Trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt, không có công nghệ tối ưu. Do vậy, Việt Nam cần áp dụng các công nghệ khác nhau tùy vào tình hình cụ thể của mỗi địa phương.
Sự gia tăng dân số, tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế đã làm cho lượng chất thải rắn sinh học ngày càng tăng, không chỉ ở các đô thị mà còn ở cả các khu vực nông thôn. Điều này không chỉ tác động tiêu cực đến môi trường mà còn đặt ra những thách thức về quản lý chất thải và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Rác thải phần lớn được thu gom về bãi rác tạm hoặc được chôn lấp và xử lý bằng chế phẩm sinh học, nhằm hạn chế mùi hôi, tăng tốc độ phân hủy. Tuy nhiên, phương pháp xử lý cũ hiện không phát huy hiệu quả, ngày càng phát sinh ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân. Do đó, chất thải rắn sinh hoạt đã trở thành vấn đề nóng và ngày càng được quan tâm.
Tại Hội thảo “Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt - Thực trạng và giải pháp” vừa được tổ chức ngày 9/12 tại Bến Tre, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp đã giới thiệu và chia sẻ nhiều giải pháp công nghệ khác nhau nhằm xử lý chất thải rắn.
Trong đó, bao gồm cả những công nghệ hiện đại, đã và đang được áp dụng tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới như công nghệ khí hóa (Gasification Tech), than sinh học (Biochar), công nghệ quản lý chất thải rắn,...
Trước những chia sẻ của các chuyên gia, nhà khoa học, GS.TS. Trần Hồng Thái - Thứ trưởng Bộ KH&CN cho hay, trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt, không có một công nghệ nào được coi là tối ưu.
Việc lựa chọn công nghệ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khối lượng chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương, loại rác thải, quy mô xử lý, nguồn lực kinh tế và môi trường. Do vậy, nên có sự kết hợp khi áp dụng các công nghệ khác nhau tùy thuộc vào tình hình cụ thể của mỗi địa phương.
Theo Thứ trưởng Trần Hồng Thái, Việt Nam cần áp dụng tối đa xu thế công nghệ tái chế, tái sử dụng và tận dụng năng lượng, tài nguyên từ rác thải. Các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt khi đưa vào sử dụng cần bảo đảm đáp ứng các tiêu chí về bảo vệ môi trường, tính khả thi về hiệu quả đầu tư và tính bền vững.
Những dự án áp dụng lò đốt có công suất nhỏ (350-1000kg/h) là những giải pháp tình thế, tạm thời để xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các khu dân cư nhỏ. Thay vào đó, cần khuyến khích mô hình xử lý tập trung, công nghệ hiện đại, với quy mô xử lý đủ lớn, từ 500 tấn trở lên.
Bên cạnh đó, các địa phương cần áp dụng kinh tế xanh, tuần hoàn, xử lý chất thải rắn sinh hoạt kết hợp với chất thải rắn công nghiệp tại các khu công nghiệp theo mô hình tiết kiệm năng lượng, tận dụng nguồn nhiệt phát sinh từ việc đốt chất thải rắn.
Từ góc nhìn của mình, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái cho rằng, chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam có độ ẩm cao, lẫn nhiều tạp chất, phân loại đầu nguồn chưa tốt… Do đó, công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp với Việt Nam phải khắc phục được những nhược điểm trên. Công nghệ này cũng phải có giá thành đầu tư phù hợp với điều kiện thực tế.
Thời gian qua, Bộ KH&CN đã và đang đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ thông qua các chương trình, nhiệm vụ khoa học công nghệ.
Bộ KH&CN cũng đã tiến hành thẩm định công nghệ đối với các dự án đầu tư, thẩm định và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia, các hoạt động về sở hữu trí tuệ… Những hoạt động này đã và đang góp phần thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt vào thực tế.