Bộ Tài chính Nga ngày 25/5 cho biết, Nga sẽ trả các khoản nợ nước ngoài bằng đồng Ruble, vốn có thể được chuyển đổi thành dạng tiền trái phiếu châu Âu (Eurobond) ban đầu vào một thời điểm sau đó.
Bộ cho biết, quyết định của Bộ Tài chính Mỹ về việc không gia hạn sự miễn trừ cho phép Nga giao dịch trái phiếu bằng ngoại tệ sẽ gây tổn hại trước tiên tới các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuyên bố trước đó của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy, đó là một phần trong những nỗ lực của Tổng thống Joe Biden nhằm tăng cường sức ép lên Tổng thống Vladimir Putin liên quan đến chiến dịch đặc biệt ở Ukraine.
Giá trị đồng Ruble của Nga so với đồng USD đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2018 trong phiên 24/5/2022. Giá trị đồng Ruble được củng cố nhờ các công ty chuyên xuất khẩu phải chuyển đổi nguồn thu ngoại tệ của mình, trong khi nhu cầu ngoại hối bị hạn chế do nhập khẩu vào Nga suy giảm vì hoạt động Logistics bị gián đoạn và phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt lên nước này.
Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin cho biết, giá trị đồng Ruble được xem là minh chứng cho hoạt động hiệu quả của Nga trước các lệnh trừng phạt của phương Tây. Ngân hàng Đầu tư Sinara dự đoán đồng Ruble có thể quay trở lại mức 60-65 Ruble đổi 1 USD vào tháng 6/2022.
Từ đầu năm tới nay, đồng Ruble đã tăng khoảng 30% giá trị so với đồng USD bất chấp các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga do phương Tây áp đặt liên quan chiến dịch tại Ukraine.
Mức tăng ấn tượng trên đã đưa đồng nội tệ của Nga trở thành đồng tiền hoạt động tốt nhất thế giới vào giai đoạn này.
Mỹ truy tìm nhân viên công ty an ninh mạng Trung Quốc
Thổ Nhĩ Kỳ phản đối lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ chống Nga