Nam Định sắp có cầu vượt sông gần 600 tỷ đồng, thay thế cầu phao Ninh Cường mới bị đứt
Việc nước lũ trên sông Ninh Cơ dâng cao và chảy xiết khiến cầu phao Ninh Cường bị đứt. Trước đó, Nam Định đã lên kế hoạch xây cầu vượt sông thay thế với tổng vốn ước tính gần 600 tỷ đồng.
Cầu phao Ninh Cường bị đứt do mưa lũ
Ngày 10/9, cầu phao Ninh Cường nối hai huyện Nghĩa Hưng và Trực Ninh (Nam Định) buộc phải dừng hoạt động do nước lũ trên sông Ninh Cơ dâng cao và chảy xiết.
Đại diện Ban Quản lý Bến Cầu Phao Ninh Cường xác nhận cầu phao này đã bị đứt do tình trạng lũ lụt nghiêm trọng.
Cầu phao Ninh Cường có chiều dài 297m, chiều ngang toàn phao 8,4m và dòng dầm 3,5m. Cầu chỉ cho phép các phương tiện có trọng tải tối đa 10 tấn và chiều cao dưới 3,5m lưu thông.
Mỗi ngày, khoảng 9.000 phương tiện qua lại cầu này. Khi ô tô lưu thông, chỉ có một chiều được phép đi, trong khi chiều còn lại phải đợi ở đầu cầu.
Cầu phao này cũng được điều chỉnh để mở luồng lưu thông đường thủy cho tàu thuyền vào các khung giờ từ 9-10h và từ 15-16h.
Sắp có cầu mới 600 tỷ thay thế
Ngày 18/6, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ nhằm thay thế cầu phao Ninh Cường hiện tại.
Dự án sẽ được triển khai trên địa bàn huyện Trực Ninh và huyện Nghĩa Hưng (Nam Định), cách cầu phao hiện tại 80m về phía hạ lưu.
Điểm đầu của dự án nằm ở xã Trực Phú, huyện Trực Ninh, điểm cuối nằm tại thị trấn Liễu Đề, huyện Nghĩa Hưng.
Cầu Ninh Cường có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 1,65km, được thiết kế với bề rộng 12m, bao gồm 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp.
Đường dẫn hai đầu cầu có quy mô đường cấp 3 đồng bằng, rộng 12m, 2 làn xe cơ giới, với vận tốc thiết kế 80km/h.
Dự kiến, thời gian xây dựng sẽ bắt đầu từ tháng 9/2024 và hoàn thành vào tháng 8/2025, với tổng vốn đầu tư hơn 581 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Dự án nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030.
Khi hoàn thành, cầu Ninh Cường sẽ giúp khơi thông đường bộ và đường thủy, rút ngắn thời gian và chi phí đi lại trong khu vực huyện Nghĩa Hưng và huyện Trực Ninh.
Đặc biệt, cầu sẽ nâng cao khả năng khai thác Nhà máy Nhiệt điện Hải Hậu do Hàn Quốc đầu tư.
Báo cáo ĐTM của dự án nhấn mạnh rằng việc đầu tư xây dựng cầu Ninh Cường là "cần thiết và cấp bách". Dự án sẽ giúp nâng cao hiệu quả khai thác Dự án cầu Thịnh Long, kết nối các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng lớn giữa các trung tâm kinh tế, khai thác tiềm năng kinh tế, du lịch ven biển, và đảm bảo an ninh quốc phòng.
>> Đô thị nằm 'sát vách' sân bay 16 tỷ USD lớn nhất Việt Nam chuẩn bị thi tuyển ý tưởng quy hoạch
Nhà máy thủy điện có độ dốc lớn nhất Việt Nam: Công trình 'bất bại' trước trận bão lũ lịch sử 2006
Đô thị đặc biệt nhất Việt Nam đang khẩn trương rà soát hơn 500 cầu đường bộ