Hòa Phát (HPG) dự kiến đầu tư 10.000 tỷ xây nhà máy sản xuất ray đường sắt, đảm bảo cung ứng đủ số lượng cho hàng loạt dự án
Ông Long cũng đề cập đến các cơ hội lớn cho doanh nghiệp từ các dự án đầu tư công trong giai đoạn 2025-2030. Đặc biệt là các dự án hạ tầng trọng điểm như đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM, cũng như dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Sáng nay, 10/2, Thường trực Chính phủ có cuộc gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) nhấn mạnh: "Tôi cho rằng mỗi doanh nghiệp đều là một tế bào của nền kinh tế, và Hòa Phát cũng không ngoại lệ. Chúng tôi cam kết trong giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030 sẽ đạt mức tăng trưởng tối thiểu 15%”.
Ông Long cho biết hiện nay, ngành thép Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, với khoảng 30 triệu tấn quặng sắt được nhập mỗi năm, chiếm tới 95% nhu cầu sản xuất.
Nhân dịp này, ông bày tỏ sự cảm ơn tới Bộ Công Thương vì đã hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình nhập khẩu nguyên liệu.
![Ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát. Nguồn ảnh: VGP/Nhật Bắc Ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát. Nguồn ảnh: VGP/Nhật Bắc](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/10/cdn1z.reatimes.vn-652356615132086272-2025-2-10-_hoa-phat-17391598871931665356111.jpg)
Đề xuất giải pháp cho nguồn cung nguyên liệu trong nước, ông Trần Đình Long kiến nghị: "Việt Nam có hai mỏ quặng lớn là mỏ Quý Sa và mỏ Thạch Khê. Trong đó, mỏ sắt Thạch Khê - nằm tại Hà Tĩnh - là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á với trữ lượng khoảng 500 triệu tấn. Tôi cho rằng cần sớm triển khai khai thác mỏ này để chủ động nguồn nguyên liệu, giảm phụ thuộc nhập khẩu và tiết kiệm ngoại tệ cho quốc gia”.
Bên cạnh đó, ông Long cũng đề cập đến các cơ hội lớn cho doanh nghiệp từ các dự án đầu tư công trong giai đoạn 2025-2030. Đặc biệt là các dự án hạ tầng trọng điểm như đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM cũng như dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Về kế hoạch phát triển, ông Trần Đình Long cho biết: "Tới đây, Hòa Phát dự kiến đầu tư 10.000 tỷ đồng để xây dựng nhà máy sản xuất ray đường sắt. Đây là một sản phẩm đặc thù, nếu không được sử dụng cho các dự án trong nước thì rất khó tìm đầu ra. Vì vậy, chúng tôi mong muốn có một văn bản hướng dẫn hoặc một nghị quyết cụ thể nhằm giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư và sản xuất phục vụ các dự án hạ tầng”.
Hòa Phát cam kết sẽ cung cấp đầy đủ thép chế tạo cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam để triển khai các dự án.
Theo dự tính, các dự án này cần khoảng 10 triệu tấn thép. Tập đoàn Hòa Phát đảm bảo cung ứng đầy đủ số lượng, đáp ứng tiến độ, chất lượng, đồng thời cam kết mức giá cạnh tranh, thấp hơn giá thép nhập khẩu.