Xuất hiện ‘động lực tăng trưởng mới’ của Việt Nam: Dự kiến tăng 30%/năm, cán mốc 200 tỷ USD vào năm 2030
Khi các động lực truyền thống như xuất khẩu, đầu tư dần bộc lộ giới hạn, kinh tế số đang nổi lên là động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam, với tốc độ tăng hơn 30% mỗi năm và kỳ vọng đạt 200 tỷ USD vào năm 2030.
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu rơi vào vòng xoáy bất ổn bởi căng thẳng địa chính trị, chủ nghĩa bảo hộ và những thay đổi về thuế quan, Việt Nam đối mặt với yêu cầu cấp thiết: tái định hình mô hình tăng trưởng. Các yếu tố truyền thống như xuất khẩu và đầu tư, vốn là động lực chủ yếu trong nhiều thập kỷ qua, nay đang lộ rõ giới hạn.
Trong bức tranh đó, kinh tế số đang nổi lên như một động lực tăng trưởng mới, có khả năng bù đắp phần nào những thách thức hiện tại và mở rộng dư địa tăng trưởng trong dài hạn.
Theo báo cáo e-Conomy SEA 2024 do Google, Temasek và Bain & Company công bố, Việt Nam là nền kinh tế số tăng trưởng nhanh hàng đầu Đông Nam Á. Tổng giá trị giao dịch hàng hóa và dịch vụ số (GMV) tại Việt Nam năm 2024 đạt 36 tỷ USD, dự kiến đạt 200 tỷ USD vào năm 2030, tương đương tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) hơn 30%.
![]() |
Dự kiến giá trị ngành kinh tế số của Việt Nam |
Các lĩnh vực như thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông số, vận tải, thanh toán kỹ thuật số đều ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số, cho thấy tốc độ dịch chuyển mạnh mẽ của nền kinh tế theo hướng số hóa. Đặc biệt, Việt Nam còn đang dẫn đầu khu vực trong quá trình chuyển đổi sang xã hội không tiền mặt, nhờ phổ cập nhanh mã QR, ví điện tử và thanh toán di động.
Cùng với sự phát triển nhanh chóng về quy mô, Việt Nam cũng đang đặt nền tảng pháp lý để thúc đẩy tự chủ công nghệ và bảo vệ chủ quyền số. Việc Quốc hội thông qua Luật Công nghiệp Công nghệ số 2025 được xem là bước ngoặt lớn. Trong bài viết “Bước tiến mới trong nỗ lực tự chủ công nghệ của Việt Nam”, Tiến sĩ Sreenivas Tirumala, giảng viên cấp cao ngành Công nghệ Thông tin tại Đại học RMIT Việt Nam có đề cập: “Đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam xem xét lại chiến lược số của đất nước. Thay vì tiếp tục dựa vào nền tảng và hạ tầng nước ngoài, Việt Nam có thể đẩy nhanh quá trình tự chủ bằng cách đầu tư vào công nghệ trong nước. Luật Công nghiệp Công nghệ số được thông qua mới đây là một khung pháp lý kịp thời để hỗ trợ quá trình chuyển đổi này.”
![]() |
Tiến sĩ Sreenivas Tirumala, giảng viên cấp cao ngành Công nghệ Thông tin tại Đại học RMIT Việt Nam |
Một yếu tố khác đang tạo lợi thế cho Việt Nam là nền kinh tế sáng tạo bản địa. Theo Google, hơn 90% nội dung số tại Việt Nam được sản xuất bằng tiếng Việt, và 68% nhà sáng tạo tập trung vào các lĩnh vực tiêu dùng như thương mại điện tử, ẩm thực, du lịch, phim ảnh. Điều này phản ánh một thế hệ nội dung số mang tính địa phương cao, đóng góp trực tiếp vào tiêu dùng và quảng bá hình ảnh quốc gia trên nền tảng số.
Không chỉ vậy, người dân Việt Nam còn thể hiện sự cởi mở đáng kể với công nghệ mới. Theo Bảng chỉ số AI Thế giới 2024 do WIN công bố, Việt Nam xếp thứ 6/40 quốc gia về năng lực tổng thể AI, thứ 3 về mức độ tin tưởng và thứ 5 về khả năng chấp nhận AI – vượt qua cả Thái Lan và Indonesia, những quốc gia đang đầu tư mạnh vào công nghệ này.
Theo TS. Sreenivas Tirumala, lợi thế nhân khẩu học của Việt Nam cũng đang tạo ra một nền tảng vững chắc. “Tính đến năm 2024, 51,7% dân số Việt Nam dưới 34 tuổi. Lực lượng lao động trẻ, am hiểu công nghệ này là tài sản lớn trong quá trình chuyển đổi từ sản xuất giá rẻ sang nền kinh tế số.”
Để tận dụng tối đa lực lượng này, ông đề xuất Việt Nam nên đưa CNTT vào chương trình giáo dục phổ thông từ sớm, đồng thời hỗ trợ các cơ sở đào tạo tư nhân cung cấp khóa học ngắn hạn, cấp chứng chỉ kỹ năng số phù hợp với nhu cầu thị trường. Điều này sẽ mở ra cơ hội cho hàng triệu lao động không có bằng đại học tiếp cận và tham gia vào nền kinh tế số.
![]() |
Kinh tế số, động lực tăng trưởng mới của Việt Nam (Ảnh minh họa) |
Từ nền tảng tiêu dùng kỹ thuật số mạnh mẽ, khung pháp lý đang hoàn thiện đến lực lượng lao động trẻ đầy tiềm năng, Việt Nam đang hội tụ các yếu tố then chốt để bứt phá thành trung tâm kinh tế số hàng đầu châu Á. Nếu được triển khai đồng bộ và kịp thời, trụ cột mới này không chỉ giúp nền kinh tế vượt qua các giới hạn cũ, mà còn mở ra con đường phát triển bền vững, chủ động và có khả năng chống chịu cao hơn trước bất định toàn cầu.
Tiêu dùng ‘gánh’ 84% tăng trưởng GDP, TS. Cấn Văn Lực đề xuất lập đề án riêng để kích cầu
TS. Cấn Văn Lực: Muốn tăng trưởng 9-10%, đầu tư toàn xã hội không nhất thiết phải bằng 40% GDP