Nga chế tạo siêu tàu ngầm đối phó trừng phạt: Trang bị cả lò phản ứng hạt nhân, dài 360m, có thể chứa gần 200.000 tấn hàng hóa
Dự án hứa hẹn sẽ rút ngắn thời gian di chuyển dọc tuyến đường biển phía Bắc, nhưng cũng đối mặt với nhiều trở ngại do yêu cầu công nghệ phức tạp và điều kiện khắc nghiệt tại Bắc Cực.
Một số trang tin cho biết, Nga đang tìm kiếm các giải pháp mới để vận chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Bắc Cực sang châu Á, trong bối cảnh lệnh trừng phạt từ phương Tây đã hạn chế khả năng xuất khẩu năng lượng của nước này.
Một trong những sáng kiến đang được quan tâm là kế hoạch thiết kế tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân phục vụ cho việc vận chuyển LNG.
Theo nhiều nguồn tin, Viện nghiên cứu Kurchatov đã hợp tác với tập đoàn năng lượng Gazprom để bắt đầu phát triển mẫu tàu ngầm này nhằm giảm thời gian di chuyển qua tuyến đường biển phía Bắc từ 20 ngày xuống còn 12 ngày.
Kế hoạch xây dựng các tàu ngầm hạt nhân chở LNG được cho là nhằm khắc phục khó khăn trong việc vận chuyển LNG qua các khu vực Bắc Cực có lớp băng dày, đặc biệt là khi các tàu phá băng hiện tại vẫn chưa đủ để mở đường suốt năm.
Các tàu ngầm mới sẽ sử dụng 3 lò phản ứng hạt nhân Rhythm-200, được trang bị 3 động cơ điện cánh quạt có công suất mỗi chiếc đạt 30MW. Tàu sẽ có khả năng di chuyển ở tốc độ 31,5 km/h mà không bị cản trở bởi băng.
Với chiều dài 360m, chiều rộng không quá 70m và độ mớn nước 14m (chiều cao thẳng đứng từ đáy tàu lên mặt nước), những loại tàu này dự kiến có thể chở tới 180.000 tấn LNG - ngang bằng với các tàu phá băng Arc7 chuyên dụng hiện nay.
Mặc dù dự án này mở ra triển vọng mới cho Nga trong việc duy trì dòng chảy năng lượng ra thế giới, nhưng vẫn tồn tại nhiều hoài nghi về tính khả thi của nó.
Một số chuyên gia cho rằng việc vận hành tàu ngầm chở LNG không chỉ đòi hỏi công nghệ hiện đại mà còn cần đến những hệ thống hỗ trợ phức tạp, như các tàu dịch vụ và bến tàu, cũng như lực lượng thủy thủ được đào tạo chuyên nghiệp.
Ông Alexander Nikitin, một chuyên gia hạt nhân và cựu sĩ quan Hải quân Nga, bình luận: "Dù mọi người nghĩ rằng có lẽ dự án sẽ khả thi, xét đến tình hình hiện tại, theo tôi điều đó khó có thể xảy ra".
Dù vậy, Nga vẫn đang nỗ lực thúc đẩy dự án, coi đây là giải pháp chiến lược để giảm bớt sự phụ thuộc vào các tuyến đường truyền thống như kênh đào Suez, đồng thời đối phó với các lệnh trừng phạt quốc tế.
Theo Splash247, Reuters
Nga tập trận với tên lửa hạt nhân sau khi Ukraine trình bày ‘kế hoạch chiến thắng’
Ấn Độ chuẩn bị đóng 2 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân