Nga lên tiếng về nguy cơ bùng nổ cuộc chiến hạt nhân
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh Moscow không muốn, và chưa bao giờ muốn chiến tranh hạt nhân.
Mối lo ngại về sự leo thang căng thẳng giữa Nga và NATO đã gia tăng trong những tuần gần đây, khi các nước phương Tây thúc đẩy thảo luận về việc cho phép Ukraine tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa vào sâu trong lãnh thổ Nga.
Vào đầu tháng 9, Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo nếu Ukraine được phép làm như vậy, đây sẽ được coi là sự tham gia trực tiếp của phương Tây vào cuộc xung đột Nga – Ukraine, và Moscow sẽ có phản ứng thích hợp. Một số người cho rằng, tuyên bố của ông Putin có nghĩa Moscow đã sẵn sàng triển khai vũ khí hạt nhân.
Khi được hỏi về vấn đề trên, trả lời phỏng vấn Sky News, ông Lavrov cho hay, mặc dù Nga thực sự có "những vũ khí sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho những người điều khiển chính quyền ở Ukraine". Ngoại trưởng Nga ám chỉ Mỹ và các đồng minh phương Tây của Kiev. Song ông Lavrov khẳng định, Nga không muốn sử dụng những vũ khí này.
"Chúng tôi nói về các ranh giới đỏ, hy vọng các đánh giá, tuyên bố của chúng tôi sẽ được những người thông minh, những người ra quyết định lắng nghe. Việc nói rằng nếu ngày mai, ai đó không làm theo những gì chúng tôi yêu cầu, chúng tôi sẽ nhấn ‘nút đỏ’ là không phù hợp", ông Lavrov cho hay, ông tin những người ra quyết định ở phương Tây hiểu điều này, bởi vì “không ai muốn chiến tranh hạt nhân”.
Cũng theo ông, Moscow không muốn leo thang xung đột ở Ukraine, và phương Tây bị kéo vào tham gia trực tiếp. Song, ông nhấn mạnh, điều này chắc chắn sẽ xảy ra, nếu như Kiev được phép sử dụng vũ khí tầm xa tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
“Đó sẽ là cuộc chiến trực tiếp của NATO chống lại Nga. NATO đã tiến hành một cuộc chiến chống lại Nga, nhưng đó là cuộc chiến mượn tay Ukraine. Nếu chúng ta đang nói về các loại tên lửa tầm xa, rõ ràng Ukraine sẽ không thể tự sử dụng chúng”, ông Lavrov giải thích thêm, các nhiệm vụ như dẫn đường mục tiêu, thu thập dữ liệu từ vệ tinh, và thiết lập nhiệm vụ bay chỉ có thể được thực hiện bởi chuyên gia từ các nước sản xuất chính loại vũ khí đó.
Hiện vẫn còn nhiều hạn chế đối với Ukraine trong việc sử dụng các hệ thống vũ khí tầm xa do phương Tây sản xuất. Song, Kiev đã nhiều lần sử dụng chúng để nhắm vào các khu vực do Nga kiểm soát mà chủ yếu ở bán đảo Crưm, và vùng Donbass.
Tuy nhiên, trong tháng 8, Mỹ và Anh đã ám chỉ về việc có thể cho phép Ukraine sử dụng những vũ khí này để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Đầu tuần trước, Nghị viện châu Âu đã thông qua nghị quyết kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) cho phép Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí do phương Tây cung cấp.
>>Nga nêu lý do tăng quy mô quân đội, Mỹ ủng hộ 'kế hoạch chiến thắng' của Ukraine
Con trai và cựu đối thủ của ông Trump cùng cảnh báo nguy cơ chiến tranh hạt nhân
Ông Putin nói Mỹ sẽ không cứu đồng minh trong chiến tranh hạt nhân