MWG - Cổ phiếu đắt hàng vốn ngoại

13-04-2022 11:48|Bảo Bảo

Những năm gần đây, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG) luôn trong tình trạng kín room ngoại; mỗi khi doanh nghiệp này "hở room" do phát hành ESOP, khối ngoại đều lập tức mua vào.

Thị trường chứng khoán phiên 13/4/2022 xuất hiện một loạt thỏa thuận cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động với tổng khối lượng gần 9,4 triệu đơn vị. Giá bình quân khoảng 160.000 đồng/cổ phiếu tương ứng tổng giá trị giao dịch lên đến hơn 1.500 tỷ đồng.

Theo thông tin từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), 19,2 triệu cổ phiếu MWG phát hành thêm sẽ được giao dịch bổ sung từ ngày hôm nay 13/4. Việc niêm yết bổ sung khiến room ngoại của MWG hở đúng 9,4 triệu cổ phiếu và khối ngoại đã lập tức mua vào ngay khi "hở room".

mwg.png
Diễn biến khối ngoại tại cổ phiếu MWG 1 tháng gần đây

Trước đó, tình trạng thương tự cũng xuất hiện trong phiên 22/4/2021 khi ngay từ những phút mở cửa, khối ngoại đã mua thỏa thuận 4,56 triệu cổ phiếu Thế giới di động (MWG) với mức giá trần 152.400 đồng - tương ứng tổng giá trị 694 tỷ đồng.

Giao dịch này của khối ngoại đến ngay khi MWG "hở room" do phát hành 9,31 triệu cổ phiếu ESOP. 

MWG vốn nổi tiếng là "thỏi nam châm" hút khối ngoại bậc nhất thị trường chứng khoán Việt Nam khi thường xuyên kín room ngoại 49%, thậm chí không quá nếu nói rằng "nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng mua 100% vốn tại MWG ngay trong đêm nếu được cho phép". Do đó, việc khối ngoại tranh thủ gom nhanh cổ phiếu này ngay khi vừa hở room không phải là điều qua bất ngờ.

Có thể thấy, sức hấp dẫn của MWG vẫn không hề suy giảm nhờ khả năng tăng trưởng lợi nhuận được đánh giá cao và có thể tiếp tục duy trì trong nhiều năm tới.

Năm 2022, MWG đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất đạt 140.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 6.350 tỷ đồng - tương ứng tăng 14% và 30% so với năm trước.

Kết thúc 2 tháng đầu năm, doanh thu của MWG đạt 25.383 tỷ đồng - tăng 17% và lợi nhuận sau thuế đạt 1.077 tỷ đồng - tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.

Giới đầu tư cho rằng, MWG có nhiều câu chuyện đáng chờ đợi nổi bật là phương án chào bán vốn cổ phần riêng lẻ của Bách Hóa Xanh. Tỷ lệ chào bán tối đa là 20% vốn cổ phần của Bách Hóa Xanh. Thời gian hoàn tất giao dịch dự kiến trong giai đoạn 2022 - 2023.

Mục đích sử dụng vốn là đầu tư cho trung tâm phân phối, tài sản cố định, công nghệ, đầu tư phát triển mạnh mẽ kênh bán hàng online và mở rộng chuỗi Bách Hóa Xanh ra toàn quốc. Đối tượng phát hành sẽ là những đối tác, nhà đầu tư trong khu vực hoặc trên thế giới (ngoại trừ các đối thủ cạnh tranh trực tiếp tại Việt Nam) chào mua cổ phần của Bách Hóa Xanh với định giá cao nhất.

Trước đó, MWG đã thể hiện tham vọng "đánh chiếm" thị trường Indonesia khi công bố hợp tác chiến lược với Tập đoàn Erajaya để thành lập liên doanh PT Era Blue Elektronik (Era Blue). Mục tiêu của liên doanh là phát triển chuỗi cửa hàng bán lẻ điện máy số 1 tại Indonesia và niêm yết công ty này trong 5 năm tới. Cửa hàng Era Blue đầu tiên dự kiến sẽ mở cửa phục vụ người tiêu dùng vào giữa năm 2022 tại Jakarta.

Sau gần 8 năm lên sàn, vốn hóa của nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam - Thế giới Di động đã vượt mốc 5 tỷ USD - tương ứng gần 114.200 tỷ đồng.

Trước đó, khi lên sàn vào tháng 7/2014, định giá ban đầu của công ty chỉ ở mức hơn 5.100 tỷ đồng.

Hợp tác cùng các thương hiệu Trung Quốc, Thế giới Di động (MWG) đặt mục tiêu bán 4,5 triệu smartphone trong năm 2025

Quốc hội ‘chốt’ thuốc được bán online, cơ hội nào cho cổ phiếu bán lẻ?

Bài thuộc chủ đề Dịch vụ, Bán lẻ
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/mwg-co-phieu-dat-hang-von-ngoai-124626.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    MWG - Cổ phiếu đắt hàng vốn ngoại
    POWERED BY ONECMS & INTECH