Câu chuyện đầu tư

Mỹ áp thuế 25% lên thép - nhôm: Hòa Phát (HPG) có đẩy chi phí sang người tiêu dùng để giữ biên lợi nhuận?

Quốc Trung 10/02/2025 13:15

Những năm gần đây, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long xuất khẩu hàng tỷ USD thép và các sản phẩm có liên quan ra nước ngoài.

Mỹ áp thuế 25% lên thép - nhôm: Hòa Phát (HPG) có đẩy chi phí sang người tiêu dùng để giữ biên lợi nhuận?
Ảnh minh họa

Ngày 10/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế nhập khẩu 25% đối với toàn bộ thép và nhôm vào Mỹ, đánh dấu bước leo thang lớn trong chính sách thương mại của ông trong nhiệm kỳ thứ hai. Quyết định này bổ sung vào mức thuế quan kim loại hiện có và có hiệu lực ngay lập tức.

"Nếu họ đánh thuế chúng tôi, thì chúng tôi đánh thuế họ", ông Trump tuyên bố, nhấn mạnh nguyên tắc "có đi có lại" trong chính sách thương mại.

Trong bối cảnh đó, cổ phiếu Hòa Phát (HPG) ngay lập tức chịu tác động mạnh, giảm 2,3% xuống 26.050 đồng/cp, khối lượng khớp lệnh lúc 11h06 đạt gần 23 triệu đơn vị, cao nhất toàn thị trường.

Mỹ áp thuế 25% lên thép - nhôm: Hòa Phát (HPG) có đẩy chi phí sang người tiêu dùng để giữ biên lợi nhuận?

Thương chiến Mỹ - Trung leo thang, doanh nghiệp Việt bị cuốn vào vòng xoáy?

Theo TS. Bùi Lê Minh, giảng viên Khoa Tài chính, Đại học FPT, việc Mỹ tăng thuế nhằm bảo hộ ngành thép nội địa, buộc các nước xuất khẩu lớn phải ngồi lại đàm phán. Canada, Brazil, Mexico, Hàn Quốc và Việt Nam là những đối tác xuất khẩu thép, nhôm chính vào Mỹ, do đó sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2024, Mỹ là thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Việt Nam với 1,11 triệu tấn, tăng 89% so với cùng kỳ 2023. Với mức thuế 25%, xuất khẩu thép Việt Nam chắc chắn gặp khó khăn.

Ông Nghiêm Quang Duy, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VPS, nhận định đây là động thái đáp trả của Mỹ sau khi Trung Quốc áp thuế 15% lên 14 tỷ USD hàng xuất khẩu của Mỹ. Việt Nam và EU có thể không bị ảnh hưởng ngay lập tức, nhưng nếu danh mục sản phẩm thép bị mở rộng, doanh nghiệp trong nước sẽ đối diện sức ép lớn khi 20% thị phần xuất khẩu thép của Việt Nam thuộc về Mỹ.

>> Chính sách thuế - công cụ 'mặc cả' lợi ích kinh tế thời Trump 2.0: Việt Nam ứng phó ra sao?

Hòa Phát và bài toán đối phó với rào cản thương mại

Hòa Phát – vua thép Việt Nam – đã chạm gần mốc doanh thu kỷ lục, khi đạt 138.900 tỷ đồng trong năm 2024. Tuy không thuyết minh chi tiết tỷ trọng doanh thu nội địa và xuất khẩu, báo cáo tài chính năm 2023 của tập đoàn cho thấy doanh thu xuất khẩu chiếm 28%, tương đương 34.300 tỷ đồng. Trong đó, xuất khẩu thép chiếm 1,223 tỷ USD, còn lại là sản phẩm thép (245 triệu USD) và các mặt hàng khác (11 triệu USD).

Mỹ, cùng với Thái Lan, Malaysia, là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Hòa Phát. Vì vậy, mức thuế mới có thể khiến biên lợi nhuận gộp của tập đoàn bị thu hẹp, do:

- Giá bán giảm sút khi thép Việt bị mất lợi thế cạnh tranh;

- Chi phí sản xuất tăng nhưng không thể chuyển toàn bộ sang khách hàng;

- Thị trường Mỹ thu hẹp, buộc Hòa Phát phải tìm kiếm đầu ra mới.

Mỹ áp thuế 25% lên thép - nhôm: Hòa Phát (HPG) có đẩy chi phí sang người tiêu dùng để giữ biên lợi nhuận?
Nguồn: BCTN 2023 của Tập đoàn Hòa Phát

Giải pháp khả thi nhất là đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Âu, Đông Nam Á và Trung Đông để bù đắp phần doanh thu hụt từ Mỹ. Tuy nhiên, điều này kéo theo chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng mạnh, năm 2024 đã tăng 18,8% lên 3.900 tỷ đồng.

Một trong những tác động gián tiếp từ thuế thép Mỹ là rủi ro tồn kho tăng cao. Nếu xuất khẩu sang Mỹ sụt giảm, lượng hàng chưa tiêu thụ có thể gây áp lực lên dòng tiền.

Theo báo cáo tài chính, giá trị hàng tồn kho của Hòa Phát đã tăng gần 12.000 tỷ đồng, đạt hơn 46.200 tỷ đồng trong năm 2024. Dù phần trích lập dự phòng chỉ ở mức 101 tỷ đồng, nếu nhu cầu giảm mạnh, rủi ro điều chỉnh giá trị hàng tồn kho là rất lớn.

Tóm lại, Hòa Phát có thể chịu tác động kép từ mức thuế mới của Mỹ song vẫn có thể ứng phó bằng cách tái cấu trúc thị trường xuất khẩu, tối ưu chi phí sản xuất và tăng cường đầu tư vào sản phẩm có giá trị cao.

>> Lại nóng chuyện cổ tức Hòa Phát (HPG) sau 2 năm dồn tiền cho Dung Quất 2: Một Dung Quất 3 cũng đang manh nha

Hòa Phát (HPG) dự kiến đầu tư 10.000 tỷ xây nhà máy sản xuất ray đường sắt, đảm bảo cung ứng đủ số lượng cho hàng loạt dự án

Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 25% đối với thép nhập khẩu: Việt Nam sẽ vào 'tầm ngắm', HPG, NKG và HSG gặp khó?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/my-ap-thue-25-len-thep-nhom-hoa-phat-hpg-co-day-chi-phi-sang-nguoi-tieu-dung-de-giu-bien-loi-nhuan-275492.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Mỹ áp thuế 25% lên thép - nhôm: Hòa Phát (HPG) có đẩy chi phí sang người tiêu dùng để giữ biên lợi nhuận?
    POWERED BY ONECMS & INTECH