Những năm cấp 2 từng “chơi rất nhiều”, đặc biệt là mê điện tử, nhưng Mạnh Hùng nói sau đó em đã biết điểm dừng và tập trung vào việc học. Đến năm lớp 12, Hùng bứt phá và trở thành thủ khoa khối A00 của cả nước.
Nguyễn Mạnh Hùng, học sinh lớp 12A3, Trường THPT Trưng Vương (Văn Lâm, Hưng Yên) là một trong ba thủ khoa khối A00 toàn quốc với số điểm 29,35. Trong đó, Hùng đạt 10 điểm môn Vật lý, 9,6 điểm môn Toán và 9,75 điểm môn Hóa học.
Dù đã tính được điểm số sau khi đối chiếu với đáp án chính thức của Bộ GD-ĐT, nhưng khi nhận được tin nhắn của bạn bè thông báo về việc em trở thành một trong ba thủ khoa khối A00 toàn quốc, Hùng vẫn cảm thấy bất ngờ.
“Em vội vàng tra thông tin trên báo đài và nhận thấy thông tin trùng khớp với mình. Đến lúc ấy, em mới dám tin mình trở thành thủ khoa”, Hùng nói.
Nam sinh cho biết, kết quả này vượt mong đợi bởi xuất phát điểm của em là một học trò khá bình thường.
“Năm cấp 1, cấp 2 em học trường làng. Học lực của em cũng chỉ ở mức giữa của lớp. Em chơi khá nhiều và không có gì nổi bật”.
Thậm chí, Hùng còn thừa nhận, em từng rất mê điện tử. Nhưng đến cuối năm lớp 8, Hùng nghĩ mình cần phải tập trung vào việc học để có thể thi đỗ cấp 3. Đến lúc ấy, nam sinh mới bắt đầu “vặn dây cót” học hành nghiêm túc.
Đến năm lớp 9, Hùng tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Hóa và giành được giải Ba. Với kết quả này, bố mẹ, thầy cô động viên em nên thử sức thi vào trường chuyên của tỉnh.
“Nhưng dù gia đình có khuyên thế nào, con vẫn kiên quyết không thi. Con nói rằng học ở đâu cũng là học. Chỉ cần cố gắng, dù học ở trường nào con cũng sẽ học tốt”, chị Hồ Thị Minh Thảo, mẹ của Hùng nhớ lại.
Sau đó, Mạnh Hùng thi đỗ vào Trường THPT Trưng Vương, cách nhà 1km. Đây cũng là ngôi trường có điểm chuẩn cao nhất vào lớp 10 hàng năm của tỉnh Hưng Yên. Trong 3 năm học tại ngôi trường này, em bật lên đứng top đầu của khối với điểm tổng kết 3 môn Toán, Lý, Hóa đều trên 9.0.
Chơi điện tử không xấu, miễn là có điểm dừng
Mạnh Hùng cho biết, ngoài việc học trên lớp, em vẫn đi học thêm và tham gia một khoa học online trên mạng. Ngoài ra, các nhóm học tập trên Facebook cũng là nguồn tài nguyên phong phú để em có thể tìm tòi tư liệu học tập.
Đến đầu năm lớp 12, sau khi tích lũy đủ các kiến thức nền tảng, em bắt đầu tích cực luyện đề và trau dồi các kỹ năng làm bài, luyện tâm lý phòng thi. Hùng cho rằng, việc luyện đề là giải pháp hiệu quả để nhận biết bản thân đang hổng kiến thức nào hoặc thường xuyên mắc phải lỗi sai gì, từ đó có thể bù đắp những mảng nội dung đang bị thiếu hụt.
Ngoài ra, thông qua luyện đề, người học cũng sẽ ghi nhớ hệ thống lý thuyết sâu và hiệu quả hơn so với việc học thuộc.
Ngoài việc học, mỗi tháng, Hùng vẫn cùng các bạn trong lớp vẫn dành một ngày để chơi game “xả láng”.
“Điều này khá vui và giúp em cảm thấy thoải mái hơn sau giờ học căng thẳng. Em nghĩ việc chơi điện tử không xấu, miễn bản thân không mê mệt, bỏ bê việc học là được”, Hùng nói.
Chị Minh Thảo dù biết con vẫn chơi game, nhưng giờ đây chị không còn quá lo lắng vì “con luôn biết điểm dừng”.
“Đến năm lớp 12 hầu như con chỉ tập trung vào việc học. Có những ngày con học quên cả ăn, tới 1 - 2 giờ sáng. Nhiều khi, mẹ phải đặt sữa vào ngăn bàn để con có đồ ăn khi đói.
Thấy con như vậy, bố mẹ, ông bà xót ruột nên thi thoảng rủ con đi chơi. Nhưng con quyết tâm, chưa học xong thì không đi đâu cả. Cho đến tận khi thi xong, đọ đáp án và thấy khả quan, con mới bắt đầu đi đá bóng, tập bơi… để thư giãn”, chị Thảo nói.
Chị cho biết, trong các kỳ thi thử tốt nghiệp THPT, con luôn đứng trong top đầu của khối. Bản thân chị cũng từng hy vọng con sẽ thành thủ khoa của trường, nhưng kết quả hôm nay là điều vượt ngoài mong đợi.
“Thi xong con cũng không chia sẻ điểm thi với bố mẹ vì sợ mẹ sẽ… đi khoe với hàng xóm. Con vốn rất kiệm lời. Với điểm số này, mong rằng con sẽ vào được ngành yêu thích”.
Mạnh Hùng cho biết, em dự định sẽ đăng ký vào ngành Khoa học máy tính (IT1) của ĐH Bách khoa Hà Nội. Trước đó, điểm thi đánh giá tư duy vào trường của em chưa đạt như mong đợi. Vì thế, kết quả này có thể sẽ giúp em vào được ngôi trường mình ước mơ.