2 cấp Trung ương và địa phương