Xe Trung Quốc phủ kín thị trường nội địa, niềm tự hào của ô tô Nga chìm vào khủng hoảng chưa từng có
Sức ép cạnh tranh, doanh số sụt giảm và thị trường ô tô nội địa ảm đạm đang đẩy “gã khổng lồ” này vào thế khó chưa từng có.
Rút ngắn tuần làm việc
Avtovaz – nhà sản xuất dòng xe Lada huyền thoại và cũng là hãng ô tô bán chạy nhất Nga – cho biết họ đang cân nhắc chuyển sang chế độ làm việc 4 ngày/tuần từ cuối tháng 9, do lo ngại doanh số năm nay sụt giảm mạnh.
Doanh nghiệp này thừa nhận đang chịu sức ép từ nhiều phía, đặc biệt là sự “áp đảo” của các thương hiệu xe Trung Quốc tại thị trường nội địa. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng về việc rút ngắn giờ làm sẽ phụ thuộc vào phân tích thị trường, lãi suất và khả năng tiếp cận các gói tín dụng.
Từng là niềm tự hào của Nga với dòng Lada gắn liền thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Avtovaz hiện vẫn chiếm vị trí số một tại quốc gia này. Song đây không phải lần đầu hãng phải thu hẹp lịch làm việc.
Năm 2022, khi chiến sự Ukraine nổ ra và nhiều thương hiệu quốc tế rút khỏi Nga, Avtovaz từng áp dụng tuần làm việc 4 ngày trong 3 tháng.

Xe Trung Quốc lấn át thị trường
Avtovaz nhận định lượng xe nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc, tăng đột biến trong năm 2024 là nguyên nhân chính khiến tình hình kinh doanh xấu đi. Sau khi phần lớn thương hiệu phương Tây dừng hoạt động tại Nga, thị trường gần như bị các hãng Trung Quốc “bao phủ”.
Năm nay, hơn 1 triệu xe Trung Quốc đã được bán ra tại Nga, gấp 7 lần năm ngoái. Avtovaz cáo buộc hàng loạt đối thủ nhập khẩu đang “phá giá”, với tồn kho hiện hơn 400.000 xe chưa tiêu thụ.
Hãng dự báo doanh số sẽ tiếp tục giảm, có thể rơi xuống 1,1 triệu xe vào năm 2025 – thấp hơn 25% so với năm ngoái.
Thực tế, thị trường ô tô Nga đang ảm đạm trên diện rộng. Theo Autostat, tháng 6 vừa qua chỉ có 90.116 xe du lịch mới được bán ra, giảm tới 27,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù vậy, Avtovaz vẫn dẫn đầu thị phần với hơn 1/4 số xe bán ra trong tháng 6. Trong top 10 hãng xe bán chạy nhất Nga, chỉ có Avtovaz và Solaris (đơn vị đang vận hành nhà máy cũ của Hyundai tại St. Petersburg) là doanh nghiệp nội địa. Bảy vị trí còn lại thuộc về các hãng xe Trung Quốc cùng thương hiệu Belarus.
Theo Business Insider
Nỗ lực hồi sinh ngành chip của Nhật Bản vỡ tan vì cú sốc xe điện và Trung Quốc
Cách Trung Quốc đảm bảo trạm sạc cho xe điện mùa mưa bão, mất điện diện rộng