Người dân ‘sốc’ khi biết phải đóng gần 1,7 tỷ đồng thuế đất để hợp thức hóa ngôi nhà xây từ 2005
Giá đất và thuế đất tăng vọt đang đẩy cả người dân lẫn doanh nghiệp vào thế bí, khi một ngôi nhà xây từ 2005 phải đóng gần 1,7 tỷ đồng để hợp thức hóa, còn chi phí thuê đất của doanh nghiệp tăng gấp 7 lần chỉ sau 3 năm.
Tại hội thảo “Giá đất, thuế đất… thế nào cho hợp lý?” do báo Thanh Niên tổ chức mới đây, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) đã thẳng thắn cảnh báo về tình trạng giá đất và thuế đất đang leo thang, tạo gánh nặng không chỉ với doanh nghiệp mà còn với người dân.
Một trong những ví dụ điển hình là trường hợp gia đình ông Nguyễn An (Hóc Môn, TP. HCM), có ngôi nhà cấp 4 với diện tích khoảng 75m2 được xây từ năm 2005 trên phần đất do ông bà để lại. Sau gần 20 năm sử dụng, đến cuối năm 2024, gia đình quyết định làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi đo đạc, diện tích thửa đất là 208 m² và căn cứ vào bảng giá đất hiện hành là hơn 11 triệu đồng/m², số tiền sử dụng đất mà gia đình phải nộp lên tới gần 1,7 tỷ đồng. Đây là con số vượt xa khả năng tài chính của gia đình.
Không chỉ người dân, các doanh nghiệp cũng đang gánh chịu sức ép chi phí khổng lồ từ chính sách thuế đất hiện hành. Một doanh nghiệp thuê kho diện tích 11.000 m² tại quận 4 (TP. HCM) cho biết, năm 2022, họ chỉ phải trả 3,3 tỷ đồng/năm cho tiền thuê đất. Đến năm 2023, khi hệ số điều chỉnh giá đất được nâng lên, số tiền này tăng vọt lên 7,7 tỷ đồng. Đỉnh điểm là từ tháng 1/2025, khi TP.HCM áp dụng tính tiền thuê theo tỷ lệ phần trăm trên bảng giá đất mới, chi phí thuê đất tăng lên hơn 21 tỷ đồng mỗi năm, tức cao gấp 7 lần so với năm 2022.
Theo ông Châu, những ví dụ trên cho thấy, giá đất tăng, nghĩa vụ tài chính tăng đang dẫn đến rất nhiều bất cập trên thị trường với cả doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.
Ngoài ra, Chủ tịch HoREA cũng thẳng thắn chia sẻ, quy định thu bổ sung 5,4% (và nay là đề xuất 3,6%) tiền sử dụng đất là bất hợp lý.
Trong khi Bộ Tài chính đang đề xuất mức thu bổ sung giảm xuống còn 3,6%, các chuyên gia cho rằng mức này vẫn là quá cao. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó tổng giám đốc Hưng Thịnh Land, cảnh báo: “Dù thu 5,4% hay 3,6%, doanh nghiệp vẫn phải đưa vào giá thành sản phẩm. Điều này làm tăng giá nhà, đi ngược chủ trương giúp người dân dễ tiếp cận nhà ở của Chính phủ”. Ông đề xuất, bỏ luôn mức thu bổ sung để tạo đồng thuận toàn xã hội, cùng phấn đấu đóng góp cho phát triển kinh tế của đất nước.
![]() |
Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu (Ảnh minh họa) |
HoREA kiến nghị, thay vì mức 3,6% hay 5,4%, nên thu bổ sung ở mức thấp nhất có thể – 0,5%, để vừa đúng luật (cụ thể là điểm d khoản 2 Điều 257 Luật Đất đai 2024), vừa “khoan sức” cho dân và doanh nghiệp. Đây cũng là giải pháp giúp kiềm chế giá bất động sản, không đẩy chi phí lên cao và giảm thiểu hiệu ứng lan truyền giá cả trong nền kinh tế.
Từ câu chuyện của người dân Hóc Môn đến bài toán chi phí logistics của doanh nghiệp, có thể thấy hệ thống giá đất, thuế đất đang cần được điều chỉnh theo hướng công bằng, minh bạch và hợp lý hơn. Nếu không, chính sách thuế sẽ tiếp tục là lực cản của quá trình đô thị hóa, cải cách nhà ở và phát triển kinh tế bền vững.