Nền kinh tế số 1 Đông Nam Á bất ngờ ngừng nhập khẩu gạo, tự cung tự cấp sau 5 tháng và giờ còn giành thị phần xuất khẩu: Việt Nam sắp bị vượt mặt?
Indonesia sẵn sàng xuất khẩu 2.000 tấn gạo mỗi tháng sang Malaysia khi nguồn gạo này sẽ lấy từ kho dự trữ quốc gia mà không ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước.
Indonesia tự tin xuất khẩu 2.000 tấn gạo cho nước láng giềng, phân phối 20.000 tấn mỗi ngày “dễ như bỡn”
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Indonesia, ông Sudaryono cho biết Malaysia đã đề xuất nhập khẩu gạo từ Indonesia với sản lượng 2.000 tấn mỗi tháng theo hình thức hợp tác kinh doanh (B2B). Tuy nhiên, cho đến nay phía Malaysia vẫn chưa có động thái tiếp theo nào liên quan đến đề nghị này.
“Hiện quả bóng đang ở phía Malaysia. Chúng tôi đã thông báo rằng Indonesia sẵn sàng. Bộ Nông nghiệp cũng đã được Tổng thống (Prabowo Subianto) chỉ thị sẵn sàng phản hồi ngay khi Malaysia xác nhận sự sẵn sàng của họ”, ông Sudaryono phát biểu sau cuộc họp điều phối tại Văn phòng Bộ Điều phối Lương thực Indonesia vào thứ Sáu (13/6) vừa qua.

Ông nói thêm rằng kế hoạch xuất khẩu này của Indonesia – nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đã được thảo luận trong các cuộc gặp giữa Bộ Nông nghiệp hai nước, bên cạnh việc các doanh nghiệp Malaysia dự kiến tham gia nhập khẩu.
Nếu thương vụ này được thống nhất, ông Sudaryono cho biết nguồn cung gạo để xuất khẩu của Indonesia sẽ được lấy từ kho dự trữ quốc gia do Cơ quan Lương thực quốc gia Indonesia (Bulog) quản lý. Ông đảm bảo rằng lượng xuất khẩu 2.000 tấn mỗi tháng sẽ không ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước của “xứ sở vạn đảo”.
“Dự trữ trong nước của chúng ta vẫn an toàn. Con số đó nhỏ thôi. Bulog mỗi ngày có thể phân phối từ 12.000 đến 20.000 tấn gạo. Vì vậy, nếu xuất khẩu 2.000 tấn mỗi tháng thì hoàn toàn không có vấn đề gì cả”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Indonesia, Sudaryono nhấn mạnh.
Ông cũng cho rằng yêu cầu từ phía Malaysia là khá nhỏ so với nhu cầu tiêu thụ gạo trong nước của Indonesia. Điều này là hợp lý vì dân số Malaysia ít hơn rất nhiều so với quốc gia láng giềng Indonesia.Theo chuyên trang thống kê trực tuyến Worldometer, tính đến ngày 15/6/2025, dân số của Malaysia là gần 36 triệu người, còn con số đó của Indonesia lên tới hơn 285 triệu người (gấp hơn 7,9 lần).
“Đối với họ thì con số này có thể là lớn, nhưng với chúng tôi thì không đáng kể”, ông Sudaryono nói thêm về việc Malaysia đề xuất nhập khẩu 2.000 tấn gạo/tháng từ Indonesia.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực Malaysia, ông Datuk Seri Mohammad Bin Sabu đã đề xuất hợp tác về an ninh lương thực với Indonesia.
Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Indonesia, ông Andi Amran Sulaiman, phía Malaysia đã đề nghị được hỗ trợ về nguồn cung gạo cũng như hợp tác trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp.
Bộ trưởng Amran đã hoan nghênh sáng kiến này và khẳng định rằng Indonesia sẵn sàng chia sẻ công nghệ nông nghiệp với các nước bạn bè, đặc biệt trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á(ASEAN), trong đó có cả những nước xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan và Việt Nam.
Các hình thức hợp tác được đề xuất bao gồm đào tạo, nghiên cứu chung và trình diễn công nghệ trực tiếp tại thực địa.
Việt Nam có lo bị Indonesia đánh bật ở thị trường gạo Malaysia?
Câu hỏi đặt ra là liệu việc Việt Nam có mất thị phần ở Malaysia hay rộng hơn là ở khu vực Đông Nam Á vào tay Indonesia?
Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu tổng cộng khoảng 9 triệu tấn gạo, trị giá 5,7 tỷ USD, tăng 11 % về lượng và 24 % về giá trị so với năm 2023. Năm ngoái, nước ta đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo, chỉ sau Ấn Độ (17 triệu tấn) và Thái Lan (10 triệu tấn), theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường).
Trong khi đó, Malaysia chiếm 8,2% thị phần, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của nước ta sau Philippines và Indonesia.
Trong nhóm 15 thị trường Việt Nam xuất khẩu gạo lớn nhất, giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất ở thị trường Malaysia với mức tăng 2,2 lần trong năm 2024 so với năm 2023.

Theo VnEconomy, trong 9 tháng đầu 2024, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Malaysia đạt 3,81 tỷ USD, trong đó gạo tăng 131,2 %, vượt qua cả điện thoại.
“Đất nước hình chữ S” còn đặt mục tiêu xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2025, trong đó 75% là gạo chất lượng cao.
>> Ông Trump phàn nàn Nhật Bản không mua gạo Mỹ, Tokyo đáp trả cực gắt
Theo nhiều chuyên gia, thị trường gạo toàn cầu đang phải đối mặt với áp lực từ nguồn cung Ấn Độ trở lại, khiến giá dự kiến giảm so với năm 2024. Nhưng Việt Nam hiện đang thống trị thị trường Malaysia về gạo, với mức tăng mạnh cả về số lượng và giá trị. Do đó 2025 được dự báo vẫn là một năm thuận lợi, dù cạnh tranh với Ấn Độ và sự giảm giá có thể ảnh hưởng.
Trong khi đó, theo số liệu của Ngân hàng thế giới (World Bank), Indonesia chỉ xuất khẩu khoảng 34.571 tấn gạo, đạt giá trị 56.080 USD sang Malaysia năm 2023. So với thị phần lớn của Việt Nam, con số đó của Indonesia vẫn là rất nhỏ.
Theo Beritasatu/World Bank