Ngành học có thu nhập cao bậc nhất Việt Nam: Sinh viên ra trường 100% có việc làm, cực ‘khát’ nhân lực chất lượng cao
Nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành này đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Năm 2024, theo điểm chuẩn xét tuyển theo phương thức kết hợp giữa chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và điểm thi tốt nghiệp THPT do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân công bố, mức điểm chuẩn dao động từ 24,5-28,16. Trong đó, Thương mại điện tử (TMĐT) là một trong hai ngành có điểm chuẩn cao nhất.

Theo báo cáo tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp năm 2022 do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân công bố, ngành TMĐT tiếp tục dẫn đầu với tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường đạt 100%. Phần lớn làm việc tại doanh nghiệp tư nhân, trong khi một số ít tự khởi nghiệp hoặc làm việc cho các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài.
Ngành học “khát” nhân lực
TMĐT là ngành học thuộc khối kinh tế, vận hành dựa trên nền tảng công nghệ thông tin để thực hiện các giao dịch thương mại, thanh toán điện tử và tiếp thị trực tuyến.
Theo Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), lĩnh vực này tại Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng trên 25% mỗi năm, với quy mô thị trường vượt ngưỡng 20 tỷ USD.
Trong khảo sát về TMĐT của Cục TMĐT và Kinh tế số cho thấy nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng tăng, với 74,8% người dùng internet tại Việt Nam tham gia mua sắm online. Chính xu hướng này đã thúc đẩy các doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số, kéo theo nhu cầu về nhân lực TMĐT ngày một tăng cao.
Theo thống kê, có tới 64% doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng nhân sự được đào tạo bài bản về công nghệ thông tin và TMĐT.

Tuy nhiên, dù nhu cầu rất lớn, hiện chỉ khoảng 30% nguồn nhân lực ngành TMĐT được đào tạo chính quy. Khoảng 55% đến từ những ngành có liên quan như kinh doanh, thương mại hoặc công nghệ thông tin, trong khi 15% còn lại xuất thân từ các lĩnh vực khác.
Theo Báo Dân trí, ông Nguyễn Thành Hưng, nguyên Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam cho biết, ngành TMĐT đang rất “khát” nhân lực. Các doanh nghiệp, hội viên của Hiệp hội liên tục tuyển nhân sự và việc tuyển dụng rất khắt khe.
“Nhu cầu nguồn nhân lực cho TMĐT ở Việt Nam tăng rất nhanh và sẽ còn tiếp tục tăng nhanh hơn nữa”, ông Hưng dự báo.
Sinh viên theo học ngành này sẽ được trang bị đầy đủ các kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm, đồng thời thành thạo trong việc phân tích, tổng hợp, nghiên cứu, đánh giá kết quả cũng như hiệu quả hoạt động TMĐT của các doanh nghiệp, cơ quan và tổ chức.
Từ nền tảng đó, sau khi tốt nghiệp, cử nhân ngành TMĐT có thể làm việc tại các tập đoàn kinh tế, công ty đa quốc gia, xuyên quốc gia, cơ quan, tổ chức đại diện TMĐT trong nước và quốc tế… hoặc trở thành giảng viên tại các trường đại học, cao đẳng đào tạo về kinh tế, quản trị kinh doanh.

Thậm chí, cơ hội tự thành lập doanh nghiệp, kinh doanh qua mạng hoặc phát triển các mô hình dựa trên nền tảng số cũng vô cùng rộng mở.
Thu nhập cực “khủng”
Trước nhu cầu tuyển dụng ngày càng cao, các doanh nghiệp sẵn sàng chi trả mức lương hấp dẫn để thu hút nhân sự ngành TMĐT. Theo Báo cáo lương và thị trường lao động năm 2024 của Navigos, mức lương khởi điểm của nhân viên mới ra trường trong ngành TMĐT dao động từ 300-500 USD/tháng (khoảng 7-12 triệu đồng).
Các vị trí cấp cao như trưởng phòng có thể nhận mức lương từ 1.500-10.000 USD/tháng (khoảng 40-250 triệu đồng), trong khi Giám đốc điều hành (CEO) có thể kiếm được tới 25.000 USD/tháng (khoảng hơn 600 triệu đồng).

Theo Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Trần Hưng, Trưởng khoa Hệ thống thông tin kinh tế và TMĐT, Trường Đại học Thương mại, cho biết sinh viên mới ra trường có mức lương dao động từ 10 - 15 triệu đồng/tháng.
Đối với trường hợp sinh viên tự thành lập doanh nghiệp, mở gian hàng kinh doanh trên các sàn TMĐT như Lazada, Shopee, Tiki, TikTok Shop hoặc tham gia dự án khởi nghiệp sáng tạo, thu nhập có thể cao hơn mức trung bình từ 5-10 lần.
Điểm chuẩn cạnh tranh
Kỳ tuyển sinh đại học năm 2025, ngành TMĐT tiếp tục thu hút sự quan tâm lớn từ đông đảo thí sinh. Trước đó, năm 2024, nhiều trường đại học trên cả nước đã ghi nhận mức điểm chuẩn khá cao cho ngành học này.
Trường Đại học Thương mại có mức điểm chuẩn 27,00 đối với ngành Quản trị TMĐT. Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tuyển sinh ngành này với mức 26,09 điểm theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải đưa ra mức điểm thấp hơn, ở mức 24,10.

Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TP. HCM) áp dụng hai mức điểm chuẩn cho ngành TMĐT: 27,44 điểm cho chương trình chuẩn và 25,89 điểm đối với chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh. Trường Đại học Kinh tế TP. HCM công bố mức 26,50 điểm, còn Trường Đại học Công nghệ Thông tin (ĐHQG TP. HCM) lấy 26,12 điểm.
Trường Đại học Công nghiệp TP. HCM đưa ra mức điểm chuẩn dao động theo từng chương trình: 24,50 điểm cho chương trình tiêu chuẩn và 21,50 điểm đối với chương trình tăng cường tiếng Anh. Trong khi đó, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM xét tuyển ngành TMĐT với mức điểm là 23,00…