Năm 2022, dự báo xuất khẩu gạo có nhiều cơ hội bứt phá bởi nhu cầu thế giới tăng cao, chất lượng gạo Việt Nam được nhiều người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng.
Đột phá về giá và sản lượng
Theo số liệu từ Tổng Cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 1/2022 đạt 505.741 tấn với trị giá 246,02 triệu USD, tăng mạnh 45,4% về khối lượng, tăng 28,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Ngay từ những ngày đầu năm 2022, nhiều doanh nghiệp đã "mở hàng" xuất khẩu với các đơn hàng lớn, giá cao. Đây là tín hiệu vui cho thấy xuất khẩu gạo năm nay tiếp tục lạc quan.
Điển hình, ngày 6/1/2022 tại Cảng TP. HCM tàu quốc tế DONG HONG quốc tịch LYBRRIA đã bốc xếp 11.111 tấn gạo của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP. Cần Thơ) giao cho Hàn Quốc. Và mới đây, công ty này vừa XK 5 đơn hàng gạo thơm tới thị trường Đức, Malaysia, Qatar… với tổng sản lượng gần 1.000 tấn.
Bên cạnh đó, CTCP Nông sản Lộc Trời (thành viên của Tập đoàn Lộc Trời) cũng vừa hoàn tất giao đợt hàng đầu năm với khối lượng hơn 4.500 tấn, trị giá hơn 3 triệu USD cho nhiều thị trường lâu năm ở châu Âu (EU), châu Mỹ và châu Á. Lô hàng xuất khẩu gồm: gạo thơm, gạo trắng, gạo lứt và nếp - đều là sản phẩm của quá trình tổ chức sản xuất, canh tác khoa học từ hạt giống đến hạt gạo với chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn của từng thị trường.
Từ kết quả kinh doanh, xuất khẩu gạo trong tháng 1/2022 và những đợt hàng từ đầu năm đến nay, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 vẫn đảm bảo trên 6 triệu tấn, tương đương hai năm liền trước. Xuất khẩu gạo trong năm 2022 được dự báo tiếp tục duy trì thứ hạng tốt do ngành lúa gạo Việt Nam ngày càng được cải thiện về chất lượng (tỷ trọng gạo thơm tăng lên, năng suất lúa được cải thiện).
Xuất khẩu gạo sang thị trường châu Âu sẽ tăng mạnh
Theo đánh giá của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, ngay từ đầu năm, xuất khẩu gạo đã rất lạc quan, báo hiệu xuất khẩu gạo năm nay sẽ có sự bứt phá mạnh hơn bởi nhiều yếu tố hậu thuẫn có lợi cho cả doanh nghiệp và người trồng lúa. Các doanh nghiệp cũng khẳng định, xuất khẩu gạo sẽ tăng từ tháng 3/2022, khi vụ đông xuân cho thu hoạch rộ.
VFA cũng dự báo, năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU còn tăng khá. Đặc biệt, chất lượng gạo Việt Nam được cải thiện, chủ yếu là các loại gạo thơm, đánh trúng được thị hiếu của người tiêu dùng EU.
VFA phân tích, thị trường EU hứa hẹn có nhiều tiềm năng và giá bán cao bởi hỗ trợ của Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA). Theo cam kết, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm.
Cam kết này giúp Việt Nam mỗi năm có thể xuất khẩu khoảng 100.000 tấn vào EU. Đặc biệt, đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm, mở ra cơ hội để gạo Việt Nam có lợi thế để cạnh tranh với gạo của các nước khác khi xuất khẩu vào thị trường này.
Với Việt Nam, đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của mặt hàng nông sản, với kim ngạch khoảng 5,5 tỷ USD/năm. Nhưng nông sản Việt mới chiếm 4% thị phần ngành hàng nhập khẩu này của EU, riêng gạo chỉ chiếm hơn 1% thị phần. Như vậy, dư địa xuất khẩu gạo vào thị trường EU rất lớn.