Bí thư Tỉnh ủy Nam Định và Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình khẳng định, tuyến đường cao tốc qua địa phận 2 tỉnh là niềm mong chờ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh. Tuyến đường cũng là bước đột phá lớn mở ra không gian phát triển toàn diện KTXH của các tỉnh Nam Định, Thái Bình, vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Ngày 8/1, UBND tỉnh Thái Bình đã tổ chức hội nghị công bố Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình và kế hoạch triển khai dự án trong thời gian tới.
Các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình; Phạm Gia Túc, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định đồng chủ trì hội nghị.
Ngày 25/12/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định số 1680/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức đối tác công tư.
UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Nam Định và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án, triển khai thủ tục thẩm định, phê duyệt đầu tư dự án, tổ thức triển khai thực hiện dự án theo đúng quy hoạch được duyệt và quy định pháp luật có liên quan…
UBND tỉnh Nam Định có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Thái Bình trong quá trình triển khai dự án theo đúng quy định pháp luật; bảo đảm cân đối, bố trí đầy đủ, kịp thời vốn ngân sách tỉnh tham gia dự án theo đúng quy định của pháp luật để triển khai dự án theo đúng tiến độ; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất, bàn giao mặt bằng thuộc phạm vi quản lý để thực hiện Dự án theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Đường cao tốc có 4 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường rộng 24,75m
Dự án có chiều dài khoảng 60,9km; trong đó, trên địa bàn tỉnh Nam Định 27,6km, trên địa bàn tỉnh Thái Bình 33,3km.
Điểm đầu của dự án tại Km19+300, đầu cầu vượt sông Đáy, thuộc địa bàn xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định). Điểm cuối tại khoảng Km80+200, tại nút giao giữa Quốc lộ 37 mới và đường ven biển, thuộc địa bàn xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy (Thái Bình); theo tiêu chuẩn đường bộ cao tốc (TCVN 5729:2012), có 4 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường rộng 24,75m, vận tốc thiết kế 120 km/giờ.
Địa điểm thực hiện tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình; thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 đến năm 2027. Dự kiến nhu cầu sử dụng đất, mặt nước, tài nguyên khác khoảng 522,63ha; trong đó tỉnh Nam Định là 251,15ha; tỉnh Thái Bình là 271,48ha. Dự kiến loại hợp đồng dự án PPP: Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (Hợp đồng BOT). Sơ bộ tổng mức đầu tư không bao gồm lãi vay là 18.927,63 tỷ đồng; Tổng mức đầu tư bao gồm cả lãi vay: 19.784,55 tỷ đồng.
Tại hội nghị, lãnh đạo hai tỉnh Nam Định, Thái Bình đã công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện dự án; thống nhất kế hoạch triển khai thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư...
Bước đột phá lớn mở ra không gian phát triển
Phát biểu tại hội nghị, các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nam Định và Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình khẳng định, tuyến đường cao tốc qua địa phận 2 tỉnh là niềm mong chờ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh trong nhiều năm qua.
Tuyến đường cũng là bước đột phá lớn mở ra không gian phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của các tỉnh Nam Định, Thái Bình, vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Vì thế, hai tỉnh Nam Định và Thái Bình cam kết sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm chính trị cao nhất để phối hợp thực hiện dự án đúng tiến độ, mở ra hướng phát triển mới cho các tỉnh Nam Định, Thái Bình trong tương lai; đáp ứng niềm mong mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 2 tỉnh cũng như những người con quê hương Nam Định, Thái Bình đang sinh sống ở khắp mọi miền đất nước...
Đề xuất cho phép sử dụng nguồn cát biển làm vật liệu thi công dự án
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị cam kết chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ và 2 đồng chí Bí thư Tỉnh ủy để tuyến đường thực hiện nhanh và đúng quy định của pháp luật.
Để dự án thực hiện đúng tiến độ, tỉnh Nam Định đề xuất cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án tiếp tục triển khai các thủ tục thực hiện dự án như phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trình Chính phủ phê duyệt để có căn cứ triển khai công tác cắm mốc chỉ giới giải phóng mặt bằng; tỉnh Nam Định quyết tâm bố trí nguồn vốn và tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương trên tuyến thực hiện công tác giải phóng mặt bằng thi công dự án.
Tỉnh Nam Định nghiên cứu đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cho phép sử dụng nguồn cát biển làm vật liệu thi công dự án.
Các đồng chí Chủ tịch UBND hai tỉnh Thái Bình và Nam Định cam kết phối hợp tích cực triển khai các bước thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật, phấn đấu khởi công dự án vào tháng 9/2024./.