Năm 2025: Thu hút FDI và xuất khẩu vẫn tiếp tục là động lực tăng trưởng
Dự báo về triển vọng tăng trưởng cho năm 2025, chuyên gia cho rằng, thu hút FDI và xuất khẩu vẫn tiếp đà tăng của 2024 và tiếp tục là động lực cho tăng trưởng.
Thu hút FDI và xuất khẩu tiếp tục khả quan trong năm 2025
TS Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng ban Phân tích và dự báo kinh tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, kinh tế Việt Nam trong năm 2024 đạt mức tăng trưởng đáng khích lệ, dự kiến từ 6,8 - 7%. Tăng trưởng kinh tế đang có đà từ các trụ cột thu hút FDI, thương mại và tiêu dùng nội địa, trong đó, thu hút FDI vẫn đang khả quan.
Thu hút FDI và xuất khẩu tiếp tục khả quan trong năm 2025. |
Về tình hình thu hút FDI, ông Thọ đánh giá, dòng chảy FDI đổ về ASEAN, châu Á vẫn là điểm sáng. 9 tháng năm 2024, FDI vào Việt Nam tăng trưởng hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến hết tháng 9, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ, vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt 17,3 tỷ USD, tăng 8,9%, cao nhất từ năm 2021 đến nay.
Dù được đánh giá khả quan nhưng theo ông Thọ, hiện nay phạm vi tác động của FDI lại chưa đồng đều, chủ yếu tập trung vào 14 tỉnh thành như Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai… (chiếm 74% tổng FDI trên cả nước). Thêm vào đó, tác động của FDI đối với tăng trưởng ở mức thấp, nguyên nhân là do hoạt động của FDI chủ yếu là nhập khẩu, sản xuất gia công ở Việt Nam để xuất khẩu.
Về xuất khẩu, ông Thọ nhận diện, cơ cấu kinh tế trong nước vẫn còn yếu và gặp khó khi mở rộng ra thị trường quốc tế. Xuất khẩu của khu vực trong nước còn thấp hơn nhiều so với khu vực FDI.
Vị chuyên gia này cho hay, các “đầu tàu” kinh tế như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu có vẻ đang chạy chậm dần đều. Cụ thể, với TP.HCM, tỷ lệ đóng góp vào GDP cả nước năm 2023 thấp hơn 2,5% so với năm 2015. Tương tự, Bà Rịa - Vũng Tàu có tỷ lệ đóng góp vào GDP cả nước năm 2023 thấp hơn 2,2% so với năm 2015.
Đặc biệt, ông Thọ cho rằng, tình hình sức khỏe của khu vực doanh nghiệp chưa ổn định. Số lượng doanh nghiệp tăng thấp hơn kỳ vọng.
“Ở giai đoạn trước, cứ 100 doanh nghiệp tham gia vào thị trường thì có 50 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, như vậy, còn 50 doanh nghiệp bổ sung cho năm tiếp theo. Năm 2024, cứ 100 doanh nghiệp vào thị trường thì có tới 89 doanh nghiệp rời khỏi, như vậy, chỉ còn 11 doanh nghiệp tham gia vào năm tiếp theo”, ông Thọ phân tích.
Dự báo về triển vọng tăng trưởng cho năm 2025, theo đại diện CIEM, thu hút FDI và xuất khẩu vẫn tiếp đà tăng của 2024 và tiếp tục là động lực cho tăng trưởng.
Đặc biệt, thị trường xuất khẩu năm 2025 vẫn khả quan, tuy nhiên, các ngành xuất khẩu tiếp tục đối mặt với bất ổn địa chính trị, chi phí vận tải biển tăng, cùng đó là phòng vệ thương mại đang gây áp lực lớn cho hàng hóa xuất khẩu. Hiện, cứ 1,5 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu là có một vụ việc phòng vệ thương mại, trong khi trước đây là 2,5 tỷ USD mới có một vụ.
>>Bất ngờ một huyện nhỏ sắp lên thị xã, thu hút FDI vượt 39 tỉnh trên cả nước
Thu hút FDI một cách “chọn lọc”
Ở góc độ khác, dù thu hút FDI được đánh giá là khả quan, đồng thời tiếp tục là động lực cho tăng trưởng trong năm tới. Song một số chuyên gia kinh tế tỏ ra lo lắng về tình trạng tiêu cực, cảnh báo về “lợi bất cập hại” trong thu hút FDI, thậm chí có ý kiến cho rằng, xét về lợi ích - một tiêu chí quan trọng trong hoạt động đầu tư, Việt Nam bị thua thiệt vì nhà đầu tư nước ngoài chuyển về nước “những khoản lợi nhuận khổng lồ”.
Thu hút FDI một cách “chọn lọc”. |
GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, về công nghệ và quản trị, Việt Nam gần như không thu được nhiều kỹ năng quản trị và gần như chưa nhận được tác động chuyển giao công nghệ từ các dự án FDI. Một số doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam chỉ để tận dụng nguồn lao động giá rẻ và các chính sách ưu đãi đầu tư.
Hiện nay, có khoảng 68,5% các doanh nghiệp FDI đánh giá Việt Nam có thuận lợi hơn về địa điểm đầu tư so với những quốc gia khác mà doanh nghiệp cân nhắc đầu tư như các vấn đề chi phí và chất lượng lao động, thuế và khả năng ứng phó của Chính phủ Việt Nam đối với các tình thế khẩn cấp được cho là tích cực hơn các quốc gia khác.
“Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp FDI cho rằng vấn đề tham nhũng và hệ thống thủ tục hành chính, chất lượng cơ sở hạ tầng, chất lượng cung cấp dịch vụ công ở Việt Nam vẫn chưa bằng quốc gia xuất xứ”, ông Mại cho biết.
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cho rằng, dòng vốn FDI vào Việt Nam bên cạnh nhiều dự án tốt, thực sự mang lại sức sống mới cho nền kinh tế, cũng có những dự án của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà doanh nghiệp trong nước có thể làm được.
Theo đó, để nâng cao dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam, bà Lan cho rằng: “Đã đến lúc Việt Nam được quyền lựa chọn, được quyền nói không với những dự án FDI không mong muốn, không đạt được tiêu chí mà Việt Nam đưa ra. Việt Nam cũng cần có các tiêu chí về môi trường và yêu cầu các doanh nghiệp FDI phải đáp ứng khi đầu tư tại Việt Nam.”
Để tăng sức đóng góp của khu vực FDI, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào những chính sách mang tính đột phá nhằm thu hút FDI, nhằm thu hút được FDI vào những lĩnh vực Việt Nam đang mong muốn, lĩnh vực công nghệ cao.
Thu hút FDI: ‘Việt Nam có thể là hình mẫu thành công trong năm 2024’
Bất ngờ một huyện nhỏ sắp lên thị xã, thu hút FDI vượt 39 tỉnh trên cả nước