Đến thời điểm hiện tại, thị trường chứng khoán vẫn còn hàng vạn nhà đầu tư chưa thể "về bờ" sau biến cố đầu năm 2022. Rất nhiều trong số này vẫn còn phân vân trong việc cắt lỗ hay quyết tâm giữ hàng để chờ ngày hòa vốn.
Sau "tấn bi kịch" hồi đầu tháng 1/2022 khi hàng loạt cổ phiếu bất động sản, nhóm cổ phiếu penny ồ ạt đáp sàn trước thông tin Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bán chui gần 75 triệu cổ phiếu cũng như thông tin Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá đất tại Thủ Thiêm, đến thời điểm hiện tại, thị trường chứng khoán vẫn còn hàng vạn nhà đầu tư vẫn chưa thể "về bờ". Rất nhiều trong số này hiện vẫn còn phân vân trong việc cắt lỗ để tái cơ cấu lại danh mục hay quyết tâm nắm giữ để chờ ngày hòa vốn.
Nhiều khuyến nghị cho rằng, ở giai đoạn hiện tại, nhà đầu tư nên gia tăng tỷ trọng ở những nhóm cổ phiếu mang tính phòng thủ, ít bị ảnh hưởng trong bối cảnh bất ổn hoặc ảnh hưởng ngược lại để giúp danh mục ổn định hơn.
Theo Giám đốc Phân tích CTCK VNDirect (VND) Trần Khánh Hiền, thời điểm này, nhà đầu tư cần chú ý hơn đến thông tin từ mùa ĐHCĐ 2022 bao gồm kế hoạch kinh doanh, chia cổ tức, tăng vốn, câu chuyện M&A,… để có thể “đãi cát tìm vàng”, nhận diện ra cơ hội đầu tư tiềm năng.
Chẳng hạn như năm 2022 được dự báo là một năm tương đối khó khăn đối với nhóm ngành ngân hàng trong bối cảnh nợ xấu tăng và biên lãi ròng (NIM) có xu hướng giảm do chi phí vốn tăng. Tuy nhiên, một số ngân hàng vẫn tự tin đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trên 30% và đây cũng là điều đáng chú ý.
Hoặc việc một doanh nghiệp ngành nhựa xây dựng đặt kế hoạch lợi nhuận tăng hơn 100% - cao hơn nhiều so với trung bình ngành do doanh nghiệp này được hưởng lợi từ hàng tồn kho giá thấp cũng là một cơ hội đầu tư tiềm năng.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK Quốc tế Việt Nam (VIS) nhận định, thị trường gần như đi ngang trong 3 tháng vừa qua nên việc tìm kiếm lợi nhuận rõ ràng sẽ không dễ dàng như giai đoạn trước. Chưa kể nhà đầu tư có thể còn bị kẹt hàng khi nắm giữ nhóm cổ phiếu tăng nóng dòng bất động sản.
Với thị trường ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư nên phân tán danh mục rủi ro và hướng trọng tâm vào nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu, hàng hóa cơ bản hưởng lợi trong ngắn hạn và một phần danh mục vào nhóm cổ phiếu phòng thủ.
Sang năm 2022, thay vì xuất hiện những nhóm ngành dẫn sóng từ 1 - vài tháng, thị trường sẽ có các nhịp sóng ngắn liên tục gối nhau. Chính vì vậy, nhà đầu tư có thể tận dụng kỹ năng lướt sóng ngắn hạn để đạt tỷ suất lợi nhuận cao hơn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng, các bất ổn ngắn hạn đang có chiều hướng giảm dần. Vì vậy, nếu dành tỷ trọng nắm giữ quá nhiều vào nhóm phòng thủ thì rất có thể sẽ khiến danh mục đầu tư tăng trưởng kém hơn so với thị trường chung.
Do đó, ông Minh khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét nắm giữ tỷ trọng 50 - 50, tức là 50% phòng thủ và 50% các cổ phiếu có Beta cao (các cổ phiếu biến động mạnh theo thị trường chung) đồng thời chưa nên sử dụng đòn bẩy cao ở giai đoạn này.