Nền kinh tế thế giới dưới tác động của xung đột Nga – Ukraine

28-02-2022 08:55|Quỳnh Hoa

Cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine kéo dài nhiều tuần qua đã gây chấn động nền kinh tế thế giới.

Sau đại dịch COVID-19, tình trạng lạm phát và sự hỗn loạn của thị trường tài chính vẫn là một cú sốc lớn với nền kinh tế thế giới. Cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine đang làm trầm trọng hơn cả hai vấn đề này.

Giá dầu thế giới đã lần đầu tiên tăng vọt lên mức 100 USD/thùng trong thời gian ngắn kể từ năm 2014, trong khi giá khí đốt tự nhiên của châu Âu cũng tăng mạnh tới 62% trong ngày 24/2.

Sự tăng mạnh về giá năng lượng đã mang lại những rủi ro lớn đe doạ đến khả năng phục hồi và tăng trưởng cho nền kinh tế thế giới.

Trong khi đó, trong suốt một thời gian dài trước đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang chuẩn bị thắt chặt chính sách tiền tệ; tuy nhiên, kế hoạch này có thể sẽ phải huỷ bỏ do xung đột vũ trang Nga – Ukraine. Thách thức kép bao gồm quản lý giá cả và giữ cho nền kinh tế phát triển sẽ càng trở nên khó khăn hơn đối với các ngân hàng trung ương. Điều này cũng là mối đe dọa đối với sự tăng trưởng kinh tế.

Cuộc xung đột vũ trang Nga – Ukraine đã đưa đến 3 kịch bản cho nền kinh tế thế giới

Kịch bản 1: Nguồn cung khí đốt bị ảnh hưởng

Theo Bloomberg, có một điều có vẻ rõ ràng là trong số các nền kinh tế lớn, Nga sẽ là người chịu đòn lớn nhất. Cái giá phải trả cho chính sách đối ngoại bành trướng của Tổng thống Vladimir Putin rất có thể sẽ là một nền kinh tế trong nước đang thu hẹp lại.

Đối mặt với các lệnh trừng phạt tối đa từ Mỹ và châu Âu - như bị cắt khỏi hệ thống thanh toán quốc tế Swift - Nga có thể trả đũa bằng cách tắt dòng khí đốt sang châu Âu.

Mặc dù đây có thể là kịch bản ít có khả năng xảy ra nhưng ECB ước tính, cú sốc phân bổ khí đốt 10% có thể làm giảm 0,7% GDP của khu vực đồng euro.

Nếu quy mô con số đó lên tới 40% - tương đương thị phần khí đốt của châu Âu đến từ Nga - có nghĩa là kinh tế khu vực đồng euro sẽ bị ảnh hưởng 3%. Con số thực tế có thể cao hơn đáng kể do sự hỗn loạn mà một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có như vậy có thể sẽ xảy ra. Điều đó có nghĩa là khu vực này sẽ rơi vào suy thoái và ECB sẽ không tăng lãi suất trong tương lai gần.

Đối với Mỹ, cú sốc tăng trưởng cũng sẽ khá lớn. Và có thể có những hậu quả không mong muốn từ các biện pháp trừng phạt tối đa làm gián đoạn hệ thống tài chính toàn cầu, với tác động lan tỏa đối với các ngân hàng Mỹ.

Trọng tâm của Fed sẽ chuyển sang duy trì tăng trưởng kinh tế. Nhưng nếu giá cao hơn dẫn đến kỳ vọng lạm phát tăng cao giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp, thì điều đó sẽ làm nảy sinh tình huống xấu nhất đối với chính sách tiền tệ: cần phải thắt chặt mạnh mẽ ngay cả trong một nền kinh tế yếu kém.

Trong khi đó, một số quốc gia như Ả Rập Xê Út và các nước xuất khẩu dầu vùng Vịnh khác có thể được hưởng lợi. Nhưng đối với hầu hết các thị trường mới nổi - vốn đã bị phục hồi chậm hơn, thì sự kết hợp giữa giá cả cao hơn và dòng vốn chảy ra có thể giáng một đòn lớn và làm trầm trọng thêm nguy cơ khủng hoảng nợ hậu COVID-19.

Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia nhập khẩu năng lượng lớn vốn đã có đồng tiền lao dốc và lạm phát tăng vọt trước cuộc khủng hoảng Ukraine và là một ví dụ điển hình.

Kịch bản 2: Nguồn cung dầu và khí đốt không bị gián đoạn

Đây là kịch bản có vẻ lạc quan và đã được thể hiện trên các thị trường dầu mỏ sau khi các lệnh trừng phạt mới đối với Nga được Mỹ và các đồng minh được công bố và hiện vẫn chưa cho thấy có bất kỳ dấu hiệu của sự gián đoạn nào.

Tuy nhiên, nguồn cung cấp năng lượng của Nga không phải là mục tiêu của trừng phạt. Bởi, Nga là nhà cung cấp dầu và khí đốt chính ở châu Âu.

Các biện pháp trừng phạt liên quan tới năm ngân hàng, bao gồm cả ngân hàng cho vay lớn nhất của Nga Sberbank, với tổng tài sản là 1.000 tỷ USD.

Chủ tịch Fed Cleveland Loretta Mester cho biết: “Nếu nền kinh tế có một bước ngoặt bất ngờ, tôi tin rằng sẽ là thích hợp để tăng lãi suất vào tháng 3 và tiếp theo là các mức tăng tiếp theo trong những tháng tới”.

Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sẽ hạn chế quyền tiếp cận của Nga với các sản phẩm công nghệ cao và các biện pháp trừng phạt cá nhân nhắm vào giới thượng lưu của nước Nga.

Kịch bản 3: Nguồn cung cấp năng lượng gián đoạn

Một số chủ tàu chở dầu đang tránh tiếp nhận dầu thô của Nga cho đến khi họ có các biện pháp trừng phạt rõ ràng hơn. Tuy nhiên, các đường ống dẫn khí đốt chính chạy qua Ukraine có thể bị va chạm trong cuộc xung đột. Ngay cả sự gián đoạn nguồn cung hạn chế cũng có thể làm trầm trọng thêm cú sốc đối với giá năng lượng.

Giá khí đốt nếu quay trở lại mức 180 euro một MWh - mức đạt được vào tháng 12 - và giá dầu ở mức 120 USD có thể khiến lạm phát khu vực đồng euro gần 4% vào cuối năm, làm gia tăng sự siết chặt thu nhập thực tế của người dân.

Robert Holzmann, một trong những thành viên của Hội đồng quản trị ECB cho biết, “Rõ ràng là chúng tôi đang tiến tới bình thường hóa chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, có thể tốc độ hiện có thể bị chậm lại một chút”.

Ở Mỹ, kịch bản này có thể đẩy lạm phát mạnh lên 9% vào tháng 3 và giữ ở mức gần 6% vào cuối năm. Đồng thời, bất ổn tài chính tiếp tục và nền kinh tế yếu hơn, một phần do suy thoái châu Âu sẽ khiến Fed mâu thuẫn. Kịch bản này có thể vượt ra ngoài cú sốc giá tạm thời và tập trung vào rủi ro đối với tăng trưởng. Điều đó sẽ không ảnh hưởng đến việc tăng lãi suất vào tháng 3, nhưng nó có thể khiến quy mô tăng chậm hơn trong nửa cuối năm.

Việt Nam khuyến cáo công dân ở Ukraine sẵn sàng sơ tán khỏi thành phố lớn

Nga nêu lý do xung đột ở Ukraine còn kéo dài

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nen-kinh-te-the-gioi-duoi-tac-dong-cua-xung-dot-nga-ukraine-122768.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nền kinh tế thế giới dưới tác động của xung đột Nga – Ukraine
    POWERED BY ONECMS & INTECH