Thế giới

Sắp ký hợp đồng quan trọng với Việt Nam, nền kinh tế số 1 Đông Nam Á bất ngờ điều tra 26 thương hiệu gạo lớn

Đăng Đức 15/07/2025 14:30

Indonesia đang đẩy mạnh việc làm trong sạch thị trường kinh doanh gạo trong nước khi họ sẽ sớm ký thỏa thuận về việc nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam.

Hãng thông tấn Reuters đưa tin, Việt Nam sẽ sớm ký kết một thỏa thuận với Indonesia nhằm tăng cường xuất khẩu gạo dài hạn, theo tuyên bố của Chính phủ Việt Nam vào ngày 8/7 vừa qua, sau khi xuất khẩu gạo sụt giảm mạnh trong nửa đầu năm nay.

Tuyên bố này được đưa ra chỉ vài giờ sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto bên lề Hội nghị Thượng đỉnh BRICS tại Rio de Janeiro, Brazil.

Sắp ký hợp đồng quan trọng với Việt Nam, nền kinh tế số 1 Đông Nam Á bất ngờ điều tra 26 thương hiệu gạo lớn - ảnh 1
Ngày 7/7/2025, nhân dịp dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng tại Rio de Janeiro, Brazil, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính (trái) đã có cuộc gặp với Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

>> Ngành dệt may nền kinh tế số 1 Đông Nam Á lâm nguy vì ông Trump áp thuế cao: 70.000 người thất nghiệp, mất lợi thế vào tay Việt Nam

Indonesia vốn là một trong những thị trường gạo quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên, lượng gạo giao hàng của nước ta đến nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á trong 6 tháng đầu năm 2025 đã giảm tới 97%, chỉ còn 19.000 tấn.

Việt Nam hiện là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới, chỉ xếp sau Ấn Độ và Thái Lan. Tuy nhiên, Indonesia đã cắt giảm nhập khẩu mặt hàng nông sản quan trọng bậc nhất này, một phần do tồn kho nội địa ở mức cao sau khi Chính phủ “xứ sở vạn đảo” tuyên bố đảm bảo tốt khả năng tự cung tự cấp gạo trong năm nay.

Trong khi đó, theo hãng Reuters, Chính phủ Việt Nam cho biết thỏa thuận thương mại gạo này sẽ góp phần bảo đảm xuất khẩu bền vững và lâu dài cho Việt Nam, đồng thời “đảm bảo an ninh lương thực cho Indonesia”.

Tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định sẽ chỉ đạo Bộ Công Thương Việt Nam làm việc với các cơ quan chức năng Indonesia để mở rộng thị trường cho hàng hóa hai bên.

>> Bất ngờ ngừng nhập khẩu gạo và tự cung tự cấp chỉ sau 5 tháng: Nền kinh tế số 1 Đông Nam Á vượt mặt Việt Nam như thế nào?

Trong khi đó, Cảnh sát Quốc gia Indonesia hôm 12/7 vừa qua cho biết họ đang điều tra 26 thương hiệu gạo cao cấp với cáo buộc gian lận nhãn mác và bán phá giá sau khi cơ quan này nhận được báo cáo từ Bộ trưởng Nông nghiệp Andi Amran Sulaiman.

Vụ việc do lực lượng đặc nhiệm an toàn thực phẩm xử lý, với nghi ngờ rằng các loại gạo chất lượng thấp hoặc trung bình đang được bán dưới nhãn mác “cao cấp” với mức giá cao bất hợp lý. Nhà chức trách cũng thông báo cuộc điều tra sẽ mở rộng để làm rõ các mạng lưới vi phạm thương mại liên quan.

Sắp ký hợp đồng quan trọng với Việt Nam, nền kinh tế số 1 Đông Nam Á bất ngờ điều tra 26 thương hiệu gạo lớn - ảnh 2
Một chủ cửa hàng chất các bao gạo lên kệ tại làng Seuneubok, Tây Aceh, Indonesia vào ngày 11/7/2025 - Ảnh: Antara/Syifa Yulinnas

“Hàng chục thương hiệu gạo khác cũng sẽ bị điều tra”, Thiếu tướng Helfi Assegaf, người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm về lương thực Indonesia cho biết.

Tờ Jakarta Globe cho hay, lãnh đạo của 4 công ty gạo lớn của “xứ sở vạn đảo” đã bị triệu tập để thẩm vấn liên quan đến cáo buộc bán gạo chất lượng kém, gắn nhãn sai khối lượng tịnh và định giá vượt trần do Chính phủ quy định. Các công ty này bao gồm: Wilmar Group, Food Station Tjipinang Jaya. Belitang Panen Raya và Sentosa Utama Lestari. Các thương hiệu liên quan bao gồm: Sania, Sovia, Fortune, Siip, Alfamidi Setra Pulen, Ayana, cùng nhiều nhãn hiệu khác.

>> Rót 1,25 tỷ USD mua một mặt hàng từ Mỹ, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á vẫn nhận ‘đòn bất ngờ’ từ ông Trump

Ông Helfi nhấn mạnh: “Nếu phát hiện bằng chứng tội trạng, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật hiện hành”.

Động thái của cảnh sát đã nhận được lời khen từ giới phân tích thị trường, những người cho rằng điều này sẽ góp phần khôi phục niềm tin công chúng vào nguồn cung gạo trong nước.

Ông Muhammad Makky, chuyên gia nông nghiệp từ Đại học Andalas (Palang, Tây Sumatra, Indonesia) nhận định sự vào cuộc của cảnh sát đã hỗ trợ mạnh mẽ cho chương trình an ninh lương thực của Chính phủ:

“Tôi đánh giá cao sự phối hợp giữa lực lượng đặc nhiệm về lương thực và Bộ Nông nghiệp Indonesia trong việc kiên trì chống tội phạm có tổ chức trong lĩnh vực thực phẩm. Tôi hy vọng cuộc điều tra sẽ dẫn đến kết quả rõ ràng”.

Ông Hudi Yusuf, chuyên gia pháp lý tại Đại học Bung Karno (Trung Jakarta, Indonesia) nhấn mạnh việc gian lận nhãn mác gạo thường thành gạo cao cấp là một hành vi tội phạm nghiêm trọng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

“Người dân bỏ tiền mua gạo cao cấp nhưng lại không nhận được chất lượng tương xứng”, ông Hudi nói, đồng thời nhắc lại rằng Wilmar Group từng dính líu đến các vụ xuất khẩu dầu cọ thô bất hợp pháp và cản trở điều tra.

Riêng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Indonesia Andi Amran Sulaiman xác nhận ông đã nộp danh sách hơn 200 thương hiệu gạo bị nghi gian lận đến Tổng Tư lệnh Cảnh sát và Viện trưởng Viện kiểm sát Indonesia.

“Cuộc điều tra chính thức đã bắt đầu vào ngày 10/7 và chúng tôi hy vọng sẽ có biện pháp xử lý mạnh mẽ”, ông Amran tuyên bố. Ông cũng đưa ra cảnh báo công khai đối với các nhà cung ứng và sản xuất gạo tại Indonesia.

“Hãy bán gạo đúng tiêu chuẩn chất lượng. Đừng dán nhãn bao gạo 5kg nếu nó chỉ chứa 4,5kg gạo”, ông Amran nhấn mạnh.

Theo Reuters/Jakarta Globe

>> Nợ ngập đầu, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á chi tới 34 tỷ USD để trả lãi vay

‘Vua gà rán’ KFC vội vã thoái vốn ở nền kinh tế số 1 Đông Nam Á: Chuyện gì đã xảy ra?

Nền kinh tế số 1 Đông Nam Á muốn giảm thuế xuống gần 0%, mua 75 máy bay Boeing để lấy lòng ông Trump

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/sap-ky-hop-dong-quan-trong-voi-viet-nam-nen-kinh-te-so-1-dong-nam-a-bat-ngo-dieu-tra-26-thuong-hieu-gao-lon-146764.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Sắp ký hợp đồng quan trọng với Việt Nam, nền kinh tế số 1 Đông Nam Á bất ngờ điều tra 26 thương hiệu gạo lớn
    POWERED BY ONECMS & INTECH