Chỉ số lạm phát hạ nhiệt và trong tầm kiểm soát sẽ giúp NHNN có dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ và có thêm các chính sách hỗ trợ trong thời gian tới. Tuy nhiên, các quyết định của Fed đối với chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ là yếu tố cần theo dõi.
Theo báo cáo vĩ mô của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong tháng 5, lãi suất huy động 12 tháng ở các ngân hàng mà tổ chức này theo dõi đạt trung bình đạt 7,61%, vẫn đang tăng 1,71 điểm % so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tiếp tục giảm 0,18 điểm % so với trung bình hồi tháng 4 và giảm tới 0,82 điểm % so với cuối năm 2022.
Mặt khác, cuối tháng 5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện thêm một lần giảm lãi suất điều hành, lần thứ 3 trong năm 2023, với các loại lãi suất có tác động sát đối với lãi suất thực tế trên thị trường. Động thái này kỳ vọng sẽ nhanh chóng giúp hạ lãi suất cho vay đối với cá nhân và tổ chức. Sau khi giảm lãi suất, NHNN cũng đồng thời ban hành chỉ thị 02 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.
"Có thể thấy, trong 5 tháng đầu năm nay, Chính phủ và NHNN đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ và tháo gỡ các khó khăn đối với thị trường bất động sản cũng như ngành ngân hàng, do đó, dư địa cho các chính sách hỗ trợ đối với 2 lĩnh vực này không còn nhiều", nhóm phân tích đánh giá.
Trong thời gian còn lại của năm 2023, BVSC cho rằng các chính sách ban hành sẽ được định hướng vào từng nhóm ngành cụ thể cần được hỗ trợ để có tác động chính xác, kịp thời hơn, đặc biệt ở nhóm các doanh nghiệp xuất khẩu và sử dụng nhiều nhân công, trong bối cảnh sản xuất và xuất khẩu còn đang gặp nhiều khó khăn.
Các chuyên gia cũng nhận định chỉ số lạm phát hạ nhiệt và trong tầm kiểm soát sẽ giúp NHNN có dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ và có thêm các chính sách hỗ trợ trong thời gian tới. Tuy nhiên, các quyết định của Fed đối với chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ là yếu tố cần theo dõi.
"Nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất sẽ khiến áp lực tỷ giá quay lại trong một số thời điểm và thu hẹp lại dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ", nhóm phân tích dự báo.
Theo số liệu của BVSC, so với cuối năm 2022, đồng VND tính tới ngày 31/5/2023 đã tăng 0,60% so với đồng USD.
Các chuyên gia cho rằng, các quyết định về lãi suất của Fed thời gian tới vẫn là yếu tố cần theo dõi khi có thể tạo áp lực tỷ giá ngắn hạn. Tuy nhiên, nhìn chung, đồng VND sẽ có diễn biến ổn định hơn trong năm nay, dao động trong khoảng 2%, nhờ cán cân thương mại thặng dư và kiều hối duy trì tăng trưởng.
Sắp 'bơm' gần 670.000 tỷ đồng ra nền kinh tế
Tăng trưởng tín dụng chậm: Làm thế nào để đẩy nhanh tiền ra nền kinh tế?