Trần nợ công Mỹ sẽ "đóng băng", nghĩa là tạm thời bị vô hiệu hóa đến tháng 1/2025 khi ông Joe Biden hết nhiệm kỳ Tổng thống thứ nhất.
Chuỗi ngày đàm phán nới trần nợ công giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Mc Carthy đã mang lại kết quả ban đầu, tạo tiền đề giúp Chính phủ thoát cảnh đóng cửa, vỡ nợ. Tuy nhiên, vẫn còn những nghị sĩ lên án đạo luật.
Dự luật trần nợ vượt qua rào cản quan trọng, thúc đẩy cuộc bỏ phiếu cuối cùng của Hạ viện trước khi chuyển sang Thượng viện. Chỉ hai trong 9 thành viên đảng Cộng hòa phản đối trong cuộc bỏ phiếu tại Ủy ban Nội quy Hạ viện.
Đúng như các nhận định ban đầu, trần nợ công chỉ là nguyên cớ chính trị trong thời điểm Chính phủ do đảng Dân chủ lãnh đạo cần thêm tiền cho chi tiêu công. Vỡ nợ là không đáng có, và cuối cùng các phe phái đã thỏa hiệp nhìn về lợi ích chung.
Đạo luật lần này là sản phẩm của một thỏa thuận được Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy và Tổng thống Joe Biden ký kết nhằm hạn chế chi tiêu cơ bản của Liên bang trong hai năm để đổi lấy phiếu bầu của Đảng Cộng hòa nhằm nâng trần nợ sau cuộc bầu cử năm tới và đến năm 2025.
Dĩ nhiên, ông Biden phải “trả giá” không ít, một trong những điều kiện cứng là cắt giảm chi tiêu ngắn hạn, trong mục tiêu giảm 1.500 tỷ USD nợ công trong 10 năm tới.
Hạ nghị sĩ Pramila Jayapal, D-Wash., Chủ tịch Nhóm Cấp tiến của Quốc hội gồm 100 thành viên cho rằng: “giới hạn chi tiêu của dự luật sẽ yêu cầu Quốc hội giảm quy mô tài trợ cho một số chương trình trong nước”.
Chỉ có chi tiêu quốc phòng được thiết kế chi tiết, còn lại ngân sách liên bang sẽ cắt giảm cái gọi là chi tiêu ngoài quốc phòng bao gồm an ninh nội địa, quản lý rừng, nghiên cứu khoa học… cho năm tài chính 2024, và cả năm 2025.
Bên cạnh đó, các đảng viên Cộng hòa không muốn ông Biden thực hiện chính sách xóa nợ cho các khoảng vay sinh viên từ 10.000 USD đến 20.000 USD. Dự luật cũng thu lại khoảng 30 tỷ USD tiền chưa tiêu từ dự luật trợ cấp COVID-19 trước đây do ông Tổng thống thông qua.
Chính phủ Mỹ được mệnh danh là “chính phủ chi tiêu” hào phóng bậc nhất thế giới, ôm đồm hàng trăm chương trình lớn nhỏ. Bên cạnh khoản chi tất yếu trong nước, Mỹ phải duy trì chi viện trợ bên ngoài khắp thế thế giới - như công cụ chính trị ngoại giao hữu hiệu.
Lần này, trần nợ công chưa được nới ra ngoài 31.400 nghìn tỷ USD mà đôi bên thống nhất “đình chỉ trần nợ công ít nhất đến sau cuộc bầu cử 2024”. Nghĩa là con số nợ chính phủ tạm thời gác lại. Theo dự luật mới, giới hạn trần nợ sẽ được thiết lập ở bất kỳ mức nào khi việc đình chỉ kết thúc.
Như vậy, thỏa thuận chi tiêu chỉ có tác dụng nhất thời, gói gọn hết nhiệm kỳ của ông Joe Biden. Ngay sau khi bầu cử Tổng thống 2024 chọn ra người kế nhiệm tiếp theo, cuộc chiến chi tiêu công ở Mỹ chắc chắn bùng phát.
Trong lịch sử, đảng Dân chủ luôn có thiên hướng tăng kiểm soát mọi mặt đời sống xã hội, để đạt được mục đích - có nghĩa họ chi tiêu nhiều hơn, đặc biệt là an sinh xã hội, đầu tư công,… để khuếch trương quyền lực chính trị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Hoa Kỳ
Mỹ cấp 6,6 tỷ USD cho TSMC trước khi ông Donald Trump tiếp quản Nhà Trắng